Bạo lực học đường: SOS
Một lần nữa, câu chuyện bạo lực học đường lại cần phải gióng lên hồi chuông báo động.
Mới đây, câu chuyện một học sinh nam ở Trường THCS Đại Đồng, huyện Thạch Thất, Hà Nội bị bạn cùng trường “đánh hội đồng” đến mức phải nghỉ học, nhập viện điều trị trong tình trạng hoảng loạn, lơ ngơ, không nhận ra người thân khiến dư luận xã hội bức xúc, nhiều phụ huynh lo lắng. Theo một video lan truyền trên mạng tối 25/10, một học sinh nam bị 5 nam sinh khác lần lượt đấm, đá túi bụi vào đầu và bụng. Học sinh bị đánh không chống trả, chỉ khóc và ôm đầu.
Sau đó, vụ việc được xác định xảy ra ở Thạch Thất, Hà Nội. Ông Đỗ Công Dực - Hiệu trưởng Trường THCS Đại Đồng (huyện Thạch Thất), cho biết sự việc trong video xảy ra giữa tháng 6, tại Nhà văn hóa thôn Đồng Cầu (xã Đại Đồng) khi các em nghỉ hè. Em V.V.T.K. là nạn nhân, cùng các nam sinh xuất hiện trong video đều đang là học sinh lớp 7 của trường.
Điều đáng tiếc, đây không phải lần đầu em K. bị đánh. Giữa tháng 9, Trường THCS Đại Đồng phát hiện nhóm nam sinh này có hành vi tương tự với K. ngay tại trường. Em K. sau đó phải điều trị sang chấn tâm lý 10 ngày, thường xuyên có biểu hiện ngơ ngác, không tập trung. Em trở lại trường vào giữa tháng 10 nhưng tinh thần không ổn định. Nhóm nam sinh đánh bạn gồm 8 em, bị Trường THCS Đại Đồng đình chỉ học 4 ngày, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT).
Theo gia đình em K., trong thời gian qua, em K. có biểu hiện hoảng loạn nên gia đình đưa em đến nhiều bệnh viện để khám chữa. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, K. được chẩn đoán bị rối loạn phân ly.
Điều đáng buồn là những vụ bạo lực học đường, bắt nạt học đường gần đây xảy ra tương đối nhiều, ở các mức độ khác nhau, và có những vụ việc có thể nói là nghiêm trọng. Theo Bộ GDĐT nhận định hồi tháng 8 vừa qua, bạo lực học đường là một trong những tồn tại của ngành, ước tính gần 7.100 học sinh liên quan trong năm 2022. Theo quy định hiện nay, việc kỷ luật học sinh vi phạm gồm ba hình thức: nhắc nhở, khiển trách và tạm dừng học có thời hạn.
Với vụ bạo lực học đường tại Trường THCS Đại Đồng mới đây, nhà trường đã nhận trách nhiệm trước phụ huynh học sinh khi để xảy ra vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng; các gia đình học sinh liên quan cũng đã được mời tới họp, thống nhất đưa em K. đi điều trị tại Văn phòng Tư vấn và Trị liệu Tâm lý trẻ em (Cục Trẻ em), hỗ trợ gia đình em K. chi phí đi lại 35 buổi…
Không chỉ là “vụ việc đáng buồn”, “vụ việc đau xót” với nhà trường, vụ bạo lực học đường này cho thấy mức độ phức tạp khi đi sâu vào một số tình tiết cụ thể… Điều đó cho thấy, môi trường học đường có rất nhiều vấn đề mà nếu thiếu sự quan tâm thường xuyên, liên tục của nhà trường, của các cơ sở giáo dục đào tạo thì khó kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi xấu mới phát sinh của học sinh/nhóm học sinh. Bên cạnh đó, vai trò của các bậc phụ huynh cũng không kém phần quan trọng để phát hiện sớm những biểu hiện bất an của con trẻ…
Từ vụ việc xảy ra ở Trường THCS Đại Đồng, UBND huyện Thạch Thất đã yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm của Ban Giám hiệu trường khi để xảy ra sự việc, không giải quyết dứt điểm. Đây cũng là tiếng chuông báo động để các trường học, cơ sở giáo dục nói riêng và toàn ngành giáo dục nói chung cùng vào cuộc, quan tâm, rà soát, chấn chỉnh để ngăn chặn các vụ bạo lực học đường.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/bao-luc-hoc-duong-sos-10265276.html