Bảo hiểm và Ngân hàng bắt tay: Người dân thua thiệt nghìn tỷ
Mới đây, Thanh tra Bộ Tài chính đưa ra số liệu giật mình về tình trạng các ngân hàng bán bảo hiểm cho người vay. Tuy nhiên, có ngân hàng, ngay trong năm đầu tiên đã có tới 73% khách hàng hủy hợp đồng bảo hiểm sau khi được giải ngân khoản vay.
Ảnh minh họa
Muốn vay vốn phải mua bảo hiểm
Anh P.H.T, ở phường Kim Tân, thành phố Lào Cai, chia sẻ: "Quá khó khăn mới phải thế chấp cả nhà đất để vay vốn ngân hàng. Nhưng họ ép mình mua bảo hiểm mới được vay. Lúc cần vốn quá rồi thì cắn răng chấp nhận thôi. Vay được tiền thì mình cũng đành bỏ hợp đồng bảo hiểm, bởi đã khó khăn về vốn liếng, thì tiền đâu mà chạy theo đóng cho ông bảo hiểm hàng bao nhiêu năm nữa."
Ông Nguyễn Anh Thái, chủ doanh nghiệp ở Văn Giang, Hưng Yên, ngậm ngùi: "Lâu nay, dư luận phản ứng rất gay gắt với hình thức "bán bia kèm lạc" của các ngân hàng, tức là ép mua bảo hiểm khi đến vay vốn. Nhưng mọi việc dường như "đâu vẫn hoàn đấy".
Chỉ đến khi Bộ Tài chính công bố kết luận thanh tra, dân tình mới thấy lợi nhuận từ hình thức kinh doanh ép buộc này quá lớn, quá béo bở, nên doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng mới gắn bó với nhau như vậy. Chỉ có người dân, vốn đã khó khăn thì mới đi vay vốn, nay muốn vay được vốn lại mất thêm một khoản tiền cho bảo hiểm dù họ không hề có ý định mua".
Ngày nay, mô hình cung cấp bảo hiểm cho khách hàng thông qua hình thức mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch ngân hàng (kênh bancass), diễn ra khá phổ biến. Những người dân mua bảo hiểm qua kênh bancass, đa phần là người trong hoàn cảnh "yếu thế". Họ vì muốn vay được tiền ngân hàng, nên mới chấp nhận "bị ép" ký hợp đồng mua bảo hiểm nhân thọ. Như thế, sau khi vay được tiền, đồng nghĩa với việc họ bị mất thêm một khoản chi phí mà họ không mong muốn.
Doanh nghiệp bảo hiểm thu nhiều nghìn tỷ qua kênh bancass
Trước đó, tình trạng người dân tụ tập phản đối doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng đã có các hình thức "ép buộc" mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm liên kết đầu tư, khi họ cần vay vốn hoặc gửi tiền tín dụng ngân hàng.
Khi sự việc gây bức xúc dư luận xã hội, lãnh đạo Bộ Tài chính chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức thanh tra, kiểm tra việc bán bảo hiểm qua ngân hàng.
Kết luận thanh tra 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ lớn được Bộ Tài chính công bố cho thấy, mô hình cung cấp bảo hiểm cho khách hàng thông qua hình thức mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch ngân hàng (kênh bancass) xuất hiện ở nhiều doanh nghiệp, trong đó có MB Ageas, BIDV Metlife và Sunlife.
Chiều ngày 4/7/2023, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho hay: "Nghị quyết của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, khóa XV đã ban hành, Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ triển khai một cách nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của Quốc hội. Chúng tôi sẽ có kế hoạch triển khai nội dung yêu cầu về thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm, trong đó tập trung vào bảo hiểm liên kết đầu tư.
Kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong thời gian tới, từ nay tới hết năm 2023, Bộ Tài chính sẽ thanh tra, kiểm tra 10 doanh nghiệp bảo hiểm. Trong đó, có cả doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ."
Kết quả thanh tra cho thấy, kênh huy động bancass chiếm tỷ lệ cao trong số lượng hợp đồng và doanh thu bảo hiểm nhân thọ mới. Tuy nhiên, ngay sau năm đầu đóng bảo hiểm mua mới này có rất nhiều khách hàng hủy hợp đồng. Và ngay lập tức họ bị mất luôn số tiền mua năm đầu, vì bị "trôi" hợp đồng do quá hạn, dẫn đến mất hiệu lực.
Cụ thể, trong năm 2021, Công ty MB Ageas có doanh thu phí bảo hiểm qua kênh bancass đạt hơn 4.466 tỷ đồng. Đơn vị này phát hành mới hơn 66.757 hợp đồng bảo hiểm qua kênh bancass. Tuy nhiên, trong đó có gần 4.000 hợp đồng bị hủy trong thời gian cân nhắc. Sau năm đầu tiên, có 32,4% hợp đồng bảo hiểm mới qua kênh bancass bị hủy.
Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ BIDV Metlife, có doanh thu năm 2021 là 1.565 tỷ đồng, đơn vị này phát hành hơn 21.000 hợp đồng bảo hiểm qua kênh bancass, sau năm đầu tiên có tới 39,4% khách hàng hủy hợp đồng.
Năm 2021, Công ty Sun Life có tổng doanh thu qua kênh bancass đạt hơn 2.038 tỷ đồng. Đơn vị này phát hành mới 80.117 hợp đồng bảo hiểm qua kênh bancass. Tỷ lệ hủy bỏ và chấm dứt hợp đồng bảo hiểm sau năm thứ nhất của các hợp đồng phát hành qua TPB đạt 73%, qua ACB ở mức 39%.
Với việc hàng vạn hợp đồng bảo hiểm nhân thọ bị bỏ sau năm đầu tiên, đã đem về cho các công ty bảo hiểm hiểm nhân thọ cả nghìn tỷ và ngân hàng đương nhiên được hưởng lợi từ sự "chia chác" số tiền trên. Chỉ có người dân là thiệt thòi, họ phải bất đắc dĩ coi khoản tiền mua bảo hiểm nhân thọ kia như "chi phí lót đường" để vay được vốn từ ngân hàng.