Bảo hiểm nông nghiệp giúp người chăn nuôi yên tâm sản xuất

Nhằm giảm thiểu rủi ro trong chăn nuôi và giúp người dân yên tâm sản xuất, mới đây, ngày 13/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 13/2022 về chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) đến năm 2025. Đây tiếp tục là đòn bẩy giúp các hộ đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, thúc đẩy chăn nuôi phát triển.

Nhờ tham gia bảo hiểm nông nghiệp cho đàn bò sữa, gia đình anh Nguyễn Đức Hoàn, thành viên HTX chăn nuôi và phát triển bò sữa Thái Hòa yên tâm đầu tư sản xuất mỗi năm trừ chi phí thu lãi từ 150 - 200 triệu đồng. Ảnh: Thế Hùng

Nhờ tham gia bảo hiểm nông nghiệp cho đàn bò sữa, gia đình anh Nguyễn Đức Hoàn, thành viên HTX chăn nuôi và phát triển bò sữa Thái Hòa yên tâm đầu tư sản xuất mỗi năm trừ chi phí thu lãi từ 150 - 200 triệu đồng. Ảnh: Thế Hùng

Theo Quyết định số 13, đối tượng được hỗ trợ phí BHNN gồm cây trồng (lúa, cao su, hồ tiêu, điều, cà phê); vật nuôi (trâu, bò, lợn); nuôi trồng thủy sản; đồng thời quyết định quy định cụ thể địa bàn được hỗ trợ phí BHNN.

Theo đó, 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có Vĩnh Phúc được hỗ trợ phí BHNN đối với trâu, bò. Mức hỗ trợ 90% phí BHNN đối với cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ 20% phí BHNN đối với cá nhân sản xuất nông nghiệp không thuộc hộ nghèo, cận nghèo.

Thời gian thực hiện hỗ trợ phí BHNN từ ngày 24/6/2022 đến hết ngày 31/12/2025.

Vĩnh Phúc là địa phương có ngành chăn nuôi phát triển, nhất là chăn nuôi trâu, bò. Tính đến 30/4/2022, toàn tỉnh có gần 18 nghìn con trâu, hơn 100 nghìn con bò. Để nâng cao chất lượng đàn vật nuôi, tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện lai tạo các giống bò sữa, bò thịt có năng suất, chất lượng; áp dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi vỗ béo bò thịt.

Riêng 4 tháng đầu năm 2022, sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng đạt hơn 2.300 tấn, sản lượng sữa bò tươi đạt 19.300 tấn, tăng gần 15% so với cùng kỳ đem lại nguồn thu nhập cao cho người chăn nuôi.

Tuy nhiên, do thời tiết, thiên tai, dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường nên trong quá trình chăn nuôi nguy cơ xảy ra thiệt hại khó tránh khỏi.

Nhằm hỗ trợ người dân gặp rủi ro, dịch bệnh trong chăn nuôi, năm 2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 315/2011 về triển khai thí điểm BHNN. Sau 3 năm thực hiện (2011-2013), toàn tỉnh có gần 6.000 hộ tham gia BHNN. Trong đó, hộ nghèo chiếm 85,4%; hộ cận nghèo chiếm 3%; hộ không thuộc diện nghèo, cận nghèo chiếm 11,7%.

Tổng giá trị bảo hiểm đạt gần 446 tỷ đồng; tổng phí bảo hiểm đạt gần 15 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 13,8 tỷ đồng.

Trong 2 năm (2018-2019), Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 58/2018 về bảo hiểm nông nghiệp, Quyết định số 22/2019 về thực hiện chính sách hỗ trợ BHNN. UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách BHNN; giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và địa phương rà soát, lựa chọn địa điểm triển khai.

Ngày 1/7/2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1540 về việc phê duyệt danh sách đối tượng được hỗ trợ phí BHNN đối với trâu, bò theo Nghị định 58 của Chính phủ với tổng số 1.351 hộ tại 16 xã thuộc 6 huyện với tổng đàn trâu, bò là 3.244 con, trong đó có 67 hộ nghèo, 273 hộ cận nghèo và 1.011 hộ khác. Tính đến ngày 31/7/2021, trên địa bàn tỉnh chưa phát sinh hợp đồng bảo hiểm trâu, bò của các tổ chức, cá nhân.

Ông Hà Quang Thành, Trưởng phòng Bảo hiểm số 4, Công ty Bảo Việt Vĩnh Phúc cho biết: Thời gian qua, số hộ tham gia BHNN còn khá khiêm tốn so với tổng hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Nguyên nhân là do các sản phẩm bảo hiểm áp dụng chính sách hỗ trợ phí đối với trâu, bò chưa đa dạng, điều khoản quy tắc chưa hấp dẫn người nông dân như phí bảo hiểm cao, phạm vi các loại dịch bệnh được hưởng bảo hiểm ít; quy trình, thủ tục xác định thiệt hại, bồi thường khá phức tạp nên người chăn nuôi không mấy mặn mà.

Mặt khác, BHNN có tính thời vụ, rủi ro cao, khó kiểm soát việc tuân thủ quy trình sản xuất của nông dân, thủ tục để tham gia chính sách hỗ trợ rườm rà nên ít doanh nghiệp đăng ký tham gia thực hiện.

Để tháo gỡ khó khăn, bất cập trong triển khai thực hiện, ngày 13/5/2022, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 13/2022/ về tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ BHNN đến năm 2025.

Ông Hà Minh Luân, xã Thái Hòa (Lập Thạch) cho biết: Trâu, bò là vật nuôi có giá trị lớn và là kế sinh nhai của các hộ nông dân, tuy nhiên, trong quá trình nuôi nhiều khi không tránh khỏi rủi ro dịch bệnh. Vì vậy, việc tham gia BHNN sẽ giúp người chăn nuôi yên tâm đầu tư sản xuất, thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Đặc biệt, Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ ban hành đã mở rộng một số rủi ro được hỗ trợ đối với trâu, bò; xây dựng các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp phù hợp với nhu cầu của người dân.

Để chính sách BHNN đi vào cuộc sống, bên cạnh các cơ chế chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh có thể xem xét hỗ trợ thêm chi phí BHNN cho người chăn nuôi; mở rộng một số rủi ro được hỗ trợ phù hợp với thực tế trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo đảm ổn định an sinh xã hội nông thôn, thúc đẩy chăn nuôi phát triển bền vững.

Mai Liên

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/77977/bao-hiem-nong-nghiep-giup-nguoi-chan-nuoi-yen-tam-san-xuat.html