Bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật
Qua những vụ việc được trợ giúp kịp thời, người khuyết tật và người thân của họ cũng như cộng đồng và xã hội hiểu biết hơn, tin tưởng hơn vào chính sách, các quy định của pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam dành cho người khuyết tật.
Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 (TGPL) quy định người khuyết tật khó khăn về tài chính là một trong những đối tượng được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí của Nhà nước. Đây là cơ sở pháp lý giúp bảo đảm người khuyết tật được tiếp cận hệ thống tư pháp một cách hữu hiệu và bình đẳng với những người khác, nhất là khi tham gia tố tụng.
Hằng năm, Bộ Tư pháp và các địa phương thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng TGPL cho người khuyết tật với nội dung phong phú, đa dạng như: kỹ năng tiếp xúc, tư vấn; kỹ năng tham gia tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính… cho người thực hiện TGPL (gồm trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên) trên toàn quốc.
Từ năm 2012 đến nay, có trên 10 lớp tập huấn về kỹ năng thực hiện TGPL cho người khuyết tật được tổ chức ở Trung ương. Thông qua các lớp tập huấn, người thực hiện TGPL được bồi dưỡng những kỹ năng TGPL đặc thù cho người khuyết tật, nâng cao kỹ năng hành nghề, bảo đảm việc thực hiện trợ giúp chất lượng, hiệu quả.
Ông Lê Minh Hiền- Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Tây Ninh cho biết, đa số người khuyết tật đi lại khó khăn nên hoạt động TGPL cho đối tượng này cần được quan tâm đặc biệt. Thời gian qua, chính sách TGPL cho người dân nói chung, người khuyết tật nói riêng được Trung tâm phối hợp với các cơ quan ban, ngành, chính quyền địa phương thực hiện tuyên truyền thường xuyên, tập trung vào việc thực hiện các vụ việc trợ giúp theo hình thức tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính khi họ có yêu cầu.
Hằng năm, các vụ việc liên quan đến người khuyết tật thuộc diện TGPL do Trung tâm thụ lý có tỷ lệ từ 5%-10% so với tổng số vụ việc thực hiện TGPL (trung bình mỗi năm Trung tâm thụ lý từ 300 - 400 vụ việc). Hầu hết các vụ việc TGPL cho người khuyết tật đều đạt chất lượng, không có khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc thực hiện này. Qua những vụ việc được trợ giúp kịp thời, người khuyết tật và người thân của họ cũng như cộng đồng và xã hội hiểu biết hơn, tin tưởng hơn vào chính sách, các quy định của pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam dành cho người khuyết tật.
Trong nhiều vụ việc tham gia tố tụng, người thực hiện TGPL có quan điểm bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị cáo là người khuyết tật được các cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận theo hướng có lợi cho người được TGPL như thay đổi khung hình phạt thấp hơn so với mức đề nghị của Viện Kiểm sát, giảm nhẹ trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bị cáo… Người thực hiện TGPL khi được cử tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị hại, đương sự là người khuyết tật luôn nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, sử dụng các biện pháp do pháp luật quy định để góp phần làm rõ sự thật khách quan của vụ án, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Đơn cử như trường hợp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại T.V.Đ (sinh năm 1964, ngụ huyện Tân Biên) thuộc diện người khuyết tật được TGPL trong vụ án cướp giật tài sản. Theo hồ sơ vụ án, từ tháng 12.2022 đến ngày 10.2.2023, Trần Thanh Phong (SN 1993, ngụ xã Tân Đông, huyện Tân Châu) điều khiển xe mô tô chạy trên các tuyến đường thuộc huyện Tân Biên tìm kiếm đối tượng bán vé số (chủ yếu là người già, phụ nữ, trẻ em và người khuyết tật không có khả năng tự vệ) để cướp giật vé số, sau đó bán lại cho người khác lấy tiền tiêu xài cá nhân. Với thủ đoạn trên, Phong đã thực hiện 1 vụ trộm cắp tài sản và 25 vụ cướp giật vé số, chiếm đoạt hơn 4.850 tờ vé số của các bị hại, trong đó có ông T.V.Đ, với tổng giá trị hơn 48,5 triệu đồng.
Với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại T.V.Đ, tại phiên tòa, trợ giúp viên pháp lý đã bày tỏ quan điểm, đưa ra những lý lẽ thuyết phục đề nghị Hội đồng xét xử xử lý thật nghiêm khắc bị cáo để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội, yêu cầu bị cáo bồi thường tổn thất tinh thần cho bị hại. “Hoạt động của trợ giúp viên pháp lý tại Tòa án đã bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những đối tượng chính sách, người yếu thế trong xã hội để chúng tôi không bị thiệt thòi. Tôi thật sự cảm ơn sự giúp đỡ của Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh” - ông T.V.Đ chia sẻ
Bên cạnh đó, Trung tâm TGPL Nhà nước còn tổ chức thực hiện các đợt truyền thông công tác TGPL, kết hợp thực hiện tư vấn pháp luật cho người dân, trong đó có người khuyết tật bằng nhiều hình thức, bảo đảm 100% người khuyết tật được TGPL khi có yêu cầu (năm 2023, Trung tâm phối hợp với các địa phương thực hiện 39 đợt, cấp phát 10.416 loại tài liệu, tờ gấp pháp luật cho 2.257 lượt người tham dự; tư vấn pháp luật 87 vụ cho 87 người). Ngoài ra, Trung tâm còn trang bị và cung cấp các bảng thông tin về TGPL, danh sách người thực hiện TGPL tại trụ sở TAND hai cấp, các cơ sở giam giữ…
Ông Nguyễn Văn Quá- Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 23.000 người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng. Hội đang quản lý 21 Câu lạc bộ Người khuyết tật, 3 Chi hội và Hội Bảo trợ người khuyết tật huyện Châu Thành với khoảng 1.000 thành viên là người khuyết tật tham gia. Những năm qua, Hội quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật cho người khuyết tật, giúp bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho họ, để ổn định cuộc sống vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Năm 2023, Hội tổ chức, phối hợp được 8 cuộc tuyên truyền pháp luật triển khai các chính sách về người khuyết tật. Tại các buổi tuyên truyền, hội viên được phổ biến nội dung Luật Người khuyết tật; Chỉ thị 39-CT/TW ngày 1.11.2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật; Quyết định số 1190/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 5.8.2020 phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030; chính sách TGPL của người khuyết tật…
Dự kiến, tháng 10.2024, Hội Bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh sẽ tổ chức hội nghị tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các văn bản mới liên quan đến chính sách, quyền lợi, nghĩa vụ của người khuyết tật; thành lập thêm 4 Câu lạc bộ Người khuyết tật.
“Qua các buổi tuyên truyền, sinh hoạt câu lạc bộ giúp người khuyết tật trang bị thêm kiến thức pháp luật để tự tin vươn lên trong cuộc sống, góp phần nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật; giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến người khuyết tật”- Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh chia sẻ.
Để bảo đảm hiệu quả thực hiện TGPL cho người khuyết tật trong thời gian tới, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh kiến nghị cần bỏ quy định điều kiện khó khăn về tài chính, cụ thể là người khuyết tật thuộc hộ cận nghèo hoặc được nhận trợ cấp xã hội hằng tháng nhằm giúp họ được tiếp cận gần hơn với chính sách này.