Bạo hành trẻ không thể chấm dứt nếu cộng đồng còn thờ ơ
Sự thờ ơ, nhận thức sai lệch của một bộ phận người dân và người có trách nhiệm chính là một trong những nguyên nhân khiến vấn nạn bạo hành trẻ em vẫn kéo dài, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng và không ít bi kịch.
Sự im lặng của cộng đồng
Sự việc người phụ nữ 35 tuổi bạo hành dã man bé trai 8 tuổi ở quận 12, TP HCM đang gây bức xúc trong dư luận. Từ các clip quay lại những cuộc bạo hành ở nhiều góc quay khác nhau cho thấy, người phụ nữ tên T. đã nhiều lần đánh đập, hành hạ cháu bé. Người này không cho cháu mặc quần áo, trói cháu vào cột điện hoặc có khi đuổi cháu bé chạy quanh khu dân cư, liên tục dùng chổi đánh vào người cháu bé khiến cháu kêu la vẫn không dừng tay.
Sau khi cư dân trong khu vực này báo cơ quan chức năng, đồng thời các video nói trên lan truyền trên mạng xã hội, người phụ nữ trên đã bị cơ quan công an bắt khẩn cấp. Trong lời khai, chị này cho biết chỉ là hàng xóm của cháu bé. Cha ruột cháu bé bận đi làm nên nhờ chị giữ giùm cháu khi nghỉ hè. Hàng xóm cũng cung cấp thông tin, trước đây, người phụ nữ này từng vài lần đánh đập cháu, hàng xóm có can ngăn nhưng bị chị này chửi bới.
Câu hỏi đặt ra là vì sao việc cháu bé bị bạo hành đã diễn ra một thời gian nhưng đến nay mới được đưa đến cơ quan chức năng, đưa ra công luận? Trong khi đó, người bạo hành cháu bé chỉ là người ngoài, cháu bé còn có cha ruột đang sống cùng?
Đây không phải là trường hợp cá biệt. Trong số hàng ngàn vụ bạo hành trẻ em diễn ra hàng năm có không ít là trường hợp trẻ bị bạo hành không chỉ một lần. Có những sự việc trẻ bị bạo hành bởi người thân, cha mẹ, hàng xóm, hoặc bạn bè, thầy, cô giáo... Sự việc lặp đi lặp lại, kéo dài nhiều tháng, nhiều năm, có sự chứng kiến của những người xung quanh nhưng dường như ít người quyết liệt lên tiếng, can thiệp, báo cho cơ quan chức năng.
Có cả những trường hợp, cha mẹ bạo hành con cái thường xuyên, chính quyền địa phương có biết, có nghe “phong thanh”, nhưng không có động thái gì để xử lý vì cho rằng đó là “chuyện nhà”.
Việc trẻ bị bạo hành kéo dài mà không có sự can thiệp kịp thời đã dẫn đến nhiều hậu quả đáng buồn khi các em bị tổn thương sức khỏe, tinh thần nghiêm trọng, bị lệch lạc về nhận thức, mắc một số bệnh tâm lý, thậm chí có những trẻ nhận cái chết thương tâm.
Chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu “biết mà không cứu”
Pháp luật đã có quy định về chế tài xử phạt đối với hành vi bạo hành trẻ em về thể chất, tinh thần. Điều 22 Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định về mức xử phạt đối với hành vi bạo lực trẻ em quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm gây tổn hại tinh thần trẻ ở mức độ nhẹ. Còn đối với hành vi bạo hành nếu gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) bao gồm các tội sau: (Điều 134) tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”; (Điều 128) tội “Vô ý làm chết người”; (Điều 123) tội “Giết người”; (Điều 140) tội “Hành hạ người khác”.
Tuy nhiên, điều quan trọng không chỉ là xử lý những hành vi vi phạm khi đã xảy ra, mà làm sao để ngăn chặn sự lan tràn của bạo hành, chấm dứt những hậu quả xấu xảy đến từ hành vi bạo hành trẻ em. Trả lời báo chí nhiều lần về vấn đề này, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, những hỗ trợ, can thiệp khẩn cấp liên quan đến những trường hợp trẻ bị xâm hại được quy định rất rõ trong Luật Trẻ em và Nghị định 56 của Chính phủ. Trong trường hợp khẩn cấp, người dân có thể gọi Tổng đài 111 hoặc 113. Tổng đài 111 còn có tác dụng tiếp tục theo dõi, giám sát, tư vấn. Trong trường hợp cơ quan chức năng chưa can thiệp, tổng đài 111 sẽ đôn đốc.
Theo ông Đặng Hoa Nam, Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 có điểm đáng lưu ý là tố cáo bắt buộc liên quan đến hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em. Với các vụ việc liên quan đến trẻ em thì chỉ cần nghi ngờ là phải tố cáo, còn có đúng hay không, phân định mức độ nguy hiểm là thuộc về cơ quan chức năng. Sau khi xem xét, nếu có kết luận không phải bạo hành thì người thông báo, tố cáo không mắc quy định cung cấp thông tin sai sự thật. Quy định này được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng, không riêng Việt Nam. Nếu đã có tin báo mà lực lượng chức năng không can thiệp kịp thời, để xảy ra hậu quả nào đó thì pháp luật có chế tài xử lý.
Được biết, mọi cuộc gọi đến, đi từ 111 đều được bảo mật và ghi âm làm bằng chứng. Hiện chưa có cán bộ chuyên trách bảo vệ trẻ em ở cấp xã nhưng pháp luật quy định những người có trách nhiệm bảo vệ trẻ em như công chức Bộ LĐ-TB&XH; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ; Đoàn Thanh niên và đặc biệt là chủ tịch UBND cấp xã. Khi chủ tịch UBND xã, thị trấn, phường tiếp nhận thông tin từ Tổng đài 111, đặc biệt trong tình trạng khẩn cấp là người dân báo đứa trẻ đang bị đánh, thì dù bất kỳ thời gian nào trong ngày, nếu không kịp thời can thiệp thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.