'Bão' lạm phát càn quét Mỹ: Lâu dài hay chỉ là thoáng qua?

Chỉ số CPI tháng 5/2021 tăng 'chóng mặt' của nước Mỹ đã khiến nhiều người lo ngại lạm phát có thể trở nên quá nóng trong những tháng tới. Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định, lạm phát có vẻ vẫn nằm trong danh mục tạm thời.

Áp lực lạm phát không chỉ đè nặng người tiêu dùng mà còn có nguy cơ ảnh hưởng đến sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch Covid-19. (Nguồn: AP)

Áp lực lạm phát không chỉ đè nặng người tiêu dùng mà còn có nguy cơ ảnh hưởng đến sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch Covid-19. (Nguồn: AP)

Lạm phát đè nặng lên người tiêu dùng Mỹ

Ngày 10/6, Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo cho hay, người tiêu dùng quốc gia này phải hứng chịu một đợt tăng giá với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 8/2008, ngay trước khi cuộc khủng hoảng tài chính đưa nền kinh tế lớn nhất thế giới vào vòng xoáy suy thoái tồi tệ.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2021 đã tăng 0,6% so với tháng 4/2021 và 5% trong năm qua.

Theo Bộ Lao động Mỹ, nếu không tính chi phí lương thực và năng lượng, CPI cơ bản tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất kể từ năm 1992. 1/3 mức tăng là do giá xe hơi và xe tải đã qua sử dụng cũng tăng mạnh 7,3%.

Bên cạnh đó, giá nhiều loại hàng hóa khác cũng tăng cao như đồ nội thất gia đình, tăng 0,9%; giá vé máy bay tăng 7% sau khi tăng 10,2% trong tháng 4; giá thực phẩm tăng 0,4%, trong đó giá thịt bò tăng 2,3%. Chi phí năng lượng, mặc dù không thay đổi trong tháng 5, vẫn tăng 56,2% trong năm qua.

Chỉ số CPI tháng 5/2021 cho thấy, hàng hóa và dịch vụ hiện đang có nhu cầu ngày càng tăng khi dân Mỹ đang tích cực mua sắm, đi du lịch, ăn tối và tham dự các sự kiện giải trí khi nền kinh tế mở cửa trở lại nhanh chóng.

Nhà kinh tế cấp cao của Mỹ tại Capital Economics Andrew Hunter lưu ý rằng, các bữa ăn tại nhà hàng cũng đã tăng 0,6% trong tháng trước. Đây là bằng chứng cho thấy tình trạng thiếu lao động tại các nhà hàng, khách sạn và các công ty thuộc lĩnh vực dịch vụ khác. Điều này cũng góp phần thúc đẩy người tuyển dụng lao động phải tăng lương và giá cả dịch vụ.

Carmela Romanello Schaden, sống tại Trung tâm thị trấn Rockville, New York cho biết, cô đã phải trả nhiều tiền hơn cho một loạt các mặt hàng tại tiệm làm tóc của mình.

Schaden cũng cảm thấy sốc khi thanh toán hóa đơn ăn uống. Cô cho hay, hóa đơn thực phẩm hàng tuần của cô hiện là 200-250 USD, tăng nhanh so với 175 USD hồi đầu năm.

"Giá các mặt hàng có thể tăng nhanh hơn và kéo dài hơn vì đại dịch đã gây 'rối loạn' chuỗi cung ứng. Vào mùa Thu hoặc cuối năm nay, giá hàng hóa sẽ quay trở lại bình thường". (Nhà kinh tế trưởng tại Moody's Analytics Mark Zandi).

Schaden nói: "Một gói thịt bò làm bít tết tôi thường mua với giá từ 28-32 đô la đã tăng lên 45 USD. Tôi vẫn chấp nhận mua vì đó là món ăn quan trọng trong bữa tiệc ngoài trời của gia đình. Nhưng tôi sẽ không mua lại với giá đó và đang chuyển sang thịt lợn và thịt gà".

Các nhà kinh tế lo ngại, nếu giá cả tiếp tục tăng với tốc độ cao như vậy, người tiêu dùng sẽ ngừng chi tiền. Đó sẽ là một tin rất xấu đối với nền kinh tế Mỹ vì chi tiêu tiêu dùng cũng là một trong những động lực quan trọng trên chặng đường phục hồi của quốc gia này.

Báo cáo đã góp phần củng cố lo ngại của nhóm chuyên gia nghĩ rằng, lạm phát có thể trở nên quá nóng trong những tháng tới.

Theo AP, sự thiếu hụt các mặt hàng gỗ, thép, hóa chất và chất bán dẫn, cung cấp các sản phẩm chủ chốt như ô tô và thiết bị máy tính đã buộc giá hàng hóa phải tăng lên. Và khi nhu cầu của người tiêu dùng chuyển từ hàng hóa sản xuất sang dịch vụ - chẳng hạn như giá vé máy bay, khách sạn cùng với các bữa ăn tại nhà hàng - cũng góp phần gia tăng lạm phát.

Áp lực lạm phát không chỉ đè nặng người tiêu dùng mà còn có nguy cơ ảnh hưởng đến sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch Covid-19. Một rủi ro là Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ phản ứng với việc gia tăng lạm phát bằng cách tăng lãi suất quá mạnh và làm chệch hướng phục hồi kinh tế.

Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nhiều lần bày tỏ tin tưởng rằng, lạm phát sẽ chỉ là tạm thời nhưng một số nhà kinh tế lo ngại, khi sự phục hồi kinh tế tăng tốc, người tiêu dùng chi tiêu mạnh tay trở lại thì lạm phát cũng sẽ tăng theo.

Nhà kinh tế trưởng tại Moody's Analytics Mark Zandi nhận định, giá các mặt hàng có thể tăng nhanh hơn và kéo dài hơn vì đại dịch đã gây "rối loạn" chuỗi cung ứng. Ông Zandi nhận định, vào mùa Thu hoặc cuối năm nay, giá hàng hóa sẽ quay trở lại bình thường.

Chỉ là tạm thời?

Nhận định về chỉ số CPI tháng 5/2021, nhà kinh tế toàn cầu tại The Economist Intelligence Unit Cailin Birch cho biết, mặc dù việc giá hàng hóa tăng diễn ra với tốc độ nhanh hơn dự đoán của các nhà kinh tế, nhưng không có gì ngạc nhiên.

Bà Birch nói: "Chỉ số CPI đã chạm mức thấp nhất trong cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra vào tháng 5/2020. Điều này kết hợp với mức tăng giá mạnh gần đây ở một số khu vực cụ thể chắc chắn sẽ đẩy lạm phát tăng mạnh hơn. Đừng quá lo lắng, lạm phát sẽ giảm trở lại phạm vi 2-3% trong nửa cuối năm".

"Sự gia tăng lạm phát mạnh hơn dự kiến, nhưng có vẻ như nó vẫn nằm trong danh mục tạm thời". (Chuyên gia John Briggs của NatWest Markets)

Đến thời điểm hiện tại, các quan chức Fed nhiều lần khẳng định, lạm phát cao hơn là hậu quả tạm thời của việc nền kinh tế mở cửa nhanh chóng trở lại, với nhu cầu tiêu dùng tăng nhanh và việc thiếu nguồn cung và nhân công để theo kịp nhu cầu này.

Các quan chức của Fed mô tả, giai đoạn lạm phát tăng cao như hiện nay là nhất thời, có nghĩa là lạm phát chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Các quan chức cho hay, giá sẽ tăng cao trong vài tháng do nhu cầu bị dồn nén và chuỗi cung ứng đang bị đảo lộn.

Các quan chức trong chính quyền Tổng thống Biden cũng cho rằng, các thước đo lạm phát hiện nay đang ở trạng thái đặc biệt bởi nó được so sánh với số liệu trong những tháng đầu của đại dịch, khi lạm phát giảm và nền kinh tế đóng cửa. Trong những tháng tới, lạm phát có thể sẽ giảm dần.

Các nhà đầu tư cũng tỏ ra không lo lắng trước rủi ro lạm phát cao hơn.

Sam Stovall, chiến lược gia đầu tư tại CFRA cho hay, các nhà đầu tư được khuyến khích rằng, động lực của lạm phát trong tháng này đến từ các yếu tố chỉ là tạm thời, chẳng hạn như giá ô tô đã qua sử dụng và vé máy bay.

Chuyên gia John Briggs của NatWest Markets nhận thấy: “Sự gia tăng lạm phát đã mạnh hơn dự kiến, nhưng có vẻ, nó vẫn nằm trong danh mục tạm thời".

Đồng quan điểm, nhà kinh tế học tại Oxford Economics nhấn mạnh, lạm phát hàng năm sẽ suy giảm vào những tháng tới.

Nhà nghiên cứu này viết trong một báo cáo nghiên cứu: “Hiện tại sẽ là đỉnh điểm của tỷ lệ lạm phát hàng năm. Tôi cho rằng, lạm phát sẽ tiếp tục duy trì trên 2% cho đến năm 2022”.

(theo CNBC, AP)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bao-lam-phat-can-quet-my-lau-dai-hay-chi-la-thoang-qua-148017.html