Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa 30 năm xây dựng, phát triển vì nền an sinh xã hội

Vượt lên những khó khăn, qua 30 năm xây dựng và phát triển, tập thể cán bộ, công chức, người lao động BHXH tỉnh Thanh Hóa đã không ngừng phấn đấu vươn lên và đạt được những bước tiến vững chắc trong việc tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.

BHXH huyện Nga Sơn truyền thông vận động người dân tham gia BHYT, BHXH tự nguyện.

BHXH huyện Nga Sơn truyền thông vận động người dân tham gia BHYT, BHXH tự nguyện.

Xác định công tác truyền thông là “chìa khóa” để thực hiện hiệu quả việc phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHXH tỉnh Thanh Hóa đã triển khai đa dạng, linh hoạt các hình thức truyền thông phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương. Ngành BHXH đã tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị, để triển khai có hiệu quả công tác truyền thông về BHXH, BHYT. Trong đó chú trọng truyền thông tại cơ sở, trên môi trường internet, mạng xã hội, trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin; mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác truyền thông, các tổ chức dịch vụ thu, nhân viên thu BHXH, BHYT, cộng tác viên ở cơ sở để xây dựng đội ngũ có đầy đủ kỹ năng trong thực hiện công tác truyền thông. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của Nhân dân về vị trí, ý nghĩa, vai trò của chính sách BHXH, BHYT trong hệ thống an sinh xã hội. Nếu như năm 2007, toàn tỉnh có 140.000 lao động tham gia BHXH bắt buộc và gần 150.000 người tham gia BHYT, thì đến nay, số người tham gia BHXH bắt buộc đã tăng lên trên 438.000 lao động, số người tham gia BHYT gần 3,3 triệu người, chiếm tỷ lệ bao phủ trên 94% dân số toàn tỉnh. Việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT ở khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước có chuyển biến khá.

Tại huyện Nga Sơn, trong năm 2024, số người tham gia BHXH bắt buộc đạt 12.850 người, tăng 2.293 người so với năm 2023; BHXH tự nguyện đạt 3.450 người, tăng 275 người so với năm 2023; diện bao phủ BHYT đạt 94,1% dân số, tăng 0,51% so với năm 2023, vượt 0,01% theo chỉ tiêu giao của UBND huyện, góp phần thực hiện thắng lợi chỉ tiêu, nhiệm vụ được ngành và tỉnh giao cho cũng như đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Ông Trịnh Văn Hà, Giám đốc BHXH huyện Nga Sơn, cho biết: Để trở thành điểm tựa, trụ cột về an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn, ngay từ những ngày đầu năm, BHXH huyện đã tổ chức phát động phong trào thi đua, đề ra các nội dung, chỉ tiêu thi đua cụ thể để viên chức và người lao động trong đơn vị hưởng ứng tham gia... Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, BHXH huyện đã có những giải pháp, cách làm sáng tạo mang lại hiệu quả thiết thực, đó là làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt công tác phối hợp tổ chức thực hiện BHXH, BHYT. Đồng thời, BHXH huyện đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn và các tổ chức dịch vụ thu triển khai nhiều hoạt động phổ biến, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội, nhất là nông dân, người lao động tự do về chế độ, chính sách BHXH, BHYT...

Với mục tiêu ngày càng có nhiều người được đảm bảo an sinh xã hội khi hết tuổi lao động, từ năm 2008 chính sách BHXH tự nguyện ra đời đã tạo cơ hội cho người lao động ở khu vực phi chính thức được tham gia BHXH. Sau 16 năm triển khai, hiện Thanh Hóa đã có 88.894 người tham gia BHXH tự nguyện, là một trong những tỉnh có tốc độ phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cao nhất cả nước. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng từ 68.682 người lên 414.297 người vào năm 2024. Đây là những kết quả quan trọng đánh dấu bước phát triển trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT của BHXH tỉnh Thanh Hóa trong quá trình 30 năm xây dựng và phát triển.

Với phương châm lấy người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT làm trung tâm phục vụ, BHXH tỉnh Thanh Hóa không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ thực hiện các chế độ, chính sách BHYT cho người tham gia. Theo đó, từ năm 2020 đến nay, ngành đã có nhiều đột phá trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đặc biệt là sự ra đời của ứng dụng “VssID - BHXH số” trên nền tảng thiết bị di động. Đây là một bước tiến mạnh mẽ trong công tác chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam, tạo điều kiện cho người tham gia BHXH, BHYT tiếp cận thông tin, thực hiện các dịch vụ công một cách tiện lợi, dễ dàng, nhanh chóng nhất, từng bước thực hiện việc thay thế sổ BHXH, thẻ BHYT giấy. BHXH tỉnh cũng đã xây dựng, hoàn thiện kho cơ sở dữ liệu với thông tin của trên 3,3 triệu người dân; kết nối liên thông với 684/684 cơ sở khám chữa bệnh. Hệ thống giao dịch điện tử nộp hồ sơ giao dịch trực tuyến trung bình trên 1,8 triệu hồ sơ/năm; Hệ thống thông tin giám định BHYT tiếp nhận trung bình 4,5 triệu lượt hồ sơ khám chữa bệnh BHYT.

Ông Nguyễn Văn Tám, Giám đốc BHXH tỉnh Thanh Hóa cho biết, việc tổ chức thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh đã góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, ổn định đời sống của người dân, khẳng định vai trò, ý nghĩa nhân văn của chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp luôn đồng hành, là chỗ dựa cho người tham gia và thụ hưởng chính sách. Tiếp nối những thành tựu đã đạt được, BHXH tỉnh đặt mục tiêu tiếp tục đổi mới và phát triển bền vững; chủ động tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong triển khai chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn. Phối hợp với các ngành, cơ quan có liên quan để tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT; tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị về cải cách chính sách BHXH, Luật BHXH, Luật BHYT sửa đổi; đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định mới của Luật BHXH, Luật BHYT sửa đổi, bổ sung. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tối ưu hóa các quy trình quản lý, chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua các dịch vụ công, đảm bảo tính chuyên nghiệp và hiệu quả cao.

Bài và ảnh: Tô Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/bao-hiem-xa-hoi-tinh-thanh-hoa-30-nam-xay-dung-phat-trien-vi-nen-an-sinh-xa-hoi-238817.htm