Đột phá chính sách cho nhà ở xã hội

Chính phủ đề xuất cắt giảm 70% thời gian thực hiện thủ tục đầu tư đối với loại hình nhà ở xã hội, giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, gia tăng nguồn cung cho thị trường.

Một dự án nhà ở xã hội cho công nhân thuê tại TP. Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn.

Một dự án nhà ở xã hội cho công nhân thuê tại TP. Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn.

Giảm ít nhất 200 ngày thủ tục chọn nhà đầu tư

Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội được Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đang diễn ra theo quy trình rút gọn được kỳ vọng gỡ “điểm nghẽn” thủ tục trong phát triển phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân…

Một trong những nội dung được doanh nghiệp mong chờ là khi xây dựng cơ chế đặc thù cho nhà ở xã hội, Chính phủ đề xuất cắt giảm 70% thời gian thực hiện thủ tục đầu tư đối với loại hình nhà ở này, từ đó sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.

Theo đó, đối với những dự án nhà ở xã hội không sử dụng vốn đầu tư công, Chính phủ kiến nghị giao UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời giao thẳng chủ đầu tư mà không cần thông qua đấu thầu.

Về phía nhà đầu tư, khi được xem xét giao dự án phải đáp ứng các điều kiện: Là doanh nghiệp hoặc hợp tác xã có chức năng kinh doanh bất động sản; đảm bảo tỷ lệ dư nợ tín dụng, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp trên vốn chủ sở hữu theo quy định; có vốn chủ sở hữu tối thiểu 20% tổng mức đầu tư đối với dự án dưới 20 ha, tối thiểu 15% đối với dự án từ 20 ha trở lên...

Trường hợp doanh nghiệp thực hiện đồng thời nhiều dự án cũng phải đảm bảo đủ vốn chủ sở hữu để phân bổ theo đúng tỷ lệ yêu cầu. Nếu có nhiều nhà đầu tư đạt điều kiện, việc lựa chọn sẽ dựa trên kinh nghiệm triển khai dự án, năng lực tài chính và thời điểm nộp hồ sơ…

Theo Bộ Xây dựng, việc thực hiện giao chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không thông qua đấu thầu sẽ cắt giảm được thời gian thực hiện thủ tục hành chính khoảng 200-241 ngày, tương ứng 70-100% thời gian thực hiện đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư so với quy định hiện hành.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng đánh giá, đề xuất trên nếu được thông qua sẽ rút ngắn thời gian thực hiện quy trình, thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho cả Nhà nước và nhà đầu tư khi triển khai dự án nhà ở xã hội.

Chủ tịch HoREA cho biết, Luật Nhà ở 2023 quy định, với dự án nhà ở xã hội được đầu tư bằng nguồn vốn của Nhà nước, việc xác định chủ đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về xây dựng. Đối với dự án nhà ở xã hội sử dụng đất công phải thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Như vậy, nếu có từ 2 nhà đầu tư trở lên nộp hồ sơ đăng ký tham gia sẽ phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và thời gian thực hiện thủ tục đấu thầu phải mất ít nhất hơn 500 ngày.

Trong khi đó, Luật Nhà ở 2023 chưa cho phép UBND cấp tỉnh được chỉ định chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội. Quá trình tổ chức đấu thầu kéo dài gây tốn kém chi phí, công sức của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như nhà đầu tư.

Doanh nghiệp mong muốn có một cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm trực tiếp giải quyết các thủ tục. Cơ quan này và cán bộ phụ trách cần có quyền quyết định rõ ràng, giúp doanh nghiệp hoàn tất thủ tục nhanh chóng, thuận lợi.

“Nhà ở xã hội là chương trình trọng điểm, là mục tiêu quốc gia nên cần phải ưu tiên. Để làm được điều này, thời gian hoàn thiện cũng như thủ tục hành chính phải được cắt giảm tối đa. Do vậy, các thủ tục chỉ cần thông qua Sở Xây dựng làm đầu mối, làm cơ quan chủ trì sẽ rút ngắn được rất nhiều. Lần này phải cải cách triệt để, giảm bớt hồ sơ, thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện, kéo giảm chi phí… để làm sao tăng tốc triển khai các dự án”, ông Châu nhấn mạnh.

Muốn tăng cung thủ tục phải nhanh

Cùng với lựa chọn nhà đầu tư, các thủ tục hành chính khác như quy hoạch, thiết kế, chuẩn bị và thực hiện đầu tư… cũng sẽ được lược giản tối đa.

Chẳng hạn, với thủ tục về quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chưa có quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt hoặc có yêu cầu điều chỉnh quy hoạch chi tiết thì không phải thực hiện thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ đồ án quy hoạch chi tiết.

Bộ Xây dựng cho biết, quy định hiện hành yêu cầu 55 ngày để thực hiện việc lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết. Do đó, nếu không phải thực hiện các bước này sẽ cắt giảm được 55 ngày so với quy trình hiện hành.

Hay như việc lồng ghép nội dung thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi vào thủ tục thẩm định thiết kế xây dựng sau thiết kế cơ sở hoặc cấp giấy phép xây dựng có thể cắt giảm được thời gian thực hiện từ 15-30 ngày, mà vẫn đảm bảo được hiệu lực quản lý nhà nước về xây dựng.

Về phía doanh nghiệp, ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty Lê Thành, đơn vị chuyên phát triển các dự án nhà ở xã hội cho hay, nếu các thủ tục trở nên nhanh gọn và thuận lợi, doanh nghiệp làm dự án chỉ trong 1 năm sẽ vừa giúp giảm rất nhiều chi phí, vừa đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, sớm đưa sản phẩm ra thị trường.

Theo ông Nghĩa, thông thường, một dự án nhà ở xã hội phải mất 3-5 năm chỉ để xin các thủ tục, phải cần không dưới 100 con dấu của nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau và để xây dựng dự án thì phải thực hiện ít nhất 9 lần các thủ tục liên quan đến quy hoạch…

Do vậy, doanh nghiệp mong muốn có một cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm trực tiếp giải quyết các thủ tục. Cơ quan này và cán bộ phụ trách cần có quyền quyết định rõ ràng, giúp doanh nghiệp hoàn tất thủ tục nhanh chóng, thuận lợi.

“Thực tế cho thấy, nhiều cơ quan không dám quyết định, mà phải xin ý kiến nhiều cơ quan khác. Việc chờ đợi phản hồi từ các cơ quan này có thể kéo dài đến cả năm”, ông Nghĩa nói và nhấn mạnh, Nhà nước cần cải cách cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp làm nhà ở xã hội được phê duyệt dự án trong thời gian nhanh nhất.

Cùng quan điểm, ông Trương Anh Tuấn - Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Quân nhìn nhận, với chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội, cần phải có giải pháp xã hội hóa mạnh mẽ hơn.

Trong đó, doanh nghiệp cần được tạo điều kiện để chủ động sử dụng quỹ đất của mình phát triển nhà ở xã hội với mức giá được tính hợp lý và Nhà nước cần đóng vai trò là “bà đỡ”, hỗ trợ chính sách để các doanh nghiệp có thể tiếp cận và đầu tư hiệu quả hơn vào lĩnh vực này.

Liên quan tới chính sách tín dụng cho nhà ở xã hội, ông Tuấn đề xuất, cần thiết kế các gói vay ưu đãi tương tự gói 30.000 tỷ đồng trước đây, tiếp tục hỗ trợ cho những người mua nhà lần đầu, thậm chí cả người mua thứ cấp trong các dự án nhà ở xã hội đã hoàn thiện.

Thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội quốc gia

Dự thảo Nghị quyết cũng quy định việc thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội quốc gia. Đây là quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước do Chính phủ thành lập, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, sử dụng đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật.

Bộ Xây dựng cho biết, trên cả nước có 42 quỹ đang hoạt động. Mô hình hoạt động theo hình thức độc lập gồm hội đồng quản lý, ban kiểm soát và bộ máy điều hành. Đối với Công ty Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) hoạt động theo mô hình doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

Một số quỹ đầu tư phát triển địa phương cũng đang triển khai đầu tư xây dựng, cho vay phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, các quỹ này đều gặp khó khăn trong hoạt động do không được cấp bổ sung vốn, dẫn đến khó cung cấp vốn ưu đãi để phát triển nhà ở xã hội dài hạn, bền vững.

Trọng Tín

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/dot-pha-chinh-sach-cho-nha-o-xa-hoi-post368997.html