Báo động nguy cơ khủng hoảng nợ toàn cầu

Nợ công toàn cầu đang tăng lên nhanh chóng và một số nước trở nên tê liệt vì không có khả năng chi trả.

Trái với kỳ vọng của giới chuyên gia về sự phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, nền kinh tế toàn cầu đang rơi vào tình trạng khủng hoảng khi lạm phát và nợ công tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm qua, còn dự báo tăng trưởng thì kém đi nhiều do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột ở Nga - Ukraine.

Nợ công tăng nhanh nguy hiểm

Mức nợ công toàn cầu trong năm 2020 là 226.000 tỉ USD, 256% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Năm 2021, núi nợ toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục trong thập niên qua, khi tổng mức vay nợ của chính phủ, doanh nghiệp và hộ gia đình toàn cầu lên tới mức 303.000 tỉ USD, gấp ba lần quy mô GDP hằng năm toàn cầu, theo thống kê của Viện Tài chính quốc tế (Mỹ). Trong số này, nước có tỉ lệ nợ công trên GDP cao nhất lần lượt là Nhật (257%), Sudan (210%), Hy Lạp (207%), Eritrea (175%) và Cape Verde (161%).

Người dân Sri Lanka ra phố sau khi lệnh giới nghiêm toàn quốc được dỡ bỏ trong vài giờ ở thủ đô Colombo vào ngày 12-5. Ảnh: BLOOMBERG

Người dân Sri Lanka ra phố sau khi lệnh giới nghiêm toàn quốc được dỡ bỏ trong vài giờ ở thủ đô Colombo vào ngày 12-5. Ảnh: BLOOMBERG

“Đó là mức nợ cao nhất kể từ sau hai cuộc chiến tranh thế giới xảy ra trong nửa đầu của thế kỷ 20”, theo nhà kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ Ceyla Pazarbasioglu - Giám đốc bộ phận chiến lược, chính sách và rà soát của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Một lý do chính là các nước vừa mất mát nhiều do COVID-19 vừa phải chi hỗ trợ khắc phục dịch.

Trả lời tờ The Wall Street Journal, nhà kinh tế Pazarbasioglu cho biết hiện IMF chưa đưa ra cảnh báo chính thức về một cuộc khủng hoảng nợ có quy mô toàn cầu nhưng đó vẫn là một rủi ro mà tổ chức này hết sức lưu tâm.

Hầu hết các nước phát triển hiện chưa gặp thách thức lớn với khối nợ gia tăng, nhờ lãi suất vẫn còn thấp và tăng trưởng kinh tế vững vàng nhưng nhiều nước đang phát triển chịu sức ép ngày càng lớn từ nợ nần.

Trong khi đó, có tới 60% trong số các nước thu nhập thấp, nhóm gồm 73 quốc gia đủ tiêu chuẩn tham gia chương trình hoãn thanh toán nợ toàn cầu trong đại dịch của G20, đang đối mặt rủi ro cao xảy ra nguy hiểm về nợ (debt distress), hoặc đã ở trong tình trạng nguy hiểm nợ từ năm 2020, tăng từ mức chỉ 30% của năm 2012. Theo The Wall Street Journal, tình hình nợ nần được đánh giá là nguy hiểm khi một quốc gia mất khả năng thực thi các nghĩa vụ tài chính hoặc cần phải tái cơ cấu nợ.

Ngoài ra, tỉ lệ trong tổng cho vay nước ngoài của Trung Quốc đối với 73 nước nói trên đã tăng lên mức 18% vào năm 2020, từ mức chỉ 2% vào năm 2006; tỉ lệ cho vay của khu vực tư nhân đối với nhóm nước này cũng tăng lên 11% từ mức 3% trong cùng khoảng thời gian, theo số liệu của IMF. Trong khi đó, tỉ trọng cho vay của các chủ nợ truyền thống, là các định chế đa phương như IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) và những nước phương Tây phát triển, đối với nhóm nước này giảm xuống còn 58% từ mức 83% trước đây.

“Hầu như tất cả quốc gia đều đang nợ nhiều hơn so với thời điểm vào năm 2008 trong khủng hoảng tài chính toàn cầu. Liệu khủng hoảng nợ có sắp xảy ra hay không? Tôi không khẳng định như vậy. Nhưng rõ ràng là đang có một số quốc gia đang ở vào tình trạng rất, rất khó khăn” - Giám đốc phân tích tín nhiệm quốc gia của công ty tài chính S&P Global Ratings (Mỹ), ông Roberto Sifon-Arevalo, nhận xét.

Khủng hoảng kinh tế đẩy nhiều nước tới bờ vực sụp đổ

Ví dụ điển hình nhất về rủi ro nợ nần mà nhiều nước đang phải đối mặt là Sri Lanka. Theo thống kê của công ty phân tích kinh tế CEIC (Mỹ), tổng nợ đáo hạn của chính quyền Sri Lanka trong năm nay đã lên tới 7 tỉ USD, trong đó có 1 tỉ USD trái phiếu đáo hạn vào tháng 7. Dự trữ ngoại hối của Sri Lanka hiện chỉ còn khoảng 2,3 tỉ USD.

Khủng hoảng kinh tế ở Sri Lanka đã châm ngòi cho biểu tình trên diện rộng khi người dân bày tỏ sự bất bình với mức lạm phát kỷ lục, cúp điện luân phiên và khan hiếm các loại hàng hóa thiết yếu như thuốc men và nhiên liệu.

Một nhóm chuyên gia từ IMF trong tuần này đã bắt đầu làm việc với giới chức Sri Lanka về một gói cứu trợ sẽ bao gồm một gói cải cách khó khăn cũng như hỗ trợ tái định hình lại hệ thống tài chính Sri Lanka. Tuy nhiên, IMF và các tổ chức khác như WB biết rất rõ tình hình ở Sri Lanka lúc này không chỉ là do sự quản lý yếu kém của một quốc gia riêng lẻ.

Các nhà phân tích kinh tế sợ rằng Sri Lanka chỉ là quân domino đầu tiên bị đổ xuống dưới áp lực khủng hoảng nợ. Bên cạnh Sri Lanka, IMF song song đó cũng đã mở các cuộc đàm phán giải cứu với Ai Cập và Tunisia - cả hai nước nhập khẩu lúa mì lớn từ Nga và Ukraine, với Pakistan - quốc gia đã áp dụng biện pháp cắt giảm điện do chi phí năng lượng nhập khẩu quá cao.

Các quốc gia châu Phi cận Sahara đang được theo dõi cẩn thận bao gồm Ghana, Kenya, Nam Phi và Ethiopia. Argentina gần đây đã ký một thỏa thuận vay 45 tỉ USD với IMF, một số quốc gia Mỹ Latinh khác đang gặp rủi ro như El Salvador và Peru cũng ký thỏa thuận vay tương tự.•

Tăng cường phản ứng tầm quốc tế

Đã có phản ứng tầm quốc tế đối với cuộc khủng hoảng nợ công toàn cầu này, với bốn gói giải pháp chính: Hoãn trả nợ, tăng cho vay, tái cơ cấu nợ cho từng trường hợp cụ thể, Trung Quốc - chủ nợ lớn của 74 nước nghèo nên đàm phán song phương giảm áp lực nợ cho các nước này.

Thứ nhất, khoản thanh toán nợ khoảng 12 tỉ USD đã được hoãn lại cho gần 50 nước chủ yếu thu nhập thấp thông qua Sáng kiến đình chỉ dịch vụ nợ (DSSI), một sáng kiến do G20 đưa ra vào tháng 5-2020 nhằm tạm thời đình chỉ các khoản thanh toán chủ nợ chính thức. Tổng cộng 73 nước thu nhập thấp và trung bình thấp đủ điều kiện để tạm ngừng thanh toán dịch vụ nợ cho các chủ nợ chính thức cho đến cuối năm 2021.

Thứ hai, các tổ chức tài chính quốc tế bao gồm IMF và WB đã tăng lượng tiền và tốc độ cho vay. Hai tổ chức này đã giải ngân gần 200 tỉ USD trong các năm tài chính 2020 và 2021.

Thứ ba, G20 thống nhất giải pháp nhằm tái cơ cấu nợ chính phủ trong từng trường hợp cụ thể. Theo khuôn khổ G20 thống nhất, các chủ nợ, bao gồm cả Trung Quốc, có thể cùng với các quốc gia con nợ đàm phán “để tạo điều kiện xử lý nợ kịp thời và có trật tự cho các quốc gia đủ phân bổ kiện của quyền rút vốn đặc biệt, với sự tham gia rộng rãi của các chủ nợ bao gồm cả khu vực tư nhân”.

Thứ tư, Trung Quốc với tư cách là một chủ nợ lớn, cũng đang giải quyết cuộc khủng hoảng nợ song phương với các nước đi vay. Trong số 35 tỉ USD mà 74 quốc gia có thu nhập thấp nhất thế giới phải thanh toán trong năm nay, khoảng 37% - tương đương 13,1 tỉ USD là nợ của các thực thể Trung Quốc, một khoản tương tự - 13,4 tỉ USD - là nợ khu vực riêng tư. Nợ song phương chính thức đối với các nước khác ngoài Trung Quốc chỉ chiếm 8,6 tỉ USD.

Tham dự chuỗi sự kiện thường niên của IMF và WB mới đây ở Mỹ, các bộ trưởng Bộ Tài chính và thống đốc Ngân hàng Trung ương nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) đã bàn nhiều về các biện pháp nhằm mở rộng và đẩy nhanh một khuôn khổ để giải quyết nợ nần cho các nước đang phát triển gặp khó khăn tài chính.

VĨ CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/bao-dong-nguy-co-khung-hoang-no-toan-cau-post680308.html