Báo Mỹ: Đằng sau việc ông Biden cố gắng đẩy mạnh hỗ trợ Ukraine trước khi ông Trump nắm quyền
Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây liên tục đưa ra các quyết định mang tính bước ngoặt trong xung đột Nga – Ukraine vì một thực tế có thể sắp xảy ra trong vài tháng tới. Đó là viễn cảnh Ukraine buộc phải đàm phán với Nga do rơi vào thế bất lợi nhất trên chiến trường kể từ khi xung đột nổ ra cách đây gần 3 năm.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Bill O'Leary/Washington Post.
Theo báo Mỹ Washington Post, nhiều quan chức Mỹ hiện đưa ra nhận định, rằng chỉ trong vài tháng tới, Ukraine sẽ bị buộc phải đàm phán với Nga với kết quả có thể là phải từ bỏ một phần lãnh thổ. Những quyết định gần đây của ông Biden như cho phép Ukraine phóng tên lửa ATACMS sang lãnh thổ Nga, cung cấp mìn sát thương chống bộ binh cho Ukraine nhằm giúp Kiev có vị thế tốt nhất trước khi buộc phải ngồi vào bàn đàm phán.
Trước đây, ông Biden thường tránh đưa ra các quyết định leo thang xung đột vì lo ngại phản ứng từ Nga. Nhưng trước viễn cảnh Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể làm suy yếu vị thế của Ukraine, ông Biden cảm thấy cần phải đưa ra quyết định, theo Washington Post.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã thảo luận về các kế hoạch trên từ cuối tháng 10 nhưng các quyết định chỉ được đưa ra sau khi ông Trump chiến thắng bầu cử tổng thống, hai quan chức Mỹ giấu tên nói với Washington Post.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đặc biệt lo ngại khả năng Nga tạo ra đột phá trên toàn tiền tuyến ở Ukraine nhờ sự hỗ trợ từ đồng minh. Hai quyết định trên phản ánh nỗ lực của ông Biden nhằm giúp Ukraine giữ các khu vực kiểm soát ở vùng Kursk của Nga và ngăn lực lượng Nga tiến nhanh hơn ở miền đông Ukraine.
Cũng theo báo Mỹ, chính quyền ông Biden đã lường trước khả năng ông Trump sẽ khôing hỗ trợ thêm cho Ukraine một khi chính thức trở lại Nhà Trắng.
Nhìn chung, động thái hiện tại của Mỹ cho thấy một trong những thành tựu chính sách đối ngoại lớn nhất của ông Biden đang ngày càng bị đe dọa. Năm 2022, ông Biden từng tuyên bố ông Putin “không thể tiếp tục nắm quyền lực” ở Nga. Nhưng với cục diện hiện nay, Nga đang có lợi thế lớn khi có thể chấm dứt xung đột ở Ukraine với một thỏa thuận có lợi.
Ivo Daalder, cựu đại sứ NATO dưới thời Tổng thống Barack Obama và là chủ tịch Hội đồng Chicago về các vấn đề toàn cầu, nói ông Biden một mặt lo ngại viễn cảnh Mỹ leo thang căng thẳng với Nga, mặt khác không muốn Ukraine thất bại trong xung đột.
Đây là lý do ông Biden thường đưa ra các phản ứng sau khi Nga có động thái mới hơn là đưa ra chính sách hỗ trợ mạnh mẽ cho Ukraine ngay từ đầu.
“Các quyết định của ông Biden hiện nay đã muộn hơn so với thực tế tới hai năm”, một quan chức châu Âu nói với Washington Post, đề cập việc Mỹ đến nay mới cung cấp cho Ukraine mìn sát thương chống bộ binh.