Bảo đảm năng lực ứng phó của hệ thống y tế: Kiểm soát nhiễm khuẩn luôn là vấn đề nóng

Tại Việt Nam, tình trạng kháng kháng sinh và vi khuẩn đa kháng thuốc ngày càng trở nên phổ biến, cùng với mối đe dọa từ nhiều dịch bệnh mới nổi và tái nổi. Thực trạng này đặt ra thách thức lớn với ngành Y tế trong công tác kiểm soát, phòng ngừa nhiễm khuẩn, để bảo đảm năng lực ứng phó của hệ thống y tế.

Kiểm soát tốt nhiễm khuẩn sẽ bảo đảm năng lực ứng phó của hệ thống y tế. (Ảnh minh họa. Nguồn: BV Phụ Sản Hà Nội)

Kiểm soát tốt nhiễm khuẩn sẽ bảo đảm năng lực ứng phó của hệ thống y tế. (Ảnh minh họa. Nguồn: BV Phụ Sản Hà Nội)

Lo ngại tình trạng nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Là bệnh viện (BV) đa khoa Trung ương hạng đặc biệt của Bộ Y tế và là tuyến cuối phía Nam, BV Chợ Rẫy thường xuyên tiếp nhận các ca bệnh nặng, đặc biệt là những ca bệnh kháng thuốc, đa kháng thuốc từ cộng đồng và tuyến dưới chuyển đến. Tại đây, trung bình mỗi tháng có 480 ca nhiễm khuẩn Gr(-) đa kháng khó điều trị và khoảng 200 ca nhiễm khuẩn Gr(+) kháng thuốc, với nguyên nhân chủ yếu là do nhiễm khuẩn cộng đồng gây ra. Tuy nhiên, ngoài nguồn nhiễm khuẩn từ cộng đồng và BV tuyến dưới, BV Chợ Rẫy cũng xác định bệnh nhân có nguy cơ nhiễm khuẩn ngay tại BV.

Do đó, vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn đã được BV Chợ Rẫy chú trọng trong nhiều năm qua. Từ năm 2018, BV đã triển khai nhiều giải pháp chủ động nhằm phòng ngừa nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn đa kháng thuốc, như yêu cầu nhân viên y tế tuân thủ nguyên tắc phòng ngừa chuẩn vệ sinh tay; nhân viên y tế chăm sóc người bệnh ở phòng hồi sức phải đeo tạp dề... Bắt đầu từ năm 2022, BV chú trọng vệ sinh môi trường buồng bệnh, thiết bị y tế, đồng thời xây dựng và ban hành quy trình vệ sinh môi trường bề mặt nhằm kiểm soát lây nhiễm chéo, bảo đảm chất lượng môi trường điều trị.

Không chỉ riêng BV Chợ Rẫy, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác trên cả nước cũng đang nỗ lực hết mức trong khả năng để kiểm soát nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, với cơ sở hạ tầng chật chội, bệnh nhân quá tải như tại nước ta, việc duy trì khoảng cách an toàn giữa các giường bệnh hay bố trí nhân viên y tế chăm sóc riêng cho bệnh nhân nhiễm khuẩn rất khó thực hiện. Chính vì vậy, nguy cơ lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh luôn ở mức cao, từ đó dẫn tới tăng tỷ lệ tử vong, giảm hiệu quả điều trị, kéo dài thời gian điều trị, tăng chi phí chăm sóc sức khỏe, cũng như làm tăng nguy cơ lây lan nhiễm khuẩn đa kháng thuốc trong BV và ra cộng đồng.

Nhiều thách thức trong kiểm soát, phòng ngừa nhiễm khuẩn

Trước thực trạng trên, việc kiểm soát nhiễm khuẩn nhằm bảo đảm năng lực ứng phó của hệ thống y tế trở thành nhiệm vụ cấp thiết. Đây cũng là quan điểm được GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh giai đoạn 2025 - 2030 ngày 10/4 tại Bộ Y tế.

Theo thông tin từ Hội nghị, thống kê trên toàn cầu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thực hiện năm 2022 cho thấy 100 người bệnh tại các BV chăm sóc cấp tính có 7 người bệnh ở các quốc gia có thu nhập cao và 15 người bệnh ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình mắc ít nhất một nhiễm khuẩn BV trong thời gian nằm viện. Trung bình, 1 trong 10 người bệnh bị ảnh hưởng sẽ tử vong do nhiễm khuẩn BV. Đặc biệt, hằng năm, có khoảng 136 triệu ca nhiễm khuẩn bệnh viện do vi khuẩn kháng kháng sinh. Dự báo đến năm 2050, gần 3,5 triệu người có thể tử vong do nhiễm khuẩn bệnh viện mỗi năm, gấp 4,4 lần so với HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục cộng lại.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho hay, kiểm soát nhiễm khuẩn là một trong những trụ cột quan trọng trong bảo đảm an toàn người bệnh, chất lượng dịch vụ y tế và năng lực ứng phó của hệ thống y tế trước các bệnh truyền nhiễm. Đại dịch Covid-19 đã qua khẳng định vai trò không thể thiếu của công tác này, không chỉ trong phòng, chống dịch mà còn trong công tác bảo vệ đội ngũ y tế và cộng đồng.

Ngành Y tế vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn: sự chênh lệch về nguồn lực và năng lực giữa các cấp khám, chữa bệnh; hạ tầng, thiết bị, vật tư kiểm soát nhiễm khuẩn còn thiếu thốn; ý thức tuân thủ quy trình của một bộ phận nhân viên y tế và người bệnh, người nhà người bệnh còn hạn chế; đặc biệt, tình trạng kháng kháng sinh cùng mối đe dọa từ vi khuẩn đa kháng thuốc đang ngày càng gia tăng và sự xuất hiện của các dịch bệnh mới nổi và tái nổi.

Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát nhiễm khuẩn giai đoạn 2025 - 2030. “Đây là tài liệu định hướng quan trọng, có tính chiến lược, nhằm đồng bộ hóa các hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn trên phạm vi cả nước, phù hợp với chiến lược nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và các khuyến nghị của WHO. Đây sẽ là “kim chỉ nam” quan trọng để các đơn vị, cơ sở khám, chữa bệnh trên cả nước triển khai bài bản, đồng bộ và hiệu quả công tác kiểm soát nhiễm khuẩn” - Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.

Linh Chi

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/bao-dam-nang-luc-ung-pho-cua-he-thong-y-te-kiem-soat-nhiem-khuan-luon-la-van-de-nong-post545405.html