Báo động: Người trẻ chưa có con đã suy kiệt buồng trứng
Hiện nay tỷ lệ phụ nữ trẻ, chưa kết hôn, sinh con bị suy giảm dự trữ buồng trứng có xu hướng gia tăng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy buồng trứng sớm như bẩm sinh, bệnh lý, yếu tố môi trường, phẫu thuật…
Kết hôn 5 năm chưa có con, chị Vân 25 tuổi bàng hoàng khi phát hiện chỉ số dự trữ buồng trứng suy kiệt, chị đối mặt với nguy cơ mãn kinh sớm, cần nhanh chóng thực hiện thụ tinh trong ống để tăng cơ hội có con.
Chị Vân cùng chồng đến thăm khám ở Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh trong tình trạng thường xuyên lo lắng, căng thẳng kèm theo mất kinh 3 tháng liền, khô âm đạo. Sau thăm khám, chị Vân nhận kết quả rối loạn nội tiết, chỉ số dự trữ buồng trứng thấp so với độ tuổi chỉ còn 0.5, trong khi ở độ tuổi 25 của Vân AMH trung bình sẽ trong khoảng 2.2 – 6.8 ng/mL. Hình ảnh siêu âm đầu chu kỳ chỉ còn 1-2 nang trứng. Bác sĩ tiên lượng trong vài tháng tới, Vân có thể mãn kinh dù chưa có con.
Tương tự trường hợp của Vân, chị Hoài 37 tuổi, sau 9 năm kết hôn chưa có con. Chị từng thực hiện phẫu thuật cắt buồng trứng trái vì u nang. Kết quả thăm khám cho thấy, chị Hoài bị suy giảm nội tiết, dự trữ buồng trứng suy giảm chỉ còn 0.17, còn vài nang trứng trên siêu âm. Trường hợp của chị Hoài còn có polyp ở tử cung và niêm mạc tử cung mỏng. Tiên lượng điều trị khó khăn, vì vậy trong những lần thăm khám trước chị được tư vấn xin trứng để làm thụ tinh trong ống nghiệm, nhưng vợ chồng chị từ chối.
BS.CKII Vũ Nhật Khang - Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết, tại IVFTA-HCMC thời gian vừa qua bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp phụ nữ độc thân có tình trạng suy giảm dự trữ buồng trứng.
Trong đó có nhiều trường hợp chỉ ở trong độ tuổi còn rất trẻ bị suy giảm buồng trứng vì một số bệnh lý như bệnh tự miễn, bệnh lý về nội tiết, bệnh Thalassemia… đặc biệt, bệnh nhân trẻ nhất chỉ mới 18 tuổi.
Theo bác sĩ Khang, một bé gái từ khi chào đời sẽ có một số lượng trứng nhất định trên buồng trứng với trung bình khoảng 1 triệu nang trứng ở 2 bên buồng trứng, khi đến tuổi dậy thì số lượng trứng này sẽ giảm dần còn trong khoảng từ 300.000 đến 500.000 nang trứng.
Khi người con gái bắt đầu hành kinh, số lượng trứng này sẽ giảm dần, quá trình rụng trứng sẽ diễn ra liên tục từng chu kỳ cho đến khi không còn nang trứng ở trên 2 buồng trứng nữa. Lúc này phụ nữ sẽ bước vào giai đoạn mãn kinh, thường từ 50-52 tuổi.
Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều trường hợp phụ nữ trước 40 tuổi có chỉ số dự trữ buồng trứng cạn kiệt hay còn gọi là suy buồng trứng sớm. Suy buồng trứng sớm không chỉ gây ảnh hưởng đến chất lượng sống, sức khỏe thể chất, tinh thần của người phụ nữ mà còn có thể cướp đi cơ hội được làm mẹ chính chủ của chị em.
Theo một nghiên cứu năm 2019 cho biết, tỷ lệ suy buồng trứng sớm ở trên toàn cầu khoảng 3.7%. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy buồng trứng sớm như bẩm sinh, bệnh lý, yếu tố môi trường, phẫu thuật…
Hiện ở Việt Nam chưa có thống kê cụ thể về tỷ lệ phụ nữ gặp tình trạng suy buồng trứng sớm. Riêng tại IVFTA-HCMC, có khoảng 50% trường hợp bệnh nhân nữ ở độ tuổi dưới 40 có chỉ số dự trữ buồng trứng thấp. Hiện nay có nhiều phác đồ trong điều trị đối với trường hợp có suy giảm dự trữ buồng trứng để tối đa hóa cơ hội sinh con chính chủ.
Theo bác sĩ Vũ Nhật Khang, trước đây với những trường hợp có chỉ số AMH thấp chạm đáy, người phụ nữ phải đối mặt với chỉ định xin trứng để mang thai. Tuy nhiên, với sự phát triển của y học hiện đại mở ra nhiều cơ hội sinh con chính chủ cho phụ nữ có dự trữ buồng trứng thấp.
Tại IVFTA-HCMC việc điều trị được cá thể hóa theo từng bệnh nhân. Từ phác đồ kích thích buồng trứng đến kỹ thuật gom trứng, trữ trứng, tạo phôi, trữ phôi… đều được tối ưu hóa để tăng tỷ lệ mang thai và sinh con khỏe mạnh.
Bên cạnh đó tại IVFTA-HCMC còn ứng dụng nhiều kỹ thuật hiện đại trong điều trị như ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong nuôi phôi, sử dụng kỹ thuật bơm huyết tương giàu tiểu cầu tự thân (PRP) với trường hợp nội mạc tử cung mỏng, sinh thiết phôi (PGT), nuôi trưởng thành noãn non trong ống nghiệm (IVM), hỗ trợ phôi thoát màng (AH)… giúp những vợ chồng vô sinh, nhất là phụ nữ suy buồng trứng sớm, hiện thực hóa ước mơ có con bằng trứng của chính mình.
Với trường hợp chị Vân, trong quá trình điều trị tại IVFTA-HCMC, chị được tiến hành gom trứng. Sau 5 chu kỳ thực hiện kích thích buồng trứng, chị Vân thu được 7 trứng trưởng thành, tạo được 4 phôi. Chị thành công sau lần chuyển phôi thứ 2 và thai nhi hiện được 12 tuần.
Trường hợp chị Hoài gặp nhiều khó khăn hơn khi quá trình gom trứng 6 chu kỳ, chị thu được 4 trứng trưởng thành. Ở chu kỳ cuối, siêu âm không ghi nhận nang noãn nào, buồng trứng của chị hoàn toàn cạn kiệt. Các chuyên viên phôi học cực tỉ mỉ trong việc rã đông trứng, tạo phôi với 1 phôi duy nhất chất lượng tốt. Với vấn đề niêm mạc tử cung mỏng, chị Hoài được tiến hành bơm huyết tương giàu tiểu cầu tự thân và canh niêm mạc. Sau khi chỉn chu từng bước để tạo điều kiện tốt nhất cho phôi làm tổ, chị Hoài được chuyển phôi và thành công ở lần chuyển phôi đầu tiên. Hiện thai nhi đã được 13 tuần.
Hiện nay tỷ lệ phụ nữ trẻ, chưa kết hôn, sinh con bị suy giảm dự trữ buồng trứng có xu hướng gia tăng.
Theo bác sĩ Khang, trường hợp chị em phát hiện chỉ số buồng trứng suy giảm nhưng còn độc thân hoặc chưa muốn sinh con ở thời điểm hiện tại có thể cân nhắc đến việc trữ trứng để bảo tồn khả năng sinh sản.
Kỹ thuật trữ đông trứng giúp bảo quản trứng trong thời gian dài mà không cần lo lắng đến việc suy giảm chất lượng trứng.