Bảo đảm tính nhất quán, rõ ràng

Theo các chuyên gia, quá trình sửa đổi Nghị định 01/2019/NĐ-CP về lực lượng kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng cần kế thừa những ưu điểm, mô hình đang hoạt động hiệu quả và bảo đảm tính nhất quán, rõ ràng; không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; không làm gián đoạn, ảnh hưởng tới nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng...

Vì sao phải sửa đổi?

Theo đánh giá của Cục Kiểm lâm, sau hơn 5 năm triển khai, Nghị định 01/2019/NĐ-CP đã đáp ứng yêu cầu về hoạt động, hệ thống tổ chức của kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp, phòng cháy và chữa cháy rừng; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lâm nghiệp. Hiện, biên chế kiểm lâm có 11.052 người (8.054 công chức, 2.061 viên chức, 937 hợp đồng). Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng biên chế 12.823 người, thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề xuất sửa đổi quy định về kiểm lâm. Nguồn: ITN

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề xuất sửa đổi quy định về kiểm lâm. Nguồn: ITN

Tuy nhiên, quá trình triển khai Nghị định này đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Ví dụ, việc tách Hạt Kiểm lâm khỏi Ban quản lý rừng về thuộc Kiểm lâm trung ương hoặc Kiểm lâm cấp tỉnh gặp khó khăn do phát sinh thêm tổ chức hành chính, trong khi đó lại không có chỉ tiêu biên chế công chức để thực hiện. Công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp bảo vệ rừng cũng gặp nhiều bất cập như đùn đẩy trách nhiệm giữa chủ rừng và Kiểm lâm; không gắn liền trách nhiệm và quyền lợi giữa Ban quản lý rừng và Kiểm lâm. Nghị định số 01/2019/NĐ-CP cũng chưa quy định về nhiệm vụ của Kiểm lâm địa bàn. Các chính sách đãi ngộ, cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu...

Từ khi thực hiện Nghị định 01/2019/NĐ-CP đến nay có 26 Hạt Kiểm lâm thuộc Ban quản lý rừng giải thể để chuyển sang Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Tuy nhiên sau khi giải thể tổ chức Kiểm lâm chuyển sang lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng thì công tác bảo vệ rừng không hiệu quả, do thẩm quyền bị hạn chế, không được trang bị vũ khí, không được trang bị đồng phục kiểm lâm, không còn được hưởng chế độ thâm niên nghề, ưu đãi nghề, thu nhập của người lao động sụt giảm nhiều. Do vậy từ năm 2020 đến 2022 đã có 740 viên chức Kiểm lâm và 1.400 bảo vệ rừng chuyên trách xin nghỉ việc, bỏ việc.

Trước thực tế đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 01/2019/NĐ-CP (sau đây gọi là dự thảo Nghị định).

Bổ sung quy định về kiểm lâm xã

Tại hội thảo góp ý dự thảo Nghị định do Hội Khoa học Kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tổ chức mới đây, đại diện Cục Kiểm lâm cho biết, nhiệm vụ, quyền hạn của kiểm lâm cơ bản được giữ nguyên.

Về tổ chức Kiểm lâm, dự thảo Nghị định định danh kiểm lâm các cấp như: Cục Kiểm lâm, Chi cục Kiểm lâm vùng, Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh, Hạt Kiểm lâm cấp huyện, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ để bảo đảm phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự.

Đồng thời, dự thảo Nghị định cụ thể hóa một số chế độ ưu đãi đặc thù cho Kiểm lâm và viên chức bảo vệ rừng theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương. Quy định cụ thể chế độ đặc thù cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng theo hướng như chế độ, chính sách của kiểm lâm…

Theo TS. Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, việc sửa đổi Nghị định 01/2019/NĐ-CP phải bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Lâm nghiệp, thống nhất và đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Cùng với đó, kế thừa những ưu điểm, mô hình phù hợp thực tiễn; bảo đảm việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, không phát sinh tổ chức mới, không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; không làm gián đoạn ảnh hưởng tới nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng...

Theo TS. Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Vườn Quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam, dự thảo Nghị định quy định về công chức kiểm lâm và viên chức kiểm lâm. Theo đó công chức kiểm lâm thực hiện chức năng quản lý nhà nước, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp, viên chức kiểm lâm thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. “Đề nghị xem xét việc bổ sung quy định về công chức và viên chức kiểm lâm có tác động gì tới việc thực hiện nhiệm vụ thực thi pháp luật của kiểm lâm; quy định về nhận diện công chức kiểm lâm và viên chức kiểm lâm”, ông đề xuất.

Cả nước hiện có 4.135 kiểm lâm địa bàn xã. Một số địa phương, Hiệp hội cho rằng, kiểm lâm địa bàn xã có vai trò quan trọng trong việc triển khai các nhiệm vụ về lâm nghiệp ở cơ sở, là lực lượng trực tiếp “bám dân, bám rừng, bảo vệ rừng tận gốc”, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện chủ trương xã hội hóa lâm nghiệp. Do đó, cần thiết bổ sung quy định nhiệm vụ, quyền hạn của kiểm lâm địa bàn xã vào dự thảo Nghị định.

Hạnh Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song/bao-dam-tinh-nhat-quan-ro-rang-i372793/