Bảo đảm tính khả thi các chính sách mới trong dự thảo Luật Nhà giáo
Dự án Luật Nhà giáo được Chính phủ hoàn thiện, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới.
Đánh giá kỹ tác động
Tại Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Quốc hội đã ban hành cho ngành giáo dục 3 luật lớn. Tại báo cáo thẩm tra, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng nêu rõ hai luồng ý kiến khác nhau về sự cần thiết xây dựng dự án Luật Nhà giáo:
Thứ nhất, cơ bản tán thành sự cần thiết xây dựng dự án Luật. Tuy nhiên, cũng còn ý kiến băn khoăn về sự cần thiết ban hành Luật này. Do vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Cơ quan chủ trì soạn thảo cần viết lại để xây dựng được một dự án Luật điều chỉnh bao trùm các đối tượng nhà giáo trong mọi cấp, mọi ngành, giáo viên ở phổ thông, giảng viên đại học, trường nghề, cũng như trong các lĩnh vực, không có quy định đặc thù với lực lượng vũ trang, an ninh.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần phân biệt giữa nhà giáo và nhà quản lý trong lĩnh vực giáo dục. Luật Nhà giáo phải có quy định mới, không trùng lặp với các luật khác.
Nhấn mạnh đây là một dự án Luật mới hoàn toàn, Chủ tịch Quốc hội gợi mở, cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc viết gọn lại, cần nghiên cứu đề xuất Quốc hội xem xét, ban hành cơ chế, chính sách gì để điều chỉnh với lĩnh vực công, tư, với các nhóm đối tượng.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trong quá trình xây dựng dự án Luật Nhà giáo phải tiếp cận thận trọng, có đột phá về chính sách với nhà giáo. Tuy nhiên, cũng phải đảm bảo không phá vỡ tính thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành.
Mới đây, tại Phiên họp thẩm tra sơ bộ về dự án Luật Nhà giáo, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị, Cơ quan soạn thảo đánh giá kỹ tác động, tính khả thi của các chính sách mới trong dự thảo Luật Nhà giáo.
Bổ sung nhiều chính sách mới
Theo ông Lê Minh Nam - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, đối với các quy định về chính sách tiền lương, đãi ngộ nhà giáo được quy định tại Chương 5, 6, 7, Cơ quan soạn thảo cần xác định rõ nguồn lực.
Qua nghiên cứu, ông Lê Minh Nam nhận thấy, trong Tờ trình của Chính phủ có khẳng định, các chính sách này cơ bản không làm tăng nguồn lực. Tuy nhiên, cần đánh giá thật đầy đủ, toàn diện tác động và tính khả thi của chính sách này.
Liên quan đến quy định về Điều khoản chuyển tiếp: “Nhà giáo tiếp tục được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương mới”, nhà giáo được hưởng phụ cấp..., ông Lê Minh Nam trao đổi, Cơ quan soạn thảo cần xem xét để đảm bảo thống nhất với quy định về cải cách tiền lương thời gian qua.
Nêu ý kiến về nội dung này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Đồng Ngọc Ba bày tỏ ủng hộ việc xếp lương nhà giáo ưu tiên ở mức cao nhất. Tuy nhiên cần đánh giá kỹ nguồn lực thực hiện.
Bên cạnh đó, đối với quy định miễn giảm học phí cho con của nhà giáo đang trong thời gian công tác tại Điều 45, các đại biểu cho rằng, mặc dù đây là chính sách mới, có ý nghĩa động viên nhà giáo, nhưng cũng cần có đánh giá tác động kỹ lưỡng để bảo đảm khả thi khi Luật có hiệu lực.
Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Vũ Minh Đức cho biết, so với quy định hiện hành tại các Luật liên quan, dự thảo Luật Nhà giáo đã khẳng định và làm rõ hơn vai trò của nhà giáo nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng tại Kết luận số 14-KL/TW ngày 26/7/2002, Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX (trong đó, xác định: “Giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng của giáo dục và được xã hội tôn vinh”), Chỉ thị số 40/2004/CT-TW ngày 15/6/2004 của Ban Chấp hành Trung ương (“nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là lực lượng nòng cốt, có vai trò quan trọng”).
Từ việc nhìn nhận sâu sắc vai trò của nhà giáo, Cơ quan soạn thảo đã bổ sung nhiều chính sách mới về tiền lương, chế độ ưu đãi đối với nhà giáo như: Quy định lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và được hưởng các phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật;
Quy định tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo công tác tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục và các cơ sở giáo dục công lập tự chủ chi thường xuyên, cơ sở giáo dục công lập tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư không ít hơn tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo quy định tại Luật này có cùng trình độ đào tạo, cùng thâm niên, cùng chức danh trong các cơ sở giáo dục công lập đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước;
Đồng thời, để đảm bảo nhà giáo vẫn được hưởng phụ cấp thâm niên cho đến khi Nhà nước có hướng dẫn mới về chính sách tiền lương, dự thảo Luật quy định tại Điều khoản chuyển tiếp: “Nhà giáo tiếp tục được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương mới”…
Dự thảo Luật Nhà giáo có bố cục gồm 9 chương, 71 điều quy định về nhà giáo; hoạt động nghề nghiệp, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo; chức danh, chuẩn nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng nhà giáo; chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng và hợp tác quốc tế về nhà giáo; tôn vinh, khen thưởng và xử lý vi phạm đối với nhà giáo; quản lý nhà giáo.
Dự án Luật áp dụng đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, cơ quan quản lý giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Dự án Luật Nhà giáo cụ thể hóa 5 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 95/NQ-CP ngày 7/7/2023 của Chính phủ, bao gồm: Định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo.