Bao giờ sếu đầu đỏ quay về Vườn quốc gia Tràm Chim?
Liên quan đến chương trình bảo tồn sếu đầu đỏ ở Vườn quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp như KTSG Online đã thông tin, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, tháng 4-2024, những con sếu đầu tiên mới có thể về vườn quốc gia này thay vì là tháng 12-2023 như dự kiến ban đầu.
Theo ông Nghĩa, địa phương đã kết hợp với Thái Lan để chuyển giao và dự kiến tháng 4-2024 những con sếu đầu đỏ đầu tiên sẽ về đến Vườn quốc gia Tràm Chim. “Họ (Thái Lan) nuôi rất bình thường, trong khi mình trước giờ chưa nuôi thôi. Thế nhưng, chúng ta đã xây dựng được đề án (đề án bảo tồn sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim – PV), hạ tầng và cũng đã đưa cán bộ đi học tập, đào tạo rất bài bản nên sẽ thành công”, ông cho biết.
Tỉnh Đồng Tháp nuôi sếu đầu đỏ theo mô hình sinh dưỡng cộng đồng, sẽ nhân rộng và thả về lại tự nhiên. Để tạo môi trường cho sếu đầu đỏ phát triển, tỉnh Đồng Tháp cũng đã tập trung phát triển lúa sinh thái/lúa hữu cơ ở vùng đệm của Vườn quốc gia Tràm Chim. “Phát triển lúa hữu cơ là tạo điều kiện tốt về môi trường cho sếu phát triển, xây dựng cho vùng Tràm Chim có nét đặc thù hơn, môi trường tốt và gần gũi thiên nhiên hơn. Đó là mục tiêu chúng tôi hướng tới”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Tại buổi họp giao ban báo chí tỉnh Đồng Tháp diễn ra vào tháng 11-2023, ông Đoàn Văn Nhanh, Phó giám đốc Trung tâm bảo tồn và hợp tác quốc tế của Vườn Quốc gia Tràm Chim cho biết, để thực hiện phục hồi hệ sinh thái, các đơn vị liên quan triển khai xử lý cho khô đối với khu A4 và A5 theo khuyến cáo của chuyên gia, tức sẽ tiến hành hạ mực nước xuống cũng như xử lý lớp thực bì hữu cơ để kích thích cây năng kim- vốn là nguồn thức ăn của sếu- phát triển.
Tiếp theo, khu A1, là khu lớn nhất (sếu thường phân bổ chủ yếu ở 3 khu, bao gồm A4, A5 và A1) cũng tiếp tục được phục hồi. “Đây là kế hoạch phục hồi hệ sinh thái của chúng tôi”, ông Nhanh nhấn mạnh.
Theo TS Dương Văn Ni, một chuyên gia về đa dạng sinh học (Trường Đại học Cần Thơ), tại các khu vực được xử lý phục hồi hệ sinh thái theo khuyến cáo hiện đang phát triển rất tốt. Trong đó, cỏ năng kim, vốn là nguồn thức ăn của sếu đầu đỏ đang được “hồi sinh” và phát triển.
TS Trần Triết, Giám đốc chương trình bảo tồn sếu Đông Nam Á, người đồng hành cùng chương trình bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ của tỉnh Đồng Tháp cho biết, bảo tồn sếu đầu đỏ của tỉnh Đồng Tháp là việc làm có ý nghĩa về tinh thần, đóng góp lớn về mặt văn hóa. Bởi, sếu là loài chim gắn liền với hình ảnh của Vườn Quốc gia Tràm Chim, của tỉnh Đồng Tháp cũng như vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Theo ông, việc phục hồi đàn sếu cũng là cách đóng góp vào bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt khi sếu là loài được ưu tiên bảo tồn của Việt Nam và thế giới.
Một vấn đề đặc biệt quan trọng khác, ông Triết cho biết, bảo tồn không chỉ mang lại bao nhiêu con sếu, mà quan trọng hơn là góp phần phục hồi và quản lý tốt hệ sinh thái của Vườn Quốc gia Tràm Chim- vốn là một hệ sinh thái hình mẫu còn sót lại của vùng Đồng Tháp Mười của ĐBSCL. “Đồng Tháp Mười là vùng rất rộng lớn, nhưng hiện giờ còn khoảng 7.000 héc ta của Vườn Quốc gia Tràm Chim vẫn còn trong tình trạng tiêu biểu, có giá trị rất lớn, mang tầm quốc tế”, ông cho biết.
Được biết, đề án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ có tổng kinh phí thực hiện là 184,901 tỉ đồng, trong đó, giai đoạn 2022-2028 là 155,666 tỉ đồng và phần còn lại được thực hiện trong giai đoạn 2029-2032.
Mục tiêu của đề án nêu trên trong giai đoạn 2022-2028 là: tiếp nhận 30 cá thể sếu 6 tháng tuổi từ Thái Lan; hoàn chỉnh cơ sở vật chất, chuồng trại; hệ sinh thái Vườn quốc gia Tràm Chim được phục hồi; đến năm 2028 dự kiến có 200 héc ta lúa sẽ chuyển sang sản xuất sinh thái tại vùng lân cận Vườn quốc gia Tràm Chim; trong 5 năm đầu sếu có thể sinh sản và sống sót; truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim.
Giai đoạn 2029-2032: tiếp tục đàm phán với Thái Lan tiếp nhận 30 cá thể sếu để gây nuôi, dự kiến sẽ sinh sản thêm 40 cá thể sếu từ đàn bố mẹ ban đầu; xây dựng biểu đồ phân bổ sếu trong và ngoài vườn; cán bộ kỹ thuật Vườn Quốc gia Tràm Chim có thể tự chăm sóc sếu cho sinh sản và thả về tự nhiên; biên soạn bộ tài liệu về quy trình chăm sóc và thả sếu về tự nhiên; chuyển đổi vùng sản xuất lúa sinh thái thành sản xuất lúa hữu cơ; phát triển sinh sản tự nhiên bản địa dựa trên nền tảng lúa sinh thái- hữu cơ…
Được biết, vào năm 1988 một quần thể sếu đầu đỏ 1.086 con đã được ghi nhận ở Vườn quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp). Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, loại chim quý hiếm này đã không còn xuất hiện ở đây.
Chính vì vậy, UBND tỉnh Đồng Tháp đã có đề án khôi phục và phát triển sếu đầu đỏ như nêu trên ở Vườn quốc gia Tràm Chim, vốn là biểu tượng của địa phương này.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/bao-gio-seu-dau-do-quay-ve-vuon-quoc-gia-tram-chim/