Bảo đảm phân cấp, phân quyền toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm và tạo ra đột phá

Cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) tại phiên họp sáng 20.9, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, đây là dự án Luật về phân cấp, ủy quyền nhằm phát triển Thủ đô Hà Nội theo các mục tiêu đề ra đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chính vì vậy, cần rà soát, quy định rõ các cơ chế, chính sách về phân cấp, phân quyền, bảo đảm toàn diện trên các lĩnh vực, vừa có trọng tâm, trọng điểm để tạo đột phá.

Cần cơ chế riêng để tạo ra nguồn lực

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Thủ đô hiện hành nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô tại một số Nghị quyết của Bộ Chính trị, như Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nhận diện qua hơn 9 năm thi hành Luật Thủ đô năm 2012.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, dự thảo Luật này cần đóng góp, cụ thể hóa và thực hiện được các mục tiêu: Năm 2030, Hà Nội là thành phố văn hiến, văn minh, hiện đại; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới. “Tầm cỡ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh không phải là cạnh tranh trong nước nữa, mà là cạnh tranh với khu vực và thế giới; phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Đặc biệt, đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc, hài hòa, tiêu biểu cho cả nước, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới. Nêu yêu cầu này, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, Thủ đô Hà Nội, ngoài chức năng là Thủ đô, còn là một đô thị đặc biệt, vì vậy dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này cần tiếp tục rà soát các quy định liên quan đến quản trị đô thị đặc biệt để thể chế hóa được vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ đô.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu

Cơ bản tán thành với nội dung dự thảo Luật, song Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng chỉ rõ, các cơ chế đặc thù thể hiện trong dự luật chưa đủ mạnh, chưa mang nét riêng, đặc biệt tương xứng với vai trò, vị thế đặc biệt của Thủ đô Hà Nội và đề nghị, dự thảo Luật lần này cần tạo được cơ chế đột phá giúp Thủ đô vươn lên mạnh mẽ hơn nữa. “Trước đây chúng ta đã có sự đột phá là mở rộng quy mô, thì bây giờ phải làm sao để có được các nguồn lực tương ứng với sự phát triển của quy mô đó. Nếu Thủ đô vẫn tiếp tục sử dụng những cơ chế bình thường, với cơ chế phân cấp bình thường thì không thể có nguồn lực phát triển”, Phó Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn.

Hà Nội hiện rất lúng túng về nguồn lực, cả trong giải phóng mặt bằng, nếu không tháo gỡ nút thắt này thì ách tắc giao thông vẫn là câu chuyện không giải quyết được. Chỉ ra thực tế này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, cần xem lại các cơ chế tài chính cũng như các cơ chế để có thể khơi thông, thu hút được các nguồn lực. "Quan điểm là có cơ chế riêng, đặc biệt cho Thủ đô chứ không phải cơ chế đặc thù", Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Phân cấp, phần quyền đi liền với kiểm soát quyền lực và chịu trách nhiệm

Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nêu một số phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô, trong đó có tăng cường phân cấp, phân quyền cho Thủ đô trên một số lĩnh vực nhằm tạo sự chủ động, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại của Thủ đô gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực; các chương trình, dự án kết nối liên vùng, liên tỉnh, phục vụ đa mục tiêu, kết nối hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực của vùng.

Từ thực tiễn phát triển của Thủ đô, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc phân cấp, phân quyền phải toàn diện trên các lĩnh vực, không chỉ là về kinh tế mà còn ở các lĩnh vực khác theo hướng "vừa bảo đảm tính toàn diện, đồng thời phải có trọng tâm, trọng điểm, phải tạo ra đột phá, chứ không phải rải mành mành".

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự phiên họp

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự phiên họp

Trong dự thảo Luật lần này cần tập trung phân cấp, phân quyền đến cấp Thủ đô, tức là cấp tỉnh. Gợi mở vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát và nên chăng bổ sung nội dung phân cấp cho chính quyền cấp dưới; và nếu không quy định phân cấp cụ thể cho chính quyền cấp dưới, thì nên tính toán để bổ sung điều khoản giao cho Thủ đô thẩm quyền phân cấp cho chính quyền cấp dưới, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho cấp dưới thực hiện. “Chỗ này các đồng chí tính thêm, theo đó thì những quy định về thẩm quyền nào thấy cần thiết phải quy định ngay trong Luật đối với cấp quận, huyện, sở, ngành, nội dung nào thành phố tiếp tục phân quyền cho cấp dưới. Trong Báo cáo thẩm tra nói chủ yếu là cấp thành phố, nhưng phân cấp, phân quyền bao gồm rất nhiều cấp”, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu

Cùng với việc đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền và trao cho Thủ đô những cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, thì cơ chế kiểm soát quyền lực cũng là vấn đề được quan tâm tại phiên họp. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, phân cấp mạnh phải đi cùng với kiểm soát quyền lực. Giải quyết vấn đề này trong thực tế không phải dễ, nhưng cũng cần có giới hạn nhất định, tránh dẫn đến tình trạng cơ chế “xin ý kiến” nhiều quá; "Thành phố mà cái gì cũng xin ý kiến các bộ, ngành”.

Cơ chế kiểm tra, kiểm soát quyền lực thực chất là vấn đề trình tự, thủ tục để thực hiện các quyền này. Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội phân tích: "Ai ban hành mới là quan trọng; có trình tự, thủ tục sẽ tự khắc phải làm theo - đó là cơ sở để chúng ta giám sát". Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần tiếp tục rà soát, nội dung nào Chính phủ quy định, nội dung nào Thành phố có thẩm quyền.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu

Tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, có 26 nội dung về phân cấp, phân quyền đang được đưa vào dự thảo Luật lần này và tinh thần là “những gì phân cấp được thì quy định rõ ràng ngay trong Luật”. Bộ Tư pháp sẽ rà soát thêm để củng cố quan điểm “đã phân quyền, phân cấp thì đồng thời đi kèm với kiểm soát quyền lực và chịu trách nhiệm”.

Nhật An

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/bao-dam-phan-cap-phan-quyen-toan-dien-c%C3%B3-trong-tam-trong-diem-va-tao-ra-dot-pha-i343614/