Bảo hiểm y tế - 'Chiếc phao cứu sinh' cho người bệnh lao điều trị bệnh dài ngày
Giai đoạn 2021-2025 không còn nguồn kinh phí để chi trả cho việc mua sắm thuốc chống lao hàng 1 và hàng 2 cấp miễn phí cho người bệnh. Thay vào đó, từ ngày 1/7/2022, các cơ sở điều trị lao trên toàn quốc triển khai cấp thuốc lao bằng nguồn Quỹ BHYT. Đây là khó khăn đối với bệnh nhân nghèo không có thẻ BHYT.
Việt Nam là một trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao và lao kháng thuốc cao nhất trên thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính năm 2020 có trên 172.000 người mắc và 10.400 người chết vì bệnh lao tại Việt Nam. Trước đây, thuốc chống lao hàng 1 được mua bằng nguồn ngân sách nhà nước thông qua Chương trình Mục tiêu Y tế - Dân số của Bộ Y tế để cung cấp điều trị miễn phí cho người bệnh lao. Tuy nhiên, giai đoạn 2021-2025 không còn nguồn kinh phí để chi trả cho việc mua sắm thuốc chống lao hàng 1 và hàng 2 cấp miễn phí cho người bệnh. Thay vào đó, từ ngày 1/7/2022, các cơ sở điều trị lao trên toàn quốc triển khai cấp thuốc lao bằng nguồn Quỹ Bảo hiểm Y tế (BHYT) cho bệnh nhân mắc lao. Đây là một khó khăn đối với bệnh nhân nghèo, đặc biệt là những bệnh nhân lao không có thẻ BHYT.
Gánh nặng điều trị khi người bệnh lao không có thẻ BHYT
Chị Nguyễn Thị T. sinh năm 2000, quê ở Chư Prong, Gia Lai. Gia đình chị T. rất khó khăn, bố phải chạy thận, nên chị phải lên thành phố Đà Nẵng làm việc và hàng tháng gửi tiền về phụ giúp gia đình. Sau khi đi khám tại viện sau một thời gian ho dài và sụt cân, chị T. nhận được kết quả mắc lao kháng thuốc.
Thời điểm đó, chị T. không có BHYT. Chị e dè về chi phí điều trị quá lớn, gia đình lại rất khó khăn, nhưng vì bệnh nặng nên không thể trì hoãn. Sau khi phát hiện bệnh, chị mới mua bảo hiểm y tế. Vì bảo hiểm y tế mới nên chưa có hiệu lực, chị phải tạm ứng tại bệnh viện 2 triệu đồng, chưa kể tiền ăn uống, bồi dưỡng thêm để cơ thể chịu đựng được liệu trình điều trị lao kháng thuốc khắc nghiệt..
Mặc dù các khoản điều trị nội trú được Chương trình chống lao Quốc gia chi trả, nhưng chị T. vẫn phải tự trang trải các chi phí gián tiếp như xét nghiệm, truyền dịch, đi lại, bổ sung dinh dưỡng,... Đặc biệt, do phác đồ điều trị thiếu một loại thuốc, chị T. phải mua ngoài với chi phí 700.000 đồng mỗi tháng. Hoàn cảnh khó khăn gấp bội vì chị T. mất toàn bộ thu nhập khi phải nghỉ làm để điều trị bệnh.
Khoảng trống trong bao phủ bảo hiểm y tế
Tại tỉnh Gia Lai, bình quân mỗi năm phát hiện khoảng 650 bệnh nhân mắc lao các thể, trong đó có trên 400 bệnh nhân lao phổi.
Giai đoạn 2021-2025, cả nước chung sức thi đua xây dựng nông thôn mới, nhiều xã ở Gia Lai không còn được xếp vào “Vùng 3” – xã đặc biệt khó khăn. Theo chính sách của nhà nước, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã này được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ, một trong số đó là bao cấp thẻ BHYT. Nhưng một khi đã chuyển thành xã vùng 2, chính sách này không còn được áp dụng nữa, tạo nên những khoảng trống trong bao phủ thẻ BHYT tại khu vực này.
Chị Rơ Ô H’Hóp tại xã Ia Mlah, huyện Krong Pa, Gia La là một người luôn tham gia nhiệt tình và năng nổ trong các hoạt động hỗ trợ phòng chống lao tại địa phương.
Buôn thôn chị ở nằm trong vùng “Nông thôn mới”, nên kể từ năm 2022, trừ những người cao tuổi, gia đình thuộc hộ nghèo, người được hưởng chính sách, đa phần người dân ở đây đều không có thẻ BHYT. Người dân ở đây đã quen với việc được nhà nước hỗ trợ BHYT bao nhiêu năm nay, nên khi không còn được bao cấp, không ít người chưa nắm được thông tin này. Có những người chỉ biết được điều đó khi đi khám bệnh. Và đa số họ không nắm được việc mình cần làm gì để mua BHYT và cách sử dụng ra sao?
Người dân ở đây hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số và còn nhiều hộ gặp khó khăn. Nếu không trong diện được hỗ trợ, người dân sẽ phải đóng phí 972.000 đồng/năm (4,5 lần lương cơ sở); hoặc 81.000 đồng/tháng. Với khoản thu nhập eo hẹp, chủ yếu cố gắng lo cơm ăn hằng ngày, nhiều người không có kinh phí cho chăm sóc y tế, tạo nên khoảng trống bao phủ thẻ BHYT. Họ không đủ tiền để mua BHYT cho bản thân, chưa nói đến cho cả gia đình. Có những gia đình nhiều hơn 5 thành viên, nhưng không thành viên nào có BHYT vì hoàn cảnh thiếu thốn. Có những người không biết chữ, không có phương tiện di chuyển nhưng cũng không nhờ được ai hỗ trợ.
“Người dân ở đây vẫn giữ thói quen là khi nào có bệnh rồi mới cần BHYT, nhưng khi cần mới mua thì không kịp nữa rồi” chị Hóp chia sẻ “đặc biệt là những người phát hiện lao cần nhập viện ngay và luôn, nhưng việc không có thẻ BHYT khiến họ chậm trễ trong quá trình điều trị nếu không có sự hỗ trợ”.
Ngay cả khi bệnh nhân bắt đầu mua BHYT lúc vừa phát hiện mất lao, cũng sẽ phải tự chi trả chi phí điều trị, thuốc men trong thời gian đợi thẻ có hiệu lực, đây đó cũng là một chi phí không nhỏ với các gia đình khó khăn.
“Bởi công tác tuyên truyền còn hạn chế, nên người dân không nhận thức được lợi ích của BHYT. Có nhiều người vẫn có khả năng mua, nhưng họ sẵn sàng bỏ ra chi phí nhiều hơn số tiền mua thẻ BHYT một năm cho bản thân để tự đi khám, tự đi mua thuốc", chị Hóp cho hay.
Nỗ lực hỗ trợ bệnh nhân tiếp cận bảo hiểm y tế
Thông qua các hoạt động sàng lọc lao chủ động thực hiện tại Gia Lai, SCDI phát hiện ra nhiều người có dấu hiệu bất thường nghi lao, nhưng trong số đó, khoảng 1/3 bệnh nhân chưa có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) để khám và điều trị bệnh.
Chị Trịnh Thị Thu Hương, chuyên viên phụ trách chương trình sàng lọc lao cộng đồng tại Gia Lai, thuộc Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) cho biết, qua công tác sàng lọc lao trong cộng đồng cho thấy nguồn lây trong cộng đồng còn nhiều, bệnh nhân lao kháng thuốc vẫn còn là vấn đề khó khăn trong công tác phòng chống lao tại tỉnh Gia Lai. Bệnh lao là bệnh phải điều trị lâu dài, nếu không có thẻ BHYT thì họ phải trả chi phí điều trị cả chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng với bệnh lao kháng thuốc.
Việt Nam là một trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Trong đó, 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động, phần lớn là người nghèo. Điều này cũng đồng nghĩa với muôn vàn khó khăn, thách thức để loại bỏ bệnh lao khỏi cộng đồng, đạt được mục tiêu chấm dứt căn bệnh này vào năm 2035 như đã đề ra.
BHYT là một chính sách quan trọng tại Việt Nam để tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ y tế và giảm chi phí thảm họa do gánh nặng bệnh tật gây ra và là bước quan trọng trong nỗ lực đạt bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân (Universal Health Coverage). Khi 100% bệnh nhân lao được hỗ trợ BHYT, công tác phòng chống, phát hiện và điều trị bệnh lao mới thực sự mang lại hiệu quả.
Bài 1: Bệnh lao: gánh nặng kép đè lên vai bệnh nhân nghèo
Bài 2: Những hỗ trợ hiện hành cho bệnh nhân lao
Bài 3: Bảo hiểm y tế - “Chiếc phao cứu sinh” cho người bệnh lao điều trị bệnh dài ngày