Bảo đảm tính thực chất của hoạt động cải cách, cắt giảm điều kiện kinh doanh
Việc đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh (ĐKKD) sẽ giúp giảm 'gánh nặng' cũng như mở ra không gian phát triển rộng lớn hơn cho doanh nghiệp (DN). Do đó, cần đảm bảo tính thực chất của hoạt động này để tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho DN phát triển bền vững.

Năm 2025, Chính phủ yêu cầu bãi bỏ ít nhất 30% ĐKKD hiện có. Ảnh minh họa
Hoạt động cải cách chưa có nhiều đột phá
Thời gian qua, Chính phủ luôn thúc đẩy các hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó chú trọng đến việc cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa các ĐKKD để giảm chi phí tuân thủ cho DN. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, hằng năm, các Bộ đều đưa ra phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định về kinh doanh theo Nghị quyết số 68/NQ-CP về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025.
Trong năm 2024, VCCI đã đưa ra 504 ý kiến góp ý với 79 văn bản quy phạm pháp luật (ở 3 cấp luật, nghị định, thông tư); trong đó tỷ lệ tiếp thu ý kiến góp ý của VCCI của các Bộ, ngành là 51,98% (262/504 ý kiến).
Đánh giá về hoạt động này, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết, nhờ hàng trăm ĐKKD được bãi bỏ hoặc đơn giản hóa, hệ thống pháp luật kinh doanh của nước ta đã có nhiều cải thiện tích cực hơn so với trước đây, môi trường đầu tư kinh doanh cũng vì thế thông thoáng hơn, hỗ trợ cho sự phát triển của cộng đồng DN. Tuy nhiên, qua hoạt động rà soát, VCCI nhận thấy hoạt động cải cách quy định, ĐKKD chưa có nhiều đột phá, đôi chỗ còn mang tính hình thức, chưa thực chất. Đề xuất mang tính nhỏ nhặt hay một số phương án đưa ra những đề xuất sửa đổi các quy định trên lý thuyết vì thực tế các quy định này đã không còn hiệu lực (đã bị bãi bỏ hoặc thay thế do các văn bản cấp trên đã thay đổi)… “Những đề xuất dạng này vẫn được tính vào số lượng quy định được cắt giảm, đơn giản hóa trong các con số thống kê hằng năm để xác định có đạt mục tiêu đặt ra - cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ hay không?” - ông Tuấn nêu thực tế, đồng thời nhấn mạnh, trong khi đó, những đề xuất như bỏ các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, bãi bỏ các ĐKKD, bỏ hoàn toàn các thủ tục hành chính…, mặc dù có được đề xuất, nhưng rất ít có trong các phương án.
Không chỉ quan ngại về tính thực chất của hoạt động cắt giảm ĐKKD hiện hữu, cộng đồng DN cũng có nhiều lo ngại trước xu hướng phát sinh các quy định làm gia tăng chi phí tuân thủ, gây khó khăn cho DN, khi những văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ, ngành đang soạn thảo, dự kiến ban hành vẫn đề ra những biện pháp quản lý chưa phù hợp, quá mức cần thiết, không rõ mục tiêu quản lý…
Lấy dẫn chứng minh họa, ông Nguyễn Tuấn Linh - Tiểu ban Thực phẩm dinh dưỡng của Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam - cho biết, tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật An toàn thực phẩm đang được xây dựng có một số nội dung được đề xuất khiến các DN, hiệp hội không khỏi băn khoăn, lo ngại gia tăng những “gánh nặng” thủ tục hành chính mới. Chẳng hạn như, Dự thảo Nghị định đã tăng nặng thủ tục tự công bố, khi tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định 5 nội dung, song Dự thảo Nghị định quy định tổng cộng 31 nội dung, tăng 6,2 lần so với quy định hiện hành. Theo nghiên cứu năm 2024 của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (nay là Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược), thủ tục tự công bố của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP giúp mỗi DN tiết kiệm được 602,5 triệu đồng/năm; với tổng số 12.000 DN thực phẩm, con số tiết kiệm lên tới 7.230 tỷ đồng/năm. “Như vậy, với quy định trong Dự thảo Nghị định có thể xóa tan thành tựu của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, thậm chí gây tốn chi phí tới hơn 7.000 tỷ đồng/năm cho các DN” - ông Linh nhấn mạnh.
Cần thực hiện đánh giá tác động chính sách toàn diện, thực chất
Năm 2025, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương phải bãi bỏ ít nhất 30% ĐKKD hiện có, giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính và chi phí kinh doanh, chi phí tuân thủ quy định, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, với mục tiêu phấn đấu trong vòng 2-3 năm tới, môi trường đầu tư của Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước đứng đầu của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Để thực hiện được yêu cầu này, theo chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Minh Thảo, cần thực hiện song song cả hai hoạt động là rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các ĐKKD hiện có và kiểm soát việc ban hành các ĐKKD mới. Bởi lẽ, theo quan sát, trong các đợt cải cách, các Bộ, ngành thường chú trọng tới hoạt động rà soát các quy định hiện hành nhằm đạt được các mục tiêu mà Chính phủ đặt ra, còn hoạt động kiểm soát các ĐKKD bất hợp lý đang, sẽ sửa đổi dường như ít được xem xét hơn. Chính vì vậy, có một nghịch lý, mặc dù hoạt động cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD đang được thúc đẩy, nhưng khi soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật mới hoặc sửa đổi, bổ sung văn bản hiện hành, các quy định bất hợp lý, gây vướng cho DN lại xuất hiện.
Đưa khuyến nghị cụ thể để thực hiện, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, để tăng tính thực chất của hoạt động cải cách, cũng như nhận diện chính xác mức độ tác động của các đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa quy định về ĐKKD thực hiện theo Nghị quyết số 68/NQ-CP cần xác định chính xác bao nhiêu ĐKKD bị bãi bỏ, được đơn giản hóa, các ĐKKD bị bãi bỏ, hình thức đơn giản hóa chủ yếu là gì và đánh giá tác động của những đề xuất này tới hoạt động kinh doanh của DN?... “Thống kê trong Báo cáo tình hình, kết quả cải cách thủ tục hành chính năm 2024 của Văn phòng Chính phủ vào tháng 01/2025 thì từ năm 2021 đến nay, các Bộ, cơ quan cắt giảm, đơn giản hóa là 3.195 quy định kinh doanh tại 281 văn bản quy phạm pháp luật trên tổng số 15.763 quy định kinh doanh, đạt 20,2%. Tuy nhiên, DN kỳ vọng cần phân loại rõ hơn các đề xuất, cắt giảm đơn giản hóa, từ đó có thể phân tích sâu hơn mức độ tác động của các đề xuất này” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Đối với việc kiểm soát hoạt động ban hành các ĐKKD mới, theo bà Thảo, để không dựng thêm “rào cản” hay gia tăng “gánh nặng” thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ cho DN, trong quá trình xây dựng dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan soạn thảo cần tổ chức tham vấn rộng rãi đối với các đối tượng chịu tác động bởi chính sách; giải trình rõ ràng, minh bạch, công khai đối với các ý kiến góp ý. Đồng thời, việc ban hành mới hay sửa đổi, bổ sung các quy định, chính sách cần thực hiện đánh giá tác động toàn diện, thực chất, dựa trên cơ sở khoa học và minh chứng thuyết phục./.