Bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các khu, cụm công nghiệp
Mật độ lưu thông lớn, người tham gia giao thông chấp hành chưa tốt Luật Giao thông đường bộ (GTĐB), cùng với hạ tầng chưa hoàn thiện khiến các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CNN) trên địa bàn tỉnh luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ùn tắc, mất trật tự an toàn giao thông (TTATGT). Để chấn chỉnh vấn đề này, ngoài sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, quan trọng nhất là việc tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông và đề cao vai trò phối hợp từ các doanh nghiệp (DN).
7h20 phút sáng, chúng tôi có mặt trên tuyến quốc lộ (QL) 38 (ngay khu vực chân cầu vượt Đồng Văn) - đường vào KCN Đồng Văn I, II, III luôn chật kín người. Lúc này, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) Công an thị xã Duy Tiên đã nỗ lực phân luồng, hướng dẫn nhưng tình trạng ùn tắc cục bộ vẫn xảy ra liên tục.
Theo tìm hiểu và quan sát của chúng tôi, cổng chính dẫn vào KCN Đồng Văn I,II tiếp giáp với QL 38, một đầu nối giao thông giữa QL1A ra tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và cầu Yên Lệnh. Tuyến QL 38 vốn đã nhỏ hẹp, dân cư đông đúc và nằm liền kề ngay chân cầu vượt Đồng Văn. Chính vì vậy, đây là tuyến đường có lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông rất đông với nhiều xe vận tải hành khách, xe chở hàng có trọng tải lớn. Ước tính mỗi ngày có hàng nghìn lượt phương tiện giao thông đi trên tuyến đường này. Trong khi ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người điều khiển phương tiện giao thông còn thấp, nhiều trường hợp không chấp hành đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều, tranh giành làn đường, rú còi inh ỏi… dẫn đến nguy cơ gây mất an toàn rất cao.
Anh Cao Xuân Lương, công nhân Công ty TNHH Hồng Hà (KCN Đồng Văn I) cho biết: Ngày nào tôi cũng gặp khó khăn khi đi qua đoạn đường này. Nhà tôi cách KCN Đồng Văn I khoảng 7km, đi từ nhà đến vị trí cổng KCN tôi chỉ mất 15 phút, nhưng khi qua đoạn đường này tôi phải mất thêm bằng ấy thời gian nữa. Bình thường hôm nào ít xe ô tô qua đây thì rất thuận lợi. Còn nếu gặp nhiều xe ô tô tránh nhau là cả đoạn đường này bị ùn tắc.
Còn tại KCN Châu Sơn nằm trên địa bàn phường Châu Sơn, phường Lê Hồng Phong (TP Phủ Lý), xã Thanh Sơn (Kim Bảng) và thị trấn Kiện Khê (Thanh Liêm), quan sát thực tế cho thấy, cứ tầm 7 giờ 30 đến 8 giờ và từ 17 giờ đến 18 giờ, lượng người và phương tiện ra vào KCN đông đúc. Trong khi đó, một số xe tải lớn, xe container đậu, đỗ trái phép dưới lòng đường, gây cản trở giao thông và tiềm ẩn nhiều nguy gây tai nạn. Có thời điểm, nhất là những lúc tan ca, đường dẫn vào cổng KCN trở nên đông nghẹt người, ô tô và xe máy chen lấn nhau.
Theo một số người dân sinh sống quanh khu vực này, lượng xe lưu thông qua đây rất đông, trong khi người tham gia giao thông kể cả người lái xe tải, xe khách, xe con và người đi xe máy chấp hành chưa nghiêm quy định về ATGT. Tại khu vực này đã từng xảy ra nhiều vụ tai nạn, va chạm giao thông. Với mật độ lưu thông lớn cùng ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người dân chưa cao đã biến cửa ngõ các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh trở thành nơi tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông.
Theo thống kê từ ngành chức năng, hiện trên địa bàn tỉnh có trên 100 nghìn lao động đang làm việc trong các KCN, CCN. Thời gian qua, mặc dù ngành công an và các địa phương đã phối hợp thực hiện có hiệu quả, xử lý một số điểm tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT tại KCN, CCN trên địa bàn tỉnh, nhưng hoạt động này còn ít, chưa thường xuyên. Vẫn còn nhiều nút giao thông có nhiều phương tiện qua lại tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT chưa được tuần tra, điều tiết và phân luồng. Bên cạnh đó, ý thức của người tham gia giao thông chưa tốt, cứ vắng bóng lực lượng chức năng là vi phạm Luật GTĐB; nhiều công nhân, người lao động trong các KCN, CCN vẫn cố tình luồn lách, phóng nhanh, vượt ẩu, người bán hàng tại chợ cóc, bán hàng rong tái lấn chiếm lòng lề đường.
Ngoài nguyên nhân do công tác tuyên truyền pháp luật về TTATGT cho cán bộ, công nhân, người lao động còn hạn chế thì những bất cập về hạ tầng giao thông trong và ngoài KCN, CCN còn có những bất cập như: thiếu hệ thống biển báo, các điểm dừng đỗ, vạch kẻ đường… khiến việc chấp hành pháp luật về TTATGT gặp khó khăn.
Để bảo đảm TTATGT, giảm thiểu TNGT trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và bị thương), nhất là ở các địa phương có KCN, CCN cần có sự tích cực vào cuộc và phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng, các cấp, ngành, địa phương và DN. Theo đó, người đứng đầu chính quyền các cấp, tổ chức đoàn thể, ngành chức năng, chủ DN, nhà máy tại KCN, CCN cần nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ATGT. Chủ động phối hợp với ngành chức năng, chính quyền các địa phương, DN tăng cường đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền trực tiếp tại các nhà máy, KCN, CCN thông qua hệ thống phát thanh, phương tiện trực quan, băng rôn, khẩu hiệu ngay tại khu làm việc, cổng các DN, nhà máy, KCN.
Với vai trò nòng cốt trong bảo đảm TTATGT, lực lượng CSGT công an các địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát (TTKS), trực tiếp điều tiết giao thông tại các “điểm đen” tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT vào giờ cao điểm; tham mưu, giải quyết dứt điểm những nơi thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông; tăng cường TTKS, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm gây mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Đối với lực lượng công an cơ sở nơi có KCN, CCN đứng chân, cần chú trọng phối hợp với Ban Quản lý các KCN, CCN chủ động làm việc trực tiếp với các DN, yêu cầu ký cam kết bảo đảm ATGT và đưa vấn đề thực hiện ATGT vào quy chế, xét thưởng thi đua của cán bộ, công nhân lao động. Chủ động xử lý hành chính trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT; tuần tra, xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm lấn chiếm lòng lề đường để kinh doanh buôn bán; chủ động phối hợp lực lượng chức năng tiến hành phân luồng, hướng dẫn giao thông trong giờ cao điểm tại cổng và vị trí có tình hình giao thông phức tạp tại khu vực KCN, CCN.
Cùng với công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát hành vi vi phạm pháp luật về giao thông, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, các cấp công đoàn ở các KCN, CCN xây dựng, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả về việc chấp hành các quy định về TTATGT trong công nhân lao động.