Báo động về 'chợ hung khí' online

Thời gian gần đây, tình trạng các nhóm thanh thiếu niên tụ tập mang mã tấu, đao, kiếm để giải quyết mâu thuẫn, những vụ giết người với hung khí là dao, công cụ hỗ trợ... được mua từ các trang mạng không còn là chuyện hiếm. Dù pháp luật nghiêm cấm mua bán, tàng trữ trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ, thế nhưng những mặt hàng này vẫn được rao bán tràn lan trên các hội nhóm kín, diễn đàn mạng xã hội. Tìm hiểu sâu hơn mới thấy việc mua 'hàng nóng' qua mạng đang trở nên quá dễ dàng.

Muôn mặt "hàng nóng"

Để tìm hiểu cách thức mua bán các loại dao, kiếm, mã tấu, công cụ hỗ trợ qua mạng, phóng viên đã truy cập vào nhiều hội nhóm chuyên mua bán trái phép mặt hàng này, với hàng chục ngàn thành viên. Hầu hết các hội nhóm này đều đặt chế độ xét duyệt thành viên, người nào muốn tham gia phải được sự chấp thuận của trưởng nhóm (admin).

Sau khi vào được các hội nhóm như "Đồ Tự Vệ", "Đao Kiếm, Đồ Tự Vệ Giá Rẻ”..., chúng tôi nhận được hàng loạt lời mời chào mua bán. Một đầu nậu tên Đức chuyên bán dao, dùi cui, bình xịt hơi cay... cho biết hàng có sẵn nhiều loại cho khách lựa chọn, từ những bình xịt hơi cay cho phụ nữ tự vệ mang nhãn hiệu Takedown, Nato đến các loại dao, mã tấu dài từ 1 - 1,2m. Những loại này đều được nhập khẩu qua đường tiểu ngạch từ Trung Quốc, nhưng hầu hết lại gắn mác "Made in USA" nhằm... tạo sự yên tâm cho người sử dụng! Đức nói: "Anh hay đi đêm nhiều thì chỉ cần mua bình xịt hơi cay bên em để bỏ cốp xe phòng thân. Loại này "bao" cay, xịt xa 2 - 3 mét vào mắt là đứng không vững, có thể gây mù tạm thời khoảng vài phút... Nếu không có nước rửa liên tục thì khó mà nhìn rõ chứ đừng nói là đuổi theo. Hàng này bên em chuẩn chất lượng, "bao" anh cất giữ trong balô suốt 1 năm cũng không xì gas, sau 1 năm lấy ra xài vẫn bình thường".

Một cửa hàng trên TikTok rao bán dùi cui điện

Một cửa hàng trên TikTok rao bán dùi cui điện

Theo lời Đức, loại bình xịt hơi cay được chị em phụ nữ mua là chính, còn nam giới hay chọn các loại vũ khí sát thương cao hơn như dao, dùi cui, kiếm tuýp. "Bên em còn chuyên bán các loại dao, kiếm tuýp hay dùi cui hiệu 511, ASP, GAS..., đều là những dòng công cụ hỗ trợ nổi tiếng. Giá mấy loại này trong khoảng từ 350 ngàn đến vài triệu đồng". Do khá có tiếng trong giới buôn bán "hàng nóng" qua mạng, Đức cho biết phải cảnh giác cao độ vì bán hàng này dễ bị lực lượng chức năng "vịn" nên không dám giao dịch trực tiếp. "Bên em ai mua cũng phải chuyển tiền cọc trước để bù phí vận chuyển, nhận hàng thì phải trả đủ cho shipper chứ không cho kiểm hàng" - Đức tỏ vẻ dò xét khi phóng viên đề nghị gặp trực tiếp để mua và kiểm tra hàng.

Tham khảo thêm các đầu mối khác, hình thức nhắn tin, gửi ảnh "hàng nóng" cho khách chọn rồi chuyển hàng theo hình thức nhận hàng - trả tiền hiện rất phổ biến. Theo đầu nậu tên Linh, phương thức này là an toàn nhất cho cả đôi bên vì không cần gặp mặt trực tiếp, cũng như được đơn vị vận chuyển thu tiền hộ mà khách không sợ bị bên bán lừa đảo. "Hiện không ai bán loại này mà cho tới nhà xem hàng đâu anh! Món này chơi thì phải chấp nhận, có nhu cầu thì mình mua chứ không ai ép. Ra gặp là nhiều khả năng bị "túm cổ" liền nên không ai dại gì mà gặp trực tiếp" - Linh khẳng định.

Linh cho biết đang bán nhiều loại dao, kiếm chất liệu bằng thép, inox, thậm chí có cả những dao bấm "Vip" được làm từ titanium: "Giá loại rẻ thì từ 300 ngàn/cây, dao tuýp 550 ngàn/cây, loại tốt hơn giá trên dưới 1 triệu. Bên em còn có vài cây dao bướm, dao bấm titanium, nhưng loại này giá cao, chủ yếu là hàng sưu tầm nên kén người chơi". Cửa hàng của Linh còn bán các loại súng điện, dùi cui điện giá dao động từ 500 - 900 ngàn đồng/cây.

Hệ lụy khó lường

Tình trạng "hàng nóng" được rao bán qua mạng, thậm chí còn tổ chức các buổi livestream trên mạng xã hội dẫn đến nhiều hệ lụy khi thanh thiếu niên có thể dễ dàng tìm kiếm, tiếp cận các mặt hàng nguy hiểm. Điển hình như trên mạng xã hội TikTok, chỉ cần tra từ khóa "đèn pin tự vệ" thì hàng loạt video giới thiệu các loại đèn pin "siêu sáng" hiện ra, nhưng thực chất là các loại dụng cụ hỗ trợ, dùi cui, roi điện ngụy trang... có khả năng sát thương rất cao, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng. Việc tìm kiếm này còn dễ dàng hơn nếu sử dụng mạng xã hội Facebook với các từ khóa như: "đồ chơi tự vệ", "baton", "dao bấm", "kiếm tuýp"...

Dao, mã tấu, dùi cui... được rao bán tràn lan trên mạng xã hội

Dao, mã tấu, dùi cui... được rao bán tràn lan trên mạng xã hội

Thời gian qua, lực lượng Công an đã liên tục phát hiện nhiều vụ nhóm thanh thiếu niên tàng trữ, mua bán trái phép các loại vũ khí trên mạng hoặc sử dụng những loại "hàng nóng" này để tụ tập băng nhóm, kéo nhau đi giải quyết mâu thuẫn. Đêm 16/5/2024, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh phát hiện nhiều thanh thiếu niên đi trên xe máy, không đội mũ bảo hiểm, mang theo đao, kiếm, mã tấu, chạy xe lạng lách, đánh võng trên đường thuộc Khu 4, P.Quang Trung (TP.Uông Bí) nên tiến hành kiểm tra. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát của Đội Cảnh sát hình sự - Công an TP.Uông Bí đã bắt giữ 12 đối tượng (tuổi từ 17 đến 28) về hành vi gây rối trật tự công cộng.

Quá trình truy xét, lực lượng chức năng xác định cùng ngày, Doãn Tiến Bằng và Trần Bình Minh (2 đối tượng cầm đầu, cùng ngụ TP.Uông Bí) hẹn nhau tại khu vực Hai Thanh, P.Bắc Sơn để giải quyết mâu thuẫn. Bằng rủ thêm 15 đối tượng, mang theo nhiều dao, mã tấu. Bị nhóm Bằng đánh, Minh bỏ chạy thoát và gọi điện cho 10 người bạn cũng trang bị dao, kiếm, gậy bóng chày, kéo nhau đi tìm đối thủ để trả thù. Quá trình cả 2 nhóm truy đuổi, đâm chém nhau khiến người dân địa phương hoảng sợ.

Các loại dao giấu trong ống tuýp, dao bấm dễ cất giấu, ngụy trang

Các loại dao giấu trong ống tuýp, dao bấm dễ cất giấu, ngụy trang

Trước đó, vào ngày 15/5/2024, Công an TP.Dĩ An (Bình Dương) tiếp nhận tin báo về việc một người bị nhóm khoảng 6 đối tượng dùng mã tấu, dùi cui đánh, chém gây thương tích để cướp xe máy. Vụ cướp xảy ra ở đường nội bộ khu vực Công viên Kính Nổi (P.Tân Đông Hiệp, TP.Dĩ An). Lực lượng chức năng sử dụng các biện pháp nghiệp vụ truy xét, bắt giữ nhóm đối tượng gây án ngay trong đêm. Tại trụ sở Công an, các đối tượng (tuổi từ 13 đến 18) đã khai nhận do cần tiền tiêu xài nên rủ nhau cướp tài sản của người đi đường. Nhóm này còn khai các loại mã tấu, hung khí sử dụng để gây án đều mua qua mạng.

Theo số liệu của Bộ Công an, trong 5 năm qua, toàn quốc đã phát hiện, bắt giữ hơn 16.000 vụ, với hơn 26.000 đối tượng sử dụng các loại dao và công cụ, phương tiện tương tự dao để gây ra các vụ việc phạm pháp. Trong đó, lực lượng Công an đã xử lý hơn 7.000 đối tượng đang trong giai đoạn chuẩn bị phạm tội, với hơn 2.000 đối tượng tái phạm. Tội phạm sử dụng các loại dao và vũ khí thô sơ tương tự dao gây án chiếm tỉ lệ rất cao, với nhiều vụ là các băng nhóm, đối tượng có tổ chức gây án mang tính chất manh động, dã man, coi thường pháp luật, khiến dư luận xã hội bức xúc.

Trong tháng 5/2024, Quốc hội đã thảo luận về Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sửa đổi, bổ sung. Phát biểu tại phiên thảo luận về dự án này, các đại biểu đều nhất trí cần xây dựng dự án luật nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục và khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành pháp luật.

Điểm mới trong nội dung dự thảo luật lần này là bổ sung dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ. Trung tướng Nguyễn Hải Trung (Giám đốc Công an TP.Hà Nội) dẫn chứng: Những ngày cuối tuần, lễ, các đối tượng thanh thiếu niên thường rú ga, nẹt pô xe máy, mang theo dao, kiếm, dao phóng lợn kéo lê trên đường..., nhưng rất khó xử lý, cùng lắm chỉ xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng, với điều kiện là các đối tượng đã bị xử phạt hành chính về hành vi tương tự trước đó rồi". Trung tướng Nguyễn Hải Trung cho rằng việc bổ sung dao có tính sát thương cao vào dự thảo luật sẽ giúp xử lý được hành vi trên, đồng thời có tác dụng răn đe, phòng ngừa rất lớn.

KỲ ANH

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/vu-an/phong-su/bao-dong-ve-cho-hung-khi-online_162832.html