Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ lao động ảnh hưởng Covid-19
ĐBP - Ngày 24/9/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP và ngày 1/10/2021 ban hành Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Triển khai trên địa bàn tỉnh, gói hỗ trợ đã kịp thời giúp nhiều đối tượng đảm bảo cuộc sống, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Người dân đến giải quyết thủ tục tại BHXH huyện Điện Biên.
Theo đó, gói hỗ trợ theo Nghị quyết 116 được thực hiện 1 lần bằng tiền đối với người lao động đang tham gia BHTN bị tác động tiêu cực đến việc làm, thu nhập và những người lao động đã từng tham gia BHTN do bị mất việc làm từ 1/1/2020 - 30/9/2021; người sử dụng lao động gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, phải đầu tư một khoản kinh phí lớn cho công tác phòng, chống dịch. Có 6 mức hỗ trợ đối với người lao động, thấp nhất là 1,8 triệu đồng/người, tương ứng với thời gian đóng BHTN dưới 12 tháng và cao nhất là 3,3 triệu đồng/người tương ứng thời gian đóng BHTN đủ 132 tháng trở lên. Ngay sau khi Nghị quyết số 116/NQ-CP và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg được ban hành, BHXH tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh; phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng thành viên; thực hiện ngay việc truyền thông, đăng thông tin lên Trang thông tin điện tử của BHXH tỉnh và các phương tiện truyền thông đại chúng tại địa phương. BHXH tỉnh cũng đã tăng cường tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính; hướng dẫn người lao động cài ứng dụng VssID-BHXH số để đối chiếu quá trình tham gia BHXH, BHYT, BHTN của bản thân… giúp người lao động không mất thời gian, công sức khi giao dịch với BHXH. Nhờ đó, đến ngày 10/12/2021 BHXH tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết và chi trả cho 9.733 lao động (8.085 người lao động đang tham gia BHTN và 1.648 lao động đã dừng tham gia được hỗ trợ) với số tiền đã chi trả 24,2 tỷ đồng.
Anh Hoàng Thanh T., xã Thanh Xương, huyện Điện Biên trước đây làm việc trong lĩnh vực xây dựng tại nhiều công ty, đơn vị khác nhau. Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên anh phải nghỉ việc tại công ty cũ để trở về Điện Biên. Hiện nay, công việc của anh chưa ổn định trở lại nên thu nhập bị ảnh hưởng không nhỏ. May mắn, trước anh có tham gia và bảo lưu thời gian đóng BHTN nên được hỗ trợ từ gói Quỹ BHTN của Chính phủ. “Biết gói hỗ trợ này nên tôi đến cơ quan BHXH tỉnh nhận hỗ trợ. Mọi trình tự làm hồ sơ, thủ tục nhận hỗ trợ rất nhanh chóng, cán bộ BHXH tỉnh hướng dẫn tận tình. Tôi chỉ việc đăng ký, cài đặt ứng dụng VssID sau đó cung cấp số tài khoản ngân hàng sau một thời gian tiền hỗ trợ được cơ quan BHXH chuyển đến. Được quan tâm trợ cấp thế này tôi và nhiều lao động khác đều vui, vì có thêm một khoản để yên tâm vượt qua dịch” - anh Hoàng Thanh T. phấn khởi nói.
Ngoài ra, cũng trong gói hỗ trợ này, BHXH tỉnh thực hiện giảm đóng vào quỹ BHTN cho người sử dụng lao động khi kịp thời triển khai thực hiện việc rà soát dữ liệu đối với 1.492 đơn vị và 28.986 người lao động đang tham gia BHTN trên địa bàn toàn tỉnh. Qua rà soát, xác định trên địa bàn tỉnh có 706 đơn vị đủ điều kiện được hỗ trợ giảm mức đóng BHTN cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và 12.540 người lao động đang tham gia BHTN thuộc diện được hưởng hỗ trợ. Ngay đầu tháng 10/2021, BHXH tỉnh đã hoàn thành việc gửi thông báo chi tiết số tiền được giảm đến 706 đơn vị và thực hiện giảm thu BHTN đối với người sử dụng lao động 12 tháng từ 1/10/2021 đến 30/9/2022; lập danh sách theo mẫu gửi đến 706 đơn vị với tổng số 12.540 NLĐ đang tham gia BHTN thuộc diện được hưởng hỗ trợ. Trong số này có 2 đơn vị với 258 lao động tự nguyện không nhận hỗ trợ. Tính đến ngày 10/12/2021, có 644 đơn vị đề nghị và được phê duyệt giảm mức đóng vào Quỹ BHTN cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 với 8.275 lao động, số tiền hơn 1,2 tỷ đồng. Việc hỗ trợ này phần nào giúp người sử dụng lao động có thêm chi phí duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh và chuỗi cung ứng lao động, thể hiện tính nhân văn, ưu việt của chính sách BHTN.