Báo động thực phẩm thiếu an toàn
TP.Hồ Chí Minh là nơi tiêu thụ chính các loại nông sản, thực phẩm tươi sống từ các tỉnh, thành lân cận đổ về. Trong đó, hệ thống phân phối hiện đại chiếm khoảng 30% tổng lượng hàng hóa thực phẩm tươi sống, 70% còn lại ở các chợ đầu mối và chợ truyền thống. Điều đáng nói, thực phẩm đạt các tiêu chuẩn, đạt vệ sinh an toàn ở các chợ đầu mối, chợ truyền thống gần như chưa được kiểm soát… Đây cũng là vấn đề nhức nhối không chỉ tại TPHCM mà còn ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Khó kiểm soát nguồn gốc
Ngày 15-11-2022, bất ngờ kiểm tra kho lạnh của một công ty chuyên cung cấp nông sản cho Chợ đầu mối Bình Điền, lực lượng chức năng phát hiện gần 12 tấn rau củ không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Hiện Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC05), Công an TPHCM đang củng cố hồ sơ để xử lý Công ty TNHH sản xuất chế biến rau củ quả T.N (P7, Q8) do ông P.T.T làm giám đốc, về hành vi "kinh doanh hàng hóa nhập lậu là thực phẩm".
Trước đó, ngày 09-11, PC05 phối hợp Công an Q8 kiểm tra an toàn thực phẩm đối với cơ sở này thì phát hiện hai kho đông lạnh của cơ sở đang chứa hơn 11,7 tấn rau củ đóng gói trong các bao bì có nhãn hiệu tiếng Trung Quốc (gồm 1,7 tấn củ cải đỏ, hơn 8,5 tấn bông cải trắng, hơn 1,5 tấn bông cải xanh...). Tất cả hàng hóa này đều không có nhãn phụ tiếng Việt và không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc.
Làm việc với lực lượng chức năng, ông T. thừa nhận số rau củ ngoại nhập nêu trên được mua trôi nổi trên thị trường nên không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH sản xuất chế biến rau củ quả T.N về hành vi "kinh doanh hàng hóa nhập lậu là thực phẩm". Đồng thời, lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng trên để lấy mẫu phân tích, xử lý theo quy định.
TPHCM có nhiều nỗ lực trong việc kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) như thành lập Ban Quản lý ATTP, hay trước đây có chương trình truy xuất nguồn gốc thịt heo..., thế nhưng đến nay thực phẩm mất an toàn vẫn là vấn đề gây lo lắng trong cộng đồng. Ghi nhận tại nhiều chợ truyền thống, các loại thực phẩm như rau củ, thịt cá được bày bán la liệt trên lối đi, lề đường, vỉa hè vẫn là phổ biến.
Theo quan sát của chúng tôi, trên các con đường xung quanh một chợ truyền thống ở Q7, các tiểu thương nhỏ lẻ vẫn bày la liệt trái cây nội ngoại đủ loại, rau, chanh, ớt... và cả thịt heo, gà vịt làm sẵn. Thay vì ngồi một chỗ, nhiều người còn chạy xe đẩy bán dạo khắp nơi. Khách hàng của họ chủ yếu là người lao động có thu nhập thấp.
Tâm lý ham rẻ của người tiêu dùng, doanh nghiệp thực phẩm thiếu liên kết, cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến nguồn thực phẩm trên thị trường hiện nay vẫn nhập nhèm về chất lượng. Mối quan tâm hàng đầu vẫn là các chợ đầu mối tại TPHCM. Trung bình một ngày tại đây nhập khoảng 2.500 tấn hàng hóa; giá trị luân chuyển đạt 120 tỷ đồng/ngày đêm. Đặc biệt, ngoài rau củ quả, thủy hải sản, Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền còn cung cấp khoảng 30 - 35% thịt gia súc gia cầm. Vì thế, chính quyền địa phương cần có biện pháp khắc phục các hạn chế còn tồn tại, nhất là hình thức mua bán trôi nổi, không thể kiểm soát an toàn thực phẩm.
Điều đáng lo lắng là nguồn rau về các chợ đầu mối rất phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, một thực tế là hầu hết rau củ trong nước khi tập trung về chợ đều không có nhãn mác, việc ghi sổ cập nhật số liệu đều thực hiện bằng phương pháp thủ công, lẽ dĩ nhiên không thể chính xác... nhất là việc kiểm soát bao bì, gian lận đối với mặt hàng rau củ quả. Đây cũng là vấn đề khiến công tác kiểm soát an toàn thực phẩm đầu cuối khó có thể thực hiện một cách triệt để.
Theo đánh giá, thị trường TPHCM có 2 hệ thống phân phối chính là chợ và siêu thị. Tại chợ, về truy xuất nguồn gốc thực phẩm hầu như không thể kiểm soát chặt chẽ toàn diện ở tất cả các mặt hàng. Tỷ lệ hàng có chứng nhận VietGap cực kỳ ít, gần như không có. Các nhà sản xuất, cung ứng hàng hóa cho các chợ ở TPHCM là những nông dân ở các địa phương, hợp tác xã... hoàn toàn không sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, cũng không thể đảm bảo được quy trình an toàn xuất khẩu.
Ngược lại, hệ thống phân phối hiện đại thì tăng trưởng rất tốt về số lượng và quy mô, vấn đề ATTP được bảo đảm tương đối chặt chẽ, quản lý chất lượng tương đối tốt và có tiêu chuẩn VietGap, đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu. Thế nhưng, hệ thống phân phối hiện đại chỉ đáp ứng khoảng 30% tổng lượng hàng lương thực, thực phẩm tươi sống, 70% còn lại ở bên ngoài chưa kiểm soát được.
Còn khoảng 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, đây cũng là thời điểm "nóng" về tình trạng vận chuyển thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tại TPHCM, để bảo đảm an toàn thực phẩm, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM đã triển khai nhiều đợt tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm trên toàn địa bàn thành phố; chú trọng kiểm tra tại các cơ sở phân phối, các chợ truyền thống, hệ thống siêu thị, hàng hóa lưu thông trên thị trường; xử lý nghiêm các sai phạm...
Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm, trứng vẫn còn nhiều khó khăn. Đối với chợ đầu mối, một trong những khó khăn nhất hiện nay là phải đối phó với chợ tự phát. UBND TP.Hồ Chí Minh cũng đã có chỉ đạo quyết liệt dẹp chợ tự phát, Ban Quản lý ATTP cũng sẽ cùng các ban, ngành tăng cường kiểm soát chợ tự phát. Vì vậy, người tiêu dùng khi mua thực phẩm nên vào chợ đầu mối để đảm bảo an toàn chất lượng.
Nỗi lo an toàn thực phẩm bếp ăn
Việt Nam hiện có khoảng 397 khu công nghiệp, với hàng nghìn bếp ăn tập thể cho công nhân. Bên cạnh đó, tổng số học sinh phổ thông là 17,9 triệu em, với hàng triệu em học bán trú tại hàng chục nghìn bếp ăn trong nhà trường. Cung cấp thực phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATVSTP), đầy đủ dinh dưỡng, đồng thời giá bán phải chăng là yêu cầu cấp thiết...
An toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn tập thể của trường học đang là mối quan tâm của toàn xã hội. Thực tế cho thấy, tại nhiều trường học, việc đảm bảo ATVSTP đang là vấn đề rất đáng lo ngại khi liên tiếp nhiều vụ ngộ độc tập thể xảy ra. Vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) tại Trường Ischool Nha Trang (TP.Nha Trang, Khánh Hòa) mới đây làm hơn 600 học sinh và giáo viên phải nhập viện điều trị, trong đó có 1 học sinh tử vong khiến tâm lý phụ huynh vô cùng hoang mang. Đây được xem là vụ NĐTP trong trường học nghiêm trọng nhất với số người mắc rất cao.
Ngoài ra, tại một số địa phương, các vụ NĐTP ở trường học với hàng chục học sinh phải nhập viện vẫn thường xảy ra. Thống kê của Bộ GD-ĐT, cấp tiểu học hiện có khoảng 5.000/15.000 trường tổ chức bữa ăn học đường cho học sinh, trong đó hơn 3.300 trường học có bếp ăn, còn lại dùng suất ăn công nghiệp. Tuy vậy, gần 40% số trường có bếp ăn tập thể, căng-tin chưa đảm bảo yêu cầu VSATTP, việc quản lý và giám sát bữa ăn học đường còn nhiều hạn chế.
Theo Bộ Y tế, tính đến hết tháng 10-2022, cả nước xảy ra 43 vụ NĐTP làm 581 người bị ngộ độc, trong đó 11 người tử vong. Năm 2021, toàn quốc ghi nhận 81 vụ NĐTP làm 1.942 người mắc và 18 trường hợp tử vong. Đối với các vụ NĐTP xảy ra tại các bếp ăn tập thể, thống kê trong giai đoạn 2010 - 2020, trung bình mỗi năm xảy ra 15 vụ với trên 1.130 người mắc và khoảng 1.000 người nhập viện.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý ATTP TPHCM, năm học 2021 - 2022, ban đã kiểm tra 1.708 cơ sở có bếp ăn tập thể, căng-tin trường học và năm học 2022 - 2023 đã thanh, kiểm tra 2.231 cơ sở. Kết quả, có 2 cơ sở bị phát hiện vi phạm. Hiện Ban Quản lý ATTP đang kết hợp với các trường đẩy mạnh tập huấn cho cán bộ, công nhân viên chức thực hiện công tác kiểm tra VSATTP; khuyến khích các trường, đơn vị cung cấp suất ăn cho trường học sử dụng nguyên liệu từ đơn vị có giấy chứng nhận chất lượng; kiến nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở cung cấp suất ăn cho trường học tại TPHCM...
Cuối năm là thời điểm nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thực phẩm của người dân tăng cao, đó cũng là nỗi lo về thực phẩm không đảm bảo an toàn chất lượng. Thời gian qua, lực lượng chức năng đã liên tiếp phát hiện những vụ mua bán thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc. Báo cáo tại Hội nghị Đảm bảo chất lượng, an toàn và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức sáng 18-10 tại TPHCM, Ban chỉ đạo liên ngành về An toàn thực phẩm (ATTP) cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2022, lực lượng chức năng TPHCM đã thanh tra, kiểm tra 26.005 cơ sở, phát hiện 2.602 cơ sở vi phạm, xử phạt 633 cơ sở với tổng số tiền hơn 9,6 tỷ đồng. Cơ quan chức năng đã tiêu hủy 12.797kg và 33.971 sản phẩm thực phẩm không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, đình chỉ hoạt động có thời hạn 2 cơ sở; tước quyền sử dụng giấy phép 1 cơ sở...
Riêng trong tháng 10-2022 đã xử phạt vi phạm hành chính với 9 tổ chức, cá nhân, tổng mức xử phạt gần 125 triệu đồng. Ngày 09-11, Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM công bố danh sách xử phạt vi phạm hành chính đối với 9 tổ chức, cá nhân trong tháng 10 với tổng mức xử phạt gần 125 triệu đồng. Trong đó, có 2 doanh nghiệp và 7 hộ sản xuất, kinh doanh. Các lỗi vi phạm chủ yếu là sản xuất, kinh doanh thực phẩm hoặc dịch vụ ăn uống không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc giấy đã hết hạn với mức phạt 12,5 triệu đồng cho hộ kinh doanh và 25 triệu đồng đối với doanh nghiệp.
Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/bao-dong-thuc-pham-thieu-an-toan_140487.html