Báo động tình trạng ly hôn tại Hải Dương: Bài 1-Đổ vỡ
4 năm trở lại đây, số vụ ly hôn ở Hải Dương tăng dần đều, nhất là ở các gia đình trẻ. Tình trạng này gióng lên hồi chuông cảnh báo về văn hóa gia đình hiện nay. Từ ngày 13/8, báo điện tử Hải Dương khởi đăng loạt bài 'Báo động tình trạng ly hôn tại Hải Dương' phản ánh vấn đề này.
Án tăng, tuổi đương sự giảm
“Tỷ lệ án ly hôn có xu hướng tăng những năm gần đây, chiếm tỷ lệ từ khoảng 80% trở lêntrong tổng số án hôn nhân gia đình do tòa thụ lý”, đây là câu trả lời của nhiều thẩm phán tại Tòa án Nhân dân cấp tỉnh, huyện khi phóng viên Báo Hải Dương đề cập đến vấn đề này.
Theo số liệu từ Tòa án Nhân dân tỉnh Hải Dương, từ ngày 1/10/2023-31/7/2024, Tòa án Nhân dân hai cấp trong tỉnh thụ lý 5.710 vụ án hôn nhân và gia đình, trong đó giải quyết 5.099 vụ, đạt 89,3%. Số vụ án hôn nhân gia đình chiếm 62% tổng số vụ án Tòa án Nhân dân hai cấp trong tỉnh thụ lý. Trong đó, có 3.824 vụ thuận tình ly hôn và tòa án chấp thuận ly hôn. Theo thống kê của Sở Tư pháp tỉnh Hải Dương, cùng thời gian trên có 8.535 cặp đăng ký kết hôn với độ tuổi trung bình của nam là 25,6 tuổi, nữ là 25,6 tuổi.
Như vậy, trong 10 tháng, tỉnh Hải Dương có 8.535 cặp kết hôn, 3.824 vụ ly hôn. Số vụ ly hôn bằng 44,8% so với tổng số cuộc kết hôn trong tổng thời gian nêu trên. Đến tháng 7/2023, theo Công an tỉnh, toàn tỉnh Hải Dương có 643.266 hộ. So sánh một cách tương đối thì với 3.824 vụ ly hôn (tương đương 3.824 cặp vợ chồng) sẽ chiếm 0,59% tổng số hộ toàn tỉnh. Nói so sánh tương đối vì trong tổng số hộ có thể số ít hộ là đơn thân và thực tế nhiều cặp vợ chồng trong trạng thái là gia đình tái hôn.
Con số ly hôn dự báo sẽ còn tăng cao trong 2 tháng cuối năm (ngành Tòa án tổng kết năm thi đua vào cuối tháng 9/2024).
Hầu hết các vụ án hôn nhân - gia đình là đề nghị giải quyết ly hôn; chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân; chia tài sản sau ly hôn; thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn; thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn; hủy kết hôn trái pháp luật; không công nhận vợ chồng... Trong đó, đề nghị giải quyết ly hôn chiếm khoảng 80% tổng số vụ án hôn nhân - gia đình.
Từ ngày 1/10/2023-31/7/2024, số vụ án hôn nhân - gia đình do Tòa án Nhân dân cấp huyện thụ lý ở các địa phương cấp huyện như sau: TP Hải Dương 807 vụ, thị xã Kinh Môn 464 vụ, TP Chí Linh 456 vụ, Nam Sách 392 vụ, Cẩm Giàng 296 vụ... Tỷ lệ đương sự là nữ nộp đơn ly hôn chiếm khoảng 70%. Điều đáng buồn là độ tuổi ly hôn đang dần trẻ hóa.
Thẩm phán Nguyễn Thị Thu Hiền, Chánh Tòa Gia đình và Người chưa thành niên (Tòa án Nhân dân tỉnh) cho biết có trường hợp khi ra tòa, thẩm phán ra sức động viên, hòa giải để hai bên hàn gắn. Nghe xuôi tai hợp lý hai bên cũng rút đơn về nên hòa giải thành. Tuy nhiên khi về ở với nhau chưa được bao lâu, cả hai lại đâm đơn ly hôn. Trong đơn, các cặp vợ chồng đều khai rất chung chung là không hợp nhau, không thống nhất quan điểm… Đa số các trường hợp ly hôn rơi vào các cặp vợ chồng trẻ, chưa tìm hiểu kỹ. Trong quá trình chung sống xảy ra mâu thuẫn, không biết cách giải quyết. “Tình trạng ly hôn đang diễn ra ở hầu khắp địa bàn, đối tượng, nhưng tập trung nhất là lao động trẻ, đi làm ăn xa, kết hôn trong thời gian ngắn”, thẩm phán Hiền chia sẻ.
Mỗi nhà, mỗi cảnh
Đến Tòa án nộp đơn ly hôn, chị N.T.T.H. (sinh năm 1997) ở huyện Kim Thành cho biết đây lần thứ 3 chị viết đơn ly hôn và lần này chị quyết tâm phải bỏ người chồng vũ phu đã chung sống gần 10 năm. Vừa nói, chị H. vừa khóc kể rằng sau khi kết hôn từ năm 2014, chỉ một thời gian ngắn sau vợ chồng đã phát sinh mâu thuẫn. Chồng thường xuyên uống rượu, đánh đập, chửi bới chị. Có lần chị H. đã lên báo trưởng thôn về việc bị chồng đánh. Mâu thuẫn được gia đình hai bên động viên hòa giải nhưng tình cảm vợ chồng không thể hàn gắn được. Chị H. đã bỏ về nhà bố mẹ đẻ 5 lần, nhưng nghĩ đến các con nên chị đã quay về chung sống.
“Mỗi lần tôi làm đơn ly hôn, anh ấy đều xin tha thứ và hứa sẽ thay đổi. Nhưng chứng nào tật ấy, anh ta không chịu thay đổi thì tôi không còn thiết tha gì với cuộc hôn nhân này nữa’’, chị H. tâm sự.
Chị N.T.V. (sinh năm 2000) và anh N.T.D. (sinh năm 1996) cùng ở thị xã Kinh Môn kết hôn năm 2020. Sau khi đăng ký kết hôn, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hai bên gia đình chưa tổ chức lễ cưới theo phong tục, chị V. vẫn ở nhà bố mẹ đẻ. Trong thời gian này, hai người thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, cãi vã nhau do bất đồng quan điểm. Chị V. còn phát hiện anh D. là người chơi bời nên đã trao đổi không tổ chức lễ cưới nữa. Lúc đầu là D. không đồng ý nhưng sau đó khoảng 3 tháng thì anh D. cũng đồng ý. Từ đó cho đến nay, chị và anh D. không còn liên lạc hay quan tâm gì đến nhau nữa. Nay chị xác định tình cảm vợ chồng không còn, mâu thuẫn đã trầm trọng và kéo dài nên đề nghị Tòa án giải quyết cho chị được ly hôn với anh D. Cuộc hôn nhân mong manh, chớp nhoáng được chấm dứt không có con chung, tài sản chung.
Trường hợp hy hữu khác, năm 2023, bà Đ.T.T. (sinh năm 1950) đâm đơn ra tòa yêu cầu ly hôn ông B.Đ.B. (sinh năm 1935). Kết hôn từ năm 1993, đến năm 2005, vợ chồng ông bà phát sinh mâu thuẫn về phát triển kinh tế gia đình. Bà T. và các con riêng của ông B. thường xuyên có mâu thuẫn. Bà T. cho rằng ông B. không yêu thương bà mà chỉ lợi dụng bà làm người chăm sóc cho ông B. lúc già yếu. Dù tuổi đã cao, bà T. quyết tâm khởi kiện ly hôn ông B.
Đó chỉ là một vài ví dụ về những vụ ly hôn xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Theo dự báo, dựa trên thực tiễn xét xử như hiện tại, từ nay đến cuối năm 2024, lượng án ly hôn Tòa án Nhân dân hai cấp ở Hải Dương thụ lý, giải quyết sẽ tiếp tục tăng. Đây quả thực là con số đáng báo động.