Bảo đảm sự công bằng cho các học sinh dân tộc thiểu số
Sáng 5.4, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (World bank) tổ chức Hội thảo xin ý kiến góp ý Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông Dân tộc nội trú (DTNT). Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến tại 49 tỉnh, thành phố.
Phát biểu khai mạc, Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc (Bộ Giáo dục và Đào tạo) GS.TS Lê Thị Thanh Nhàn cho biết, hiện nay, trường phổ thông DTNT đang hoạt động theo Thông tư số 01/2016/TT-BGDĐT ngày 15.1.2016 của Bộ trưởng Bộ GD và ĐT ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông DTNT (Thông tư số 01/2016/TT-BGDĐT). Ngày 18.12.2018, Bộ GD và ĐT tổ chức Hội nghị Tống kết 10 năm trường phổ thông DTNT giai đoạn 2008 - 2018; Hội nghị đã khẳng định, mô hình giáo dục của các trường phổ thông DTNT đóng vai trò to lớn trong việc tạo nguồn đào tạo cán bộ, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, biên giới và hải đảo.
“Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, với sự phát triển của kinh tế - xã hội, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên, khoảng cách về vùng miền ngày càng được thu hẹp, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi đáng kể đời sống vật chất và tinh thần của vùng đồng bào DTTS và miền núi. Mặt khác, một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chính sách phát triển hệ thống trường phổ thông DTNT đã thay đổi theo Luật Giáo dục 2019 và theo giai đoạn 2021-2025 như: Nghị định số 84/NĐ-CP, ngày 17.7.2020 về học bổng chính sách, Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4.6.2021, Quyết định số 612/QĐ-TTg, ngày 16.9.2021 về danh sách xã, thôn đặc biệt khó khăn. Các vấn đề trên thay đổi đã trực tiếp khiến mô hình trường phổ thông DTNT bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: Vùng tuyển sinh của trường phổ thông DTNT bị thu hẹp. Nhiều địa phương đang thiếu nguồn tuyến sinh trầm trọng; Sự phân cấp quy định về điều kiện, thủ tục thành lập; điều kiện hoạt động giáo dục,…”, GS.TS Lê Thị Thanh Nhàn cho biết.
Từ những thực trạng trên, các đại biểu tại Hội thảo nhất trí cao, cần có những thay đổi trong quy định, văn bản pháp quy để đáp ứng nhu cầu thực tiễn và bảo đảm sự công bằng cho các học sinh dân tộc thiểu số. Đại diện Sở GD và ĐT tỉnh Hòa Bình nêu vướng mắc, theo quy định của Điều 13, Dự thảo Thông tư, đối tượng tuyển sinh của trường phổ thông DTNT là học sinh người DTTS thường trú 3 năm trở lên (tính đến ngày nhận hồ sơ theo kế hoạch tuyển sinh của cơ quan có thẩm quyền ban hành) tại các xã khu vực III, khu vực II và khu vực I thuộc vùng DTTS và miền núi theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Và học sinh là dân tộc Kinh thường trú 3 năm trở lên ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được phép tuyển sinh không quá 5% trong tổng số chỉ tiêu được tuyển mới học sinh nội trú hằng năm là chưa rõ ràng. “Vì nếu học sinh có hộ khẩu thường trú tại các vùng quy định nhưng không thường xuyên sinh sống, học tập ở nơi đăng ký hộ khẩu thường trú có được tham gia tuyển sinh không?”, đại diện Sở GD và ĐT tỉnh Hòa Bình nêu.
Tại Hội thảo nhiều ý kiến đại biểu băn khoăn về vấn đề, nhân viên y tế, nhân viên tư vấn tâm lý của các trường phổ thông DTNT hiện nay không được hưởng trợ cấp 0,3 như đối với giáo viên. Các đại biểu đại diện Sở GD và ĐT tỉnh Sóc Trăng, Sở GD và ĐT tỉnh Đắk Lắk cũng kiến nghị Bộ GD và ĐT cần xem xét để các trường hợp nhân viên này được hưởng thêm trợ cấp 0,3 như giáo viên của các trường phổ thông DTNT,….
Tiếp thu những ý kiến và trả lời những băn khoăn của các đại biểu Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc Vũ Thị Ánh cho biết, chúng tôi ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu và sẽ có những sửa đổi, bổ sung nội dung Dự thảo Thông tư cho phù hợp thực tiễn. “Việc mở rộng đối tượng tuyển sinh của các trường DTNT, trong đó đối tượng học sinh khác trong trường phổ thông DTNT không quá 20% số học sinh DTNT. Đối tượng này không được hưởng chế độ của học sinh phổ thông DTNT sẽ góp phần nâng cao chất lượng của học sinh DTTS, mở ra cơ hội cho các học sinh không là DTTS trên địa bàn. Bảo đảm sự công bằng trong tiếp cận giáo dục, góp phần giúp các em học sinh DTTS hòa nhập hơn…”, bà Ánh cho biết.