Bảo hiểm nông nghiệp: mua và bán vẫn 'đường ai nấy đi'
Được thí điểm từ rất sớm, nhưng bên doanh nghiệp bán bảo hiểm và bên mua là nông dân vẫn 'đường ai nấy đi'. Bảo hiểm nông nghiệp thất bại vì nhiều lý do, trong đó, quan trọng nhất là sản phẩm nông dân cần thì chưa có, nhưng sản phẩm có nông dân lại ít quan tâm.

Thị trường bảo hiểm nông nghiệp ngày càng nhỏ dần. Ảnh: Trung Chánh
“Teo tóp” qua thời gian!
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), cho biết sau hơn 6 năm triển khai nghị định về bảo hiểm nông nghiệp (Nghị định 58/2018/NĐ-CP) và các quyết định hỗ trợ có liên quan, kết quả của chính sách vẫn còn rất nhiều hạn chế.
Theo đó, dù sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp đã mở rộng thêm cho một số đối tượng cây trồng như cao su, cà phê, tiêu và thủy sản có thêm cá tra…, nhưng vẫn chưa được triển khai trên thực tế vì người tham gia không có.
Tại hội thảo “Giải pháp phát triển bảo hiểm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2025” diễn ra ở thành phố Cần Thơ mới đây, ông Trần Minh Hiếu, Đại diện Cục quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, rủi ro bảo hiểm chi trả bồi thường được quy định theo từng đối tượng riêng.
Chẳng hạn, cây lúa có phạm vi bảo hiểm gồm 19 rủi ro thiên tai và 2 rủi ro dịch bệnh; các loại cây công nghiệp (cà phê, cao su) chỉ bảo hiểm rủi ro thiên tai; vật nuôi có phạm vi bảo hiểm gồm 17 rủi ro thiên tai và 4 rủi ro dịch bệnh; thủy sản (tôm, cá tra) phạm vi được bảo hiểm gồm 16 rủi ro thiên tai, không bảo hiểm rủi ro dịch bệnh.
Đối tượng tham gia bảo hiểm nông nghiệp, nếu là hộ nghèo và cận nghèo được ngân sách hỗ trợ 90% phí bảo hiểm, trong khi các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp không thuộc diện nghèo, cận nghèo sẽ được ngân sách hỗ trợ ở mức 20%.
Dù được hỗ trợ phí bảo hiểm, nhưng giai đoạn 2019-2021, bảo hiểm cho cây lúa chỉ có 2/7 tỉnh triển khai là Nghệ An và Thái Bình (Thái Bình hiện là tỉnh Hưng Yên); bảo hiểm cho trâu, bò có 2/8 tỉnh triển khai là Bình Định (hiện thuộc tỉnh Gia Lai) và Hà Giang (hiện thuộc tỉnh Tuyên Quang); bảo hiểm cho tôm sú và tôm thẻ chân trắng không có địa phương nào triển khai.
Theo ông Hiếu, đến giai đoạn 2022-2025, chỉ có 1/14 địa phương triển khai bảo hiểm nông nghiệp là Hà Giang (tỉnh Tuyên Quang hiện nay), với người nuôi trâu bò, trong khi cây trồng và thủy sản không còn được triển khai.
Một con số đáng chú ý, đó là giai đoạn 2019-2021, có 16.731 hộ tham gia với tổng giá trị được bảo hiểm là 146 tỉ đồng; tổng phí mua bảo hiểm gần 7 tỉ đồng, trong đó, ngân sách hỗ trợ 5,72 tỉ đồng. Tuy nhiên, sang giai đoạn 2022 đến nay, chỉ còn 3.630 hộ tham gia, với tổng giá trị bảo hiểm gần 71 tỉ đồng; tổng phí bảo hiểm là 2,6 tỉ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 2,3 tỉ đồng.
Ông Thịnh của Cục kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, cho biết tổng số tiền được các doanh nghiệp bảo hiểm chi trả bồi thường thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân là nông dân tham gia thời gian qua là khoảng 198 triệu đồng.
Ông Bùi Gia Anh, Tổng thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, đánh giá dù nhà nước và các doanh nghiệp bảo hiểm rất quan tâm, nhưng việc triển khai còn rất nhiều trở ngại.
Theo ông Gia Anh, giai đoạn 2011-2013, tức trong 3 năm đã thu hút được hơn 300.000 hộ dân và tổ chức tham gia bảo hiểm, doanh thu đạt khoảng 394 tỉ đồng, tức con số lớn hơn giai đoạn 2019-2021 như đã nêu ở trên.
Tuy nhiên, việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp ngày càng “đi xuống” khi cả giai đoạn từ 2019-2024, tức trong 6 năm, 14 đơn vị cung cấp dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp đạt mức doanh thu chỉ còn 283 tỉ đồng, chiếm chưa đến 0,1% tổng doanh thu toàn thị trường bảo hiểm. “Rõ ràng, việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp rất hạn chế”, ông Gia Anh nhấn mạnh.

Cung cầu sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp vẫn chưa gặp nhau. Ảnh: Trung Chánh
Cần không có, có thì không cần!
Ông Hiếu của Cục quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), nhấn mạnh sản phẩm bảo hiểm thiếu linh hoạt chính là lý do không hấp dẫn được bên mua.
Chẳng hạn, với sản phẩm bảo hiểm cho thủy sản là tôm sú và tôm thẻ chân trắng, hiện nay tỷ lệ bị thiệt hại của nhóm này lên đến khoảng 60-70% với nguyên nhân chính là do dịch bệnh nhưng sản phẩm bảo hiểm chỉ dừng lại ở phạm vi rủi ro thiên tai, không bảo hiểm dịch bệnh.
Hay đối với cây lúa, ĐBSCL là vùng trọng điểm sản xuất lương thực của cả nước, nhưng nông dân vẫn không mặn mà bởi tỷ lệ bị thiệt hại để được bảo hiểm chi trả bồi thường là rất thấp!.
Ông Huỳnh Thiện Tín, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Trường Thành (tỉnh Đồng Tháp), đơn vị có 146 thành viên, nhưng chỉ có 9 thành viên tham gia bảo hiểm cho cây lúa với diện tích 30 héc ta.
Theo ông, loại bảo hiểm được nông dân mua là bảo hiểm chỉ số thời tiết, trong đó, quy định để được “kích hoạt” chi trả bồi thường với sản phẩm do Công ty bảo hiểm PVI Tây Nam cung cấp là “mưa 5 ngày liên tục, với lưu lượng 200 mm”, trong khi của Công ty MIC Tiền Giang là “mưa 7 ngày liên tục trong tháng 8, 9 và 10 với lưu lượng 225 mm”. “Đây là mức quy định cao so với thực tế khu vực tỉnh Đồng Tháp nên khi tham gia bảo hiểm rất khó được bồi thường”, ông Tín cho biết.
Rõ ràng, không ai muốn sản phẩm cây trồng, vật nuôi bị thiệt hại trong quá trình sản xuất, nhưng sản phẩm bảo hiểm/điều kiện để được chi trả bồi thường ở mức “hiếm khi xảy ra” như trường hợp nêu trên, thì nông dân không mặn mà cũng là điều dễ hiểu, dù có sự hỗ trợ chi phí tham gia từ ngân sách.
Ông Hiếu nêu thực trạng, thủ tục phê duyệt hỗ trợ phí tham gia bảo hiểm phức tạp, mất thời gian, trong khi doanh nghiệp bảo hiểm bị hạn chế về nguồn lực, thậm chí ít đơn vị tham gia loại hình bảo hiểm nông nghiệp cũng là lý do khiến bảo hiểm nông nghiệp không phát triển.
Theo ông Thịnh, khi tham gia bảo hiểm, nông dân phải tuân thủ tiêu chuẩn, quy trình sản xuất để hạn chế rủi ro, giúp đóng góp cho ngành nông nghiệp trong việc gia tăng chất lượng sản phẩm. “Khi tham gia bảo hiểm, hồ sơ sản phẩm nông nghiệp sẽ được minh bạch, giúp chuỗi giá trị vận hành tốt hơn”, ông cho biết.
Ngoài ra, theo ông Thịnh, việc tham gia bảo hiểm cũng là cơ sở giúp các tổ chức, cá nhân dễ dàng tiếp cận nguồn tín dụng từ ngân hàng hoặc sự đồng hành của các cơ chế khác nhau, giúp ngành nông nghiệp thu hút được đầu tư.
Mặc dù vậy, việc triển khai đã có những hạn chế liên quan tổ chức thực hiện như khẩu xác nhận, chứng nhận rủi ro hoặc bảo hiểm chậm ứng dụng công nghệ trong việc thực hiện bảo hiểm. “Tất cả câu chuyện đó làm ngành bảo hiểm nông nghiệp hiện nay không đạt kết quả như kỳ vọng, chiếm chưa đến 0,1% trong tổng doanh thu bảo hiểm cả nước, trong khi ngành nông nghiệp thu hút đến khoảng 30% lao động và doanh thu xuất khẩu lên đến gần 63 tỉ đô la Mỹ năm 2024”, ông Thịnh cho biết.
Thực trạng nhỏ lẻ của ngành nông nghiệp cũng gây khó khăn, nhất là quá trình thu thập dữ liệu, công tác giám định tổn thất và quản lý rủi ro của các doanh nghiệp bảo hiểm nông nghiệp. “Chính vì vậy, dẫn đến việc thu xếp những chương trình tái bảo hiểm chưa hiệu quả”, ông Gia Anh nhấn mạnh.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/bao-hiem-nong-nghiep-mua-va-ban-van-duong-ai-nay-di/