Báo động ảnh hưởng của thuốc lá điện tử
Con số thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử tại nhiều quốc gia tăng dần qua các năm bất chấp tác hại, các ca nhập viện, thậm chí tử vong do nó gây ra.
Theo báo cáo của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Mỹ, tính đến tháng 2/2020, quốc gia này ghi nhận 2.807 trường hợp nhập viện do tổn thương phổi nghiêm trọng liên quan đến các sản phẩm thuốc lá điện tử (vape). Cùng với đó là 68 ca tử vong.
Truth Initiative cũng cho biết giai đoạn 2013-2017, gần 5.000 trẻ em dưới 5 tuổi đã phải cấp cứu do phơi nhiễm với chất nicotine lỏng trong thuốc lá điện tử.
Bấp chấp những con số đáng báo động đó, sau gần 20 năm kể từ khi được cấp bằng sáng chế (2004), thuốc lá điện tử đang ngày càng phổ biến. Những năm gần đây, số người sử dụng thiết bị này tăng lên rõ rệt, đặc biệt ở thanh thiếu niên.
Những con số đáng báo động
Một báo cáo của Gallup cho thấy tỷ lệ người hút thuốc lá điện tử rơi vào 20% ở độ tuổi 18-29, 9% ở 30-49 tuổi, 7% người 50-64 tuổi và dưới 0,5% người trên 65 tuổi.
Tron khi đó, theo Truth Initiative, những người 15-17 tuổi có khả năng hút vape cao hơn 16 lần so với người 25-34 tuổi.
Tại Canada, trong khảo sát năm 2021-2022, 29% thanh thiếu niên (lớp 7-12) cho hay từng sử dụng thuốc lá điện tử, 8% học sinh hút vape hàng ngày. Các chuyên gia đánh giá quốc gia này có tỷ lệ thanh thiếu niên hút thuốc lá điện tử thuộc nhóm cao nhất trên toàn cầu.
Tại Mỹ, theo số liệu của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ năm 2022, 14,1% học sinh THPT và 3,3% học sinh THCS nước này cho hay từng hút thuốc lá điện tử.
Từ năm 2010 đến 2014, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở thanh thiếu niên ở châu Âu tăng 24,4%. Bên cạnh đó, 43,7% học sinh cho hay đã từng thử sử dụng thiết bị này trước đây.
Tỷ lệ học sinh từng sử dụng thuốc lá điện tử được ghi nhận ở một số nước châu Á lần lượt là 3,5% tại Nhật Bản và 10,1% tại Hàn Quốc.
Theo khảo sát của Viện Y tế Quốc gia (NIH) Mỹ, hơn 60% thanh thiếu niên 15-19 tuổi cho biết mình thử hút vape chỉ vì tò mò. Nhiều người khác lại xem đây là một trò giải trí hoặc thay thế việc hút thuốc lá thông thường.
Sự độc hại của thuốc lá điện tử
Thuốc lá điện tử lần đầu tiên được cấp bằng sáng chế và bán trên thị trường vào năm 2004. Nó từng được coi là giải pháp cho người nghiện thuốc lá bằng cách giảm tác hại hoặc hỗ trợ cai nghiện.
Tuy nhiên, thực tế không như vậy. Nghiên cứu Thanh niên toàn cầu hút vape của các giáo sư trường Y ĐH Harvard (Mỹ) và ĐH McGill (Canada) cho thấy thuốc lá điện tử không giúp cai nghiện thuốc lá truyền thống như nhiều người vẫn nghĩ.
Ngược lại, tiếp xúc với nhiều nicotine trong vape, những người hút thuốc lá điện tử có xu hướng hút thuốc lá và sử dụng chất gây nghiện nhiều hơn.
Bên cạnh đó, thuốc lá điện tử gây ra rất nhiều ảnh hướng xấu đến sức khỏe đường hô hấp như làm trầm trọng hóa các bệnh bệnh hen suyễn, viêm phổi, viêm nắp thanh quản, viêm phế quản và suy hô hấp cấp tính.
Trẻ vị thành niên hút thuốc còn có các biểu hiện khác như đau đầu, ho khan, mất ngủ, suy nhược, đau ngực.
Thuốc lá điện tử chứa nicontine và các hóa chất khác như diacetyl, propylene glycol, carbon monoxide và formaldehyde tạo ra kích ứng màng nhầy ở phổi gây viêm phổi.
Ngoài ra, các chất phụ gia tạo hương vị trong thuốc lá điện tử có thể gây ra tổn thương phổi, thậm chí thay đổi DNA.
Thêm vào đó, nicotine tác động xấu lên sức khỏe tim mạch và não bộ. Chất độc này tác động lên vỏ não, vùng đồi hải mã, dẫn đến giảm trí nhớ, mất khả năng kiểm soát hành vi, suy giảm nhận thức ở thanh thiếu niên, thậm chí gây loạn thần.
Do đó, những thiếu niên hút thuốc lá điện tử sớm có nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần. Sau này, khi trưởng thành, họ cũng thường bốc đồng hơn những thiếu niên không tiếp xúc vape.
Cấm nhưng chưa hiệu quả
Nhận thấy tác động to lớn của thuốc lá điện tử lên sức khỏe cộng đồng, hiện nay, nhiều quốc gia đã bắt đầu triển khai các hạn chế đối với thiết bị này.
Tính đến 2022, theo báo cáo của giáo sư Ryan David Kennedy, Viện Kiểm soát Thuốc lá Toàn cầu, trường Y tế Công cộng Johns Hopkins (Mỹ), rất nhiều quốc gia điều chỉnh các chính sách xung quanh thuốc lá điện tử như giới hạn độ tuổi sử dụng; hạn chế quảng cáo và cấm hút vape ở những nơi công cộng, không gian kín.
Tại Anh, thuốc lá điện tử chỉ được phép bán cho người trên 18 tuổi, quảng cáo cho người dưới 25 tuổi. Một số nơi tại quốc gia này đã cấm hút thuốc tại không gian hoặc phương tiện giao thông công cộng. Ngoài ra, các sản phẩm liên quan đến thuốc lá điện tử đều phải ghi rõ thông tin ở bao bìa để người dân nắm rõ.
Mỹ cũng quy định rõ ràng về việc ghi thông tin sản phẩm bên ngoài bao bì dung dịch cũng như thuốc lá điện tử. Ngoài ra, quốc gia này cũng không cho phép bán thuốc lá điện tử hay các thiết bị liên quan cho người dưới 21 tuổi.
Gần đây nhất, đầu tháng 5 này, Australia đã trở thành quốc gia thứ 47 cấm thuốc lá điện tử. Theo đó, quốc gia này sẽ cấm nhập khẩu các sản phẩm thuốc lá điện tử không kê đơn, kể cả những sản phẩm không chứa nicotine.
Trong khi đó, một số quốc gia châu Á như Singapore, Thái Lan, Nhật Bản cấm sử dụng thuốc lá điện tử có chứa nicotine nhưng không cấm sử dụng thuốc lá điện tử không chứa nicotine.
Tuy nhiên, những lệnh cấm này vẫn không thể kiểm soát được toàn diện và hiệu quả.
Ấn Độ đã cấm hoàn toàn vape từ năm 2018, nhưng cho đến nay, hơn 1/5 người trẻ tại quốc gia này đã hút thuốc lá điện tử ít nhất một lần, 1/5 khác dự định sẽ thử hút vape trong thời gian tới.
Không chỉ 2 nước này, hàng loạt quốc gia khác dù đã ban hành hạn chế đối với người dưới 18 tuổi vẫn chứng kiến tỷ lệ người hút trong độ tuổi vị thành niên tăng cao.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bao-dong-anh-huong-cua-thuoc-la-dien-tu-post1434538.html