Bao giờ thế giới có vaccine ung thư?

Không giống các loại vaccine truyền thống ngừa bệnh, vaccine điều trị ung thư cá nhân hóa được tạo ra để sử dụng cho những người đã mắc bệnh ung thư.

 Vaccine ung thư hoạt động bằng cách nhắm vào các protein trên khối u gọi là tân kháng nguyên. Ảnh minh họa: Nature.

Vaccine ung thư hoạt động bằng cách nhắm vào các protein trên khối u gọi là tân kháng nguyên. Ảnh minh họa: Nature.

Khi ung thư tiếp tục thay đổi nhiều về cả đặc điểm và diễn biến từ người này sang người khác, các nhà nghiên cứu tập trung vào các phương pháp điều trị cho mỗi người. Một tiến bộ đáng chú ý là sự xuất hiện của vaccine ung thư cá nhân hóa, được thiết kế riêng cho bệnh lý riêng biệt của từng bệnh nhân.

Vaccine ung thư cá nhân hóa là gì?

Không giống các loại vaccine truyền thống ngăn ngừa nhiễm trùng, vaccine ung thư cá nhân hóa, còn được gọi là vaccine tân kháng nguyên, được sử dụng ở những người đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư.

Vaccine hoạt động bằng cách nhắm vào các protein trên khối u gọi là tân kháng nguyên. Những protein này chỉ xuất hiện trong tế bào ung thư, là kết quả của đột biến gene và chỉ có ở một bệnh nhân cụ thể.

Theo Very Well Health, các nhà khoa học dựa vào trình tự bộ gene, quá trình kiểm tra các thành phần tế bào của con người như DNA và RNA trải qua những thay đổi khi ai đó mắc bệnh ung thư. Phân tích này cho phép các nhà nghiên cứu sử dụng một phần khối u hoặc mẫu máu để lấy thông tin về các quá trình sinh học cơ bản gây ra ung thư.

Vaccine được tạo ra nhắm vào các tế bào bị tổn thương, đồng thời tránh làm tổn hại đến những tế bào khỏe mạnh - vấn đề thường thấy với các phương pháp điều trị ung thư truyền thống như hóa trị và xạ trị.

Tiến sĩ Toni Choueiri, bác sĩ chuyên khoa ung thư tại Viện Ung thư Dana-Farber ở Boston, cho biết nhờ những tiến bộ trong giải trình tự, hiện nay chỉ mất hàng tuần để tạo ra vaccine chứ không phải hàng tháng. Ông cho biết chi phí giải trình tự cũng đang giảm, điều này sẽ giúp việc sản xuất vaccine trên quy mô lớn trở nên dễ dàng hơn.

Ưu và nhược điểm

Vaccine ung thư cá nhân hóa đều được thiết kế để cung cấp một liệu trình điều trị tùy chỉnh, nhưng không phải tất cả chúng đều hoạt động trên cùng một nền tảng.

 Vaccine cá nhân hóa sẽ là bước tiến lớn của nhân loại trong việc tìm ra và điều trị các căn bệnh nguy hiểm nhất hiện nay. Ảnh: Medpagetoday.

Vaccine cá nhân hóa sẽ là bước tiến lớn của nhân loại trong việc tìm ra và điều trị các căn bệnh nguy hiểm nhất hiện nay. Ảnh: Medpagetoday.

Một số vaccine dựa trên protein, chẳng hạn vaccine dựa trên peptide hoặc epitope, trong khi một số vaccine khác dựa trên tế bào, dựa trên virus hoặc công nghệ RNA. Theo ông Choueiri, từng loại nền tảng vaccine đều có những ưu và nhược điểm:

- Vaccine dựa trên tế bào có khả năng cao tạo ra phản ứng của hệ thống miễn dịch nhưng đắt tiền và khó sản xuất.

- Vaccine dựa trên protein và peptide dễ sản xuất hơn và có độc tính thấp nhưng khá tốn kém.

- Vaccine dựa trên virus được sản xuất đơn giản nhưng có khả năng khiến bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng.

- Vaccine dựa trên RNA giúp dễ dàng cung cấp nhiều loại kháng nguyên nhưng có thể ít nhận được phản ứng từ hệ thống miễn dịch hơn. Ngoài ra, chúng cũng yêu cầu lưu trữ đông lạnh đặc biệt.

Mặc dù vaccine cá nhân hóa là bước phát triển đầy hứa hẹn trong việc điều trị cho bệnh nhân mắc nhiều loại ung thư khác nhau, điều quan trọng cần lưu ý là chúng sẽ không thay thế các phương pháp điều trị ung thư truyền thống.

Vaccine nào đã được phê duyệt?

Hiện tại, chỉ có một loại vaccine ngừa ung thư cá nhân hóa được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt để sử dụng tại quốc gia này là Provenge (sipuleucel-T). Loại vaccine dành cho bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt di căn có ít triệu chứng và bệnh ung thư không đáp ứng với các liệu pháp giảm testosterone.

Tuy nhiên, viễn cảnh có vẻ hứa hẹn cho sự chấp thuận của FDA đối với vaccine ung thư cá nhân hóa trong tương lai. Dưới đây là các ứng cử viên vaccine đang được thử nghiệm:

Khối u ác tính

V940: Vaccine tân kháng nguyên mới dành riêng cho từng cá nhân V940 (còn được gọi là mRNA-4157) đã được thử nghiệm kết hợp với thuốc điều trị nhắm mục tiêu pembrolizumab ở những bệnh nhân có khối u ác tính giai đoạn IIIB/IV có nguy cơ cao đã được cắt bỏ hoàn toàn.
EVX-01: Vaccine dựa trên peptide EVX-01 cộng với thuốc điều trị nhắm mục tiêu pembrolizumab cho thấy nhiều hứa hẹn đối với những người bị u ác tính di căn.
EVX-02: Ở những người có khối u ác tính đã được loại bỏ hoàn toàn nhưng có nguy cơ tái phát cao, vaccine dựa trên DNA EVX-02 kết hợp với thuốc trị liệu miễn dịch nivolumab đã tạo ra phản ứng tế bào T kéo dài và khả năng sống sót không tái phát sau 12 tháng.

Ung thư tuyến tụy

Autogene cevumeran: Vaccine mRNA này, hiện trong giai đoạn thử nghiệm 2, mang lại hy vọng cho những người mắc bệnh ung thư tuyến tụy.

Ung thư phổi không phải tế bào nhỏ

Tedopi: Kết quả tích cực trong thử nghiệm giai đoạn 3 đánh giá nó chống lại hóa trị liệu ở những bệnh nhân có dấu ấn sinh học HLA-A2 bị ung thư phổi không phải tế bào nhỏ.

Ung thư buồng trứng

UPCC 19809 và UPCC 29810: Hai loại vaccine ngừa ung thư buồng trứng này đang trong giai đoạn thử nghiệm 1 và 2, đều sử dụng protein thu được từ tế bào khối u của bệnh nhân.

Mai Phương

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/bao-gio-the-gioi-co-vaccine-ung-thu-post1492533.html