Bảo đảm quyền kinh doanh của doanh nghiệp xăng dầu

Tại Tọa đàm 'Cơ chế kinh doanh và an ninh năng lượng trong lĩnh vực xăng dầu' do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức sáng 16.10, các đại biểu đề xuất, nghị định mới về kinh doanh xăng dầu cần bảo đảm quyền tự do kinh doanh cho các doanh nghiệp. Điều này sẽ tạo sự cạnh tranh và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi.

Vẫn còn bất cập

Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, giữ vai trò rất quan trọng trong sản xuất, đời sống xã hội và bảo đảm an ninh - quốc phòng. Từ năm 2003 đến nay, Chính phủ đã từng bước đưa kinh doanh xăng dầu chuyển dần sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, bằng Quyết định số 187/2003/QĐ-TTg và sau đó lần lượt là các Nghị định số 55/2007, 84/2009, 83/2014, 95/2021 và 80/2023. Các quy định liên quan đã cụ thể về quyền, nghĩa vụ của các bên trong bảo đảm nguồn cung xăng dầu; quy định rõ việc điều hành giá do liên Bộ Công Thương và Tài chính thực hiện, đến nay rút xuống còn 7 ngày/lần, cơ bản bám sát giá xăng dầu thế giới. Ngoài ra, hằng năm, định kỳ hoặc đột xuất, Chính phủ, Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công Thương đều có các nghị quyết, chỉ thị nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu.

 Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Hoàng Văn Cường chia sẻ tại Tọa đàm “Cơ chế kinh doanh và an ninh năng lượng trong lĩnh vực xăng dầu”. Ảnh: Duy Thông

Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Hoàng Văn Cường chia sẻ tại Tọa đàm “Cơ chế kinh doanh và an ninh năng lượng trong lĩnh vực xăng dầu”. Ảnh: Duy Thông

Đánh giá cao công tác điều hành thị trường xăng dầu thời gian qua đã thiết lập được hệ thống phân phối, duy trì thị trường khá bình ổn, không xảy ra tình trạng đứt gãy nghiêm trọng, song Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Hoàng Văn Cường cho rằng, việc Chính phủ liên tiếp phải điều chỉnh quy định về quản lý xăng dầu cho thấy có sự "chưa hoàn hảo”.

Ông Cường phân tích, dù qua nhiều lần điều chỉnh song chúng ta vẫn bám vào 3 công cụ chính. Một là, Nhà nước điều hành xác định giá cơ sở, trên cơ sở đó doanh nghiệp xăng dầu xác định giá bán. Tuy nhiên, thực tế các doanh nghiệp dùng luôn giá cơ sở làm giá bán, dẫn đến không còn sự cạnh tranh. Đây là một vấn đề cần phải tính đến khi sửa đổi nghị định về xăng dầu tới đây. Hai là, công cụ về thuế (thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường) được sử dụng khá tốt, đúng nghĩa là công cụ vĩ mô để điều hành thị trường, rất linh hoạt và cần tiếp tục phát huy. Ba là, quỹ bình ổn với mục tiêu ban đầu rất nhân văn, song hiện giá cơ sở điều hành 7 ngày/lần đã khá sát với thế giới, chưa kể việc quản lý, sử dụng quỹ còn bất cập, thậm chí là tiêu cực. Bởi vậy, cần thiết xem xét lại cơ chế bình ổn. Khi đã vận hành theo thị trường, vai trò của quỹ này sẽ không còn cần nữa.

 Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam Nguyễn Tiến Thỏa chia sẻ tại Tọa đàm “Cơ chế kinh doanh và an ninh năng lượng trong lĩnh vực xăng dầu”. Ảnh: Duy Thông

Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam Nguyễn Tiến Thỏa chia sẻ tại Tọa đàm “Cơ chế kinh doanh và an ninh năng lượng trong lĩnh vực xăng dầu”. Ảnh: Duy Thông

Chia sẻ với ý kiến trên, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng, việc sử dụng các công cụ thuế, phí, chính sách tiền tệ để điều tiết thị trường xăng dầu đã được chúng ta làm rất tốt. Quỹ bình ổn cũng đã có tác dụng trong giai đoạn nhất định. Tuy nhiên, do cơ chế quản lý, kiểm soát chưa thực sự hiệu quả nên việc sử dụng quỹ này còn có những bất cập và phát sinh tiêu cực. Về lâu dài, nếu bám kịp biến động của giá thế giới, vận hành hoàn toàn theo thị trường thì không cần đến Quỹ bình ổn, ông Thỏa nhìn nhận.

Cần thiết lập sàn giao dịch xăng dầu

Hiện, Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu (dự thảo Nghị định), thay thế cho các nghị định trước đây. Một trong những nội dung đang nhận được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp là điều khoản hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, như thương nhân phân phối không được mua bán với nhau. Lý giải điều này, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Nguyễn Thúy Hiền cho biết, cơ quan thanh tra, kiểm tra đã chỉ ra, nếu cho doanh nghiệp mua bán của nhau sẽ dẫn đến 3 vấn đề, gồm: mức tiêu thụ ảo, gây khó khăn trong điều hành của Nhà nước; doanh nghiệp nâng chi phí lên; doanh nghiệp lợi dụng để xử lý vấn đề tài chính.

 Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Nguyễn Thúy Hiền chia sẻ tại Tọa đàm “Cơ chế kinh doanh và an ninh năng lượng trong lĩnh vực xăng dầu”. Ảnh: Duy Thông

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Nguyễn Thúy Hiền chia sẻ tại Tọa đàm “Cơ chế kinh doanh và an ninh năng lượng trong lĩnh vực xăng dầu”. Ảnh: Duy Thông

Tuy nhiên, Giám đốc Công ty CP Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ APP Thanh Hóa 1 Hoàng Trung Dũng tỏ ý lo ngại về quy định hạn chế quyền kinh doanh này. Theo ông Dũng, thời gian qua, "nút thắt" khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ là do chiết khấu thấp. Khi giá xăng dầu xuống, các doanh nghiệp đầu mối sẽ phải bóp chiết khấu, ảnh hưởng trực tiếp tới thương nhân phân phối lẫn cửa hàng bán lẻ. Thực tế đã từng xảy ra chiết khấu 0 đồng, 50 đồng/lít, trong khi doanh nghiệp phân phối, bán lẻ còn phải chịu chi phí vận chuyển tối thiểu 400 - 500 đồng/lít, chưa kể chi phí nhân công… Mặt khác, nhìn từ tình trạng đứt gãy nguồn cung cục bộ thời điểm cuối năm 2022, khi một số đầu mối bị thu giấy phép, nếu cấm thương nhân mua bán xăng dầu của nhau rất có thể sẽ xảy ra tình trạng đứt gãy.

 Giám đốc Công ty CP Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ APP Thanh Hóa 1 Hoàng Trung Dũng chia sẻ tại Tọa đàm “Cơ chế kinh doanh và an ninh năng lượng trong lĩnh vực xăng dầu”. Ảnh: Duy Thông

Giám đốc Công ty CP Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ APP Thanh Hóa 1 Hoàng Trung Dũng chia sẻ tại Tọa đàm “Cơ chế kinh doanh và an ninh năng lượng trong lĩnh vực xăng dầu”. Ảnh: Duy Thông

Ông Hoàng Trung Dũng đề xuất, cơ chế điều hành của Nhà nước cần bảo đảm để các thành viên, đặc biệt là thương nhân phân phối và cửa hàng bán lẻ có lợi nhuận bảo đảm hoạt động, và họ phải có quyền mua bán tự do. Đồng thời, cần tháo gỡ "nút thắt" về giá, muốn vậy giá đầu vào phải rõ ràng, minh bạch và phải cho thương nhân phân phối tự do mua hàng. Việc lập sàn xăng dầu là rất cần thiết, để doanh nghiệp lựa chọn đơn vị chào giá rẻ. Lâu dài, nên có một luật riêng về xăng dầu, ông Dũng đề nghị.

 Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam Nguyễn Tiến Thỏa chia sẻ tại Tọa đàm “Cơ chế kinh doanh và an ninh năng lượng trong lĩnh vực xăng dầu”. Ảnh: Duy Thông

Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam Nguyễn Tiến Thỏa chia sẻ tại Tọa đàm “Cơ chế kinh doanh và an ninh năng lượng trong lĩnh vực xăng dầu”. Ảnh: Duy Thông

Mặc dù chia sẻ nỗi lo của Bộ Công Thương khi cho doanh nghiệp tự do mua bán xăng dầu sẽ có những rủi ro, song theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, hiện nay, công tác kết nối thông tin của Bộ Công Thương với doanh nghiệp đã tốt lên, vì thế sẽ nắm được sản lượng mua bán để biết tổng cung cầu của nền kinh tế, trên cơ sở đó hoạch định chính sách phù hợp. Xu hướng kết nối thông tin này sẽ còn tốt hơn nữa, cùng với công tác quản lý, chúng ta sẽ kiểm soát được rủi ro. Điều này hàm ý cần cho phép doanh nghiệp được tự do mua bán xăng dầu, thay vì hạn chế quyền như dự thảo Nghị định.

Chia sẻ với các ý kiến trên, ông Hoàng Văn Cường cho rằng, trong bối cảnh chúng ta đang đủ điều kiện để hội nhập thị trường khi cung xăng dầu không chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng có tính cạnh tranh cao với hơn 30 doanh nghiệp đầu mối, cần mạnh dạn mở theo cơ chế thị trường, tức là phải có tự do mua bán cạnh tranh, doanh nghiệp chỉ cần đủ điều kiện thì được tự do tìm nguồn hàng. Điều này sẽ thúc đẩy cạnh tranh và tạo ra chiết khấu tốt; khi đó, doanh nghiệp tính toán giỏi sẽ hoạt động tốt và ngược lại, góp phần mang lại lợi ích tốt cho người tiêu dùng.

Cũng theo ông Cường, liên quan đến định giá, Bộ Công Thương cần làm rõ công thức định giá xem chi phí nào hợp lý thì phải được tính vào giá thành. Nhà nước không can thiệp mà phải để doanh nghiệp tự tính giá và phải công bố từng ngày. Đến khi giao cho doanh nghiệp công bố giá hằng ngày thì bỏ Quỹ bình ổn, song bắt buộc phải dự trữ lưu thông. Có một công cụ dự trữ quan trọng là phải thông qua công cụ phái sinh, nếu không sẽ không thể phòng vệ giá được.

Ủng hộ đề xuất lập sàn giao dịch xăng dầu, ông Cường cho rằng, điều này rất cần thiết để các doanh nghiệp trao đổi mua bán với nhau. Tất nhiên, sàn này không thể như thế giới, nhưng vẫn rất cần cho Việt Nam.

Minh Châu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bao-dam-quyen-kinh-doanh-cua-doanh-nghiep-xang-dau-post393456.html