Bao giờ 'Hãy tái chế tôi'!
Hãy tái chế tôi là khẩu hiệu đã được đặt ra nhiều năm và bây giờ còn nguyên tính thời sự khi mọi người vẫn xem chuyện rác thải nhựa không phải trách nhiệm cá nhân
Theo số liệu từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm Việt Nam thải ra môi trường 1,8 triệu tấn rác nhựa. Chỉ khoảng 10% trong số này được tái chế, còn lại được đốt gây ô nhiễm và số lượng lớn khác thải thẳng ra môi trường.
Hậu quả nhãn tiền
Có dịp tôi ghé vào một cửa hàng tiện lợi của một nhãn hàng nước ngoài ở khu phố Tây Bùi Viện. Một cậu thanh niên người Việt sau khi mua hàng đến tính tiền được cô nhân viên quầy hỏi: "Anh dùng túi ni-lông hay túi tự hủy? Dùng túi tự hủy em sẽ tính thêm 3.000 đồng". Cậu thanh niên phớt lờ: "Túi ni-lông đi, cho tiện". Hai vị khách Thụy Điển đứng sau ngạc nhiên, rồi nói: "Túi ni-lông rẻ hơn nhưng xã hội sẽ tốn nhiều tiền hơn để giải quyết nó". Cậu thanh niên cười khẩy bước ra ngoài lấy chiếc bánh sandwich ra ăn và vứt chiếc túi ni-lông dưới gốc cây trước cửa.
Hiện khá nhiều người Việt còn thói quen đó, nếu không muốn nói là hầu hết. Từng được xem như một phát kiến của ngành khoa học ứng dụng nhưng đến nay ni-lông đã cho thấy những mặt trái nguy hiểm của nó khi người sử dụng bỏ qua những khuyến cáo thực tế từ các nhà khoa học. Rác thải nhựa đang là mối nguy lớn nhất cho môi trường, đe dọa đời sống sinh vật, nguy hại đến sức khỏe con người và khối lượng thải ra môi trường ngày càng tăng.
Ở góc nhìn cận cảnh: Vào tháng 6-2023, phóng viên Báo Người Lao Động đã theo chân những công nhân vệ sinh mục sở thị những thứ mà cư dân thải xuống cống. Công nhân rút từ dưới cống lên hàng tấn chai nhựa đã qua sử dụng tích tụ lâu ngày gây nghẹt. Hậu quả là những tuyến đường lân cận thường xuyên bị ngập do không thoát được nước mỗi khi mưa lớn.
Sau vụ ngộ độ C. botulinum vào cuối tháng 5-2023 làm 1 người chết, 2 người bị liệt, các bác sĩ lưu ý về các trường hợp bảo quản thực phẩm dễ sinh độc tố. Trong đó, khá quan trọng là việc dùng túi ni-lông bảo quản thức ăn lâu ngày, tạo môi trường yếm khí cho vi khuẩn C. botulinum phát triển. Mặt khác, những phẩm màu thường sử dụng trong tạo màu hoặc in ấn trên túi ni-lông hầu hết dễ nhiễm vào thực phẩm gây hại cho sức khỏe. Đáng ngại, những cách sử dụng trên đã thành thói quen của rất nhiều người Việt.
Xa lạ với túi tự hủy
Những cảnh báo về tác hại của rác thải nhựa cũng đánh động được các nhà sản xuất. Gần đây, nhiều doanh nghiệp nước đóng chai, bao bì luôn in cả dòng chữ "Hãy tái chế tôi" lên sản phẩm. Nhưng có vẻ lời cầu khiến này mang nặng tính phong trào, nhắc nhở bởi thiếu đi yếu tố bắt buộc. Ngay cả những sản phẩm mang dòng chữ đó cũng thường bị vứt lăn lóc bên đường.
Nhiều doanh nghiệp khác đầu tư dây chuyền sản xuất túi ni-lông tự hủy và cả túi thân thiện với môi trường. Thế nhưng, sản phẩm chủ yếu của họ là xuất khẩu sang các nước châu Âu vì giá thành cao hơn túi ni-lông thông thường nên người tiêu dùng không mặn mòi.
Một số doanh nghiệp ý thức về môi trường tốt mới mạnh dạn đặt túi tự hủy và chấp nhận chi phí tăng. Những năm qua, hệ thống Co.opmart đã chuyển sang sử dụng túi ni-lông tự hủy và bán cả túi sử dụng nhiều lần không gây hại môi trường cho khách hàng có nhu cầu. Điều này đã dần tạo thói quen cho người tiêu dùng ý thức về bảo vệ môi trường nhưng đáng tiếc tinh thần tiên phong này chưa phổ biến ở nhiều hệ thống bán lẻ khác.
Trong bối cảnh khó giảm sự phụ thuộc vào sản phẩm nhựa thì tái chế là phương án khả dĩ. Thế nhưng, khó khăn lớn nhất vẫn là khâu thu gom, phân loại rác thải nhựa nên nguồn nguyên liệu này không đáp ứng được nhu cầu trong nước. Nhiều doanh nghiệp thậm chí phải nhập nguyên liệu nhựa tái chế từ nước ngoài về sản xuất.
"Hãy tái chế tôi" là khẩu hiệu đã được đặt ra nhiều năm và bây giờ vẫn còn nguyên tính thời sự. Khẩu hiệu trên sẽ tiếp tục hiện diện trong tương lai khi mà mỗi người vẫn xem chuyện rác thải nhựa không phải là trách nhiệm của mình.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/bao-gio-hay-tai-che-toi-20231007203926343.htm