Bảo đảm tiến độ, chất lượng các đề tài, dự án khoa học và công nghệ

Ngày 13/2, đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang kiểm tra thực tế kết quả thực hiện một số đề tài, dự án khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp tỉnh, cấp quốc gia tại các huyện: Lục Ngạn, Lục Nam và Hiệp Hòa. Cùng đi có lãnh đạo Sở KH&CN, Văn phòng UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các địa phương.

Đồng chí Mai Sơn cùng đoàn công tác kiểm tra thực tế kết quả thực hiện các đề tài nghiên cứu xây dựng mô hình rừng trồng thâm canh vù hương (Cinamomum balansae H.Lec) tại tỉnh Bắc Giang (triển khai tại huyện Lục Ngạn) và dự án ứng dụng tiến bộ KH&CN trong nuôi lợn sinh sản và thương phẩm 4 máu trên địa bàn tỉnh Bắc Giang (triển khai tại huyện Lục Nam).

Đồng chí Mai Sơn kiểm tra tại khu vực trồng cây vù hương.

Đồng chí Mai Sơn kiểm tra tại khu vực trồng cây vù hương.

Tại huyện Hiệp Hòa, đoàn kiểm tra thực tế tại 3 đề tài, dự án gồm: Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất con lai trĩ - gà tạo sản phẩm gia cầm mới trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; nghiên cứu ứng dụng tiến bộ KH&CN để cải tạo và phát triển đàn dê lai trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình chăn nuôi bò thịt lai Blanc-Blue-Belge thương phẩm thành hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Báo cáo với đoàn công tác, đại diện các cơ quan, tổ chức chủ trì cho biết, đến nay, các đề tài, dự án đều được tập trung thực hiện, bảo đảm tiến độ đề ra và bước đầu cho kết quả tốt.

Theo Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, hiện nhóm thực hiện đề tài Nghiên cứu xây dựng mô hình rừng trồng thâm canh vù hương đã xây dựng mô hình vườn sưu tập giống (0,5 ha) và mô hình trình diễn trồng rừng thâm canh vù hương từ nguồn vật liệu giống của 21 cây mẹ đã được tuyển chọn (4 ha). Sau 15 tháng trồng cây đã ổn định, tỷ lệ sống đạt hơn 90%, cây sinh trưởng tốt, chiều cao trung bình ước đạt 2,5-3 m, đường kính gốc đạt 3,3 - 5 cm

Đoàn công tác theo dõi quá trình chăm sóc lợn 4 máu thông qua camera.

Đoàn công tác theo dõi quá trình chăm sóc lợn 4 máu thông qua camera.

Tương tự, Công ty TNHH Anh An Phú Việt Nam cũng đã hoàn thành xây dựng hệ thống chuồng trại và đối ứng kinh phí thực hiện mô hình nuôi sinh sản và mô hình nuôi thương phẩm lợn 4 máu.

Đối với hai đề tài do Học Viện Nông nghiệp Việt Nam chủ trì, hiện đơn vị đã nhập chim trĩ đực giống (chim trĩ xanh và trĩ đỏ) cùng đàn gà mái nền để tiến hành các thí nghiệm tạo các con lai đối với đề tài Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất con lai trĩ - gà tạo sản phẩm gia cầm mới trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Đại diện Học viện Nông nghiệp Việt Nam báo cáo tiến độ thực hiện hai dự án tại huyện Hiệp Hòa.

Đại diện Học viện Nông nghiệp Việt Nam báo cáo tiến độ thực hiện hai dự án tại huyện Hiệp Hòa.

Cùng đó, nhập 6 con dê Boer đực giống về trại sản xuất để chăm sóc, nuôi dưỡng và đã cho khai thác tinh. Về dự án ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình chăn nuôi bò thịt lai Blanc-Blue-Belge thương phẩm thành hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, Công ty cổ phần Nông nghiệp sạch Bắc Giang đang thực hiện xây dựng mô hình chăn nuôi bò thịt từ con lai F1 BBB tại trang trại. Qua theo dõi, bê lai F1 BBB khỏe mạnh, sinh trưởng, phát triển tốt.

Về những khó khăn, vướng mắc, đại diện Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho rằng, đầu tư trồng rừng kinh doanh gỗ lớn cần nguồn kinh phí lớn, trong khi ngân sách chỉ hỗ trợ một phần công lao động và giống, phân bón để thực hiện mô hình nên đơn vị phải đối ứng số vốn lớn để thực hiện mô hình.

Tương tự, đại diện Công ty TNHH Anh An Phú Việt Nam cho rằng, do giá con giống và các loại thức ăn đều cao hơn so với thời điểm phê duyệt dự án nên doanh nghiệp khó khăn trong xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu để mua con giống và các loại vật tư phục vụ mô hình của dự án.

Quang cảnh buổi làm việc về hai dự án do Học viện Nông nghiệp Việt Nam chủ trì.

Quang cảnh buổi làm việc về hai dự án do Học viện Nông nghiệp Việt Nam chủ trì.

Đại diện Học viện Nông nghiệp Việt Nam đề nghị tỉnh, các ngành, địa phương tạo điều kiện thực hiện đúng tiến độ các thủ tục; tổ chức các sự kiện khoa học, hội thảo khoa học và truyền thông kết quả thực hiện các đề tài và mở rộng đối tượng vật nuôi ứng dụng các kết quả nghiên cứu (điều khiển giới tính ở lợn, gà, vịt...).

Cùng đó hỗ trợ doanh nghiệp tiếp nhận, chuyển giao công nghệ từ kết quả nghiên cứu; xây dựng Trung tâm sản xuất con giống chất lượng cao áp dụng các quy trình kỹ thuật đã được thực hiện thành công...

Ông Dương Thế Vinh, Công ty cổ phần Nông nghiệp sạch Bắc Giang đề xuất, không thực hiện xây dựng mới phần mềm quản lý, theo dõi đàn bò thuộc nội dung xây dựng mô hình chăn nuôi tập trung bò thịt từ con lai F1 BBB của dự án đã được phê duyệt mà thay thế bằng sử dụng phần mềm AgriConnect của công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT về quản lý sản xuất và truy xuất nguồn gốc sản phẩm đã được thương mại hóa trên thị trường.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở KH&CN phát biểu tại buổi kiểm tra nhiệm vụ do Học viện Nông nghiệp Việt Nam chủ trì.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở KH&CN phát biểu tại buổi kiểm tra nhiệm vụ do Học viện Nông nghiệp Việt Nam chủ trì.

Qua nắm bắt thực tế, đồng chí Mai Sơn đánh giá cao chủ trương tổ chức hội thi tìm kiếm ý tưởng trong nghiên cứu khoa học để làm cơ sở triển khai các đề tài, nhiệm vụ. Đồng thời khẳng định tỉnh luôn ủng hộ những đề tài, dự án, nhất là dự án nghiên cứu có tính ứng dụng cao thông qua cơ chế, chính sách.

Đồng chí yêu cầu, Sở KH&CN bố trí kinh phí để sản xuất thử nghiệm các đề tài, nhiệm vụ; các địa phương quan tâm, có chính sách hỗ trợ để mở rộng các mô hình. Cơ quan chuyên môn của tỉnh phối hợp với các địa phương thường xuyên kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện, kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như nhắc nhở đơn vị chủ trì chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, nhất là vấn đề môi trường.

Các đơn vị chủ trì sớm hoàn thiện thủ tục liên quan đến đầu tư, xây dựng để bảo đảm đề tài, dự án được thực hiện đúng quy định, tiến độ.

Đối với từng đề tài, dự án, đồng chí đề nghị Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam sớm nghiên cứu độ tuổi có thể khai thác cây vù hương và đưa ra quy trình kỹ thuật chuẩn để nhân rộng; Công ty TNHH Anh An Phú Việt Nam quan tâm bảo vệ môi trường, dịch bệnh tại khu vực chăn nuôi lợn, sớm đánh giá hiệu quả của dự án để chuyển giao công nghệ cho các hộ dân.

Liên quan đến hai đề tài do Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện, đồng chí cho biết, sau khi kết thúc, nghiệm thu đề tài, tỉnh sẽ có hỗ trợ để kết quả được nhân rộng và phát huy hiệu quả. Trước hết, huyện Hiệp Hòa cần quan tâm lựa chọn tên đặt cho các sản phẩm mới từ kết quả thực hiện các đề tài, dự án; hỗ trợ quảng bá sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng, sàn thương mại điện tử. Đối với đề xuất của Công ty cổ phần Nông nghiệp sạch Bắc Giang, đồng chí Mai Sơn đề nghị Sở KH&CN kiểm tra, đánh giá để có hướng điều chỉnh phù hợp.

Tin, ảnh: Sỹ Quyết

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/399317/bao-dam-tien-do-chat-luong-cac-de-tai-du-an-khoa-hoc-va-cong-nghe.html