Báo Mỹ: Tới hạn chót 'tối hậu thư', chính quyền quân sự Niger nhờ Wagner hỗ trợ
Theo truyền thông Mỹ, lời kêu gọi giúp đỡ được đưa ra khi một tướng của phe đảo chính có chuyến thăm nước láng giềng Mali và gặp đại diện Wagner.
Hãng AP ngày 6/8 đưa tin, một trong các tướng của phe đảo chính ở Niger đã kêu gọi sự hỗ trợ của tập đoàn lính đánh thuê Wagner khi đã tới hạn chót "tối hậu thư" của Cộng đồng Kinh tế Các quốc gia Tây Phi (ECOWAS).
Wassim Nasr, một nhà báo và nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Soufan, nói với hãng tin Mỹ rằng đề nghị này được đưa ra trong chuyến thăm của Salifou Mody, một tướng của phe đảo chính, tới nước láng giềng Mali, nơi vị tướng này được cho là đã gặp đại diện của Wagner. Ông Nasr cho biết, 3 nguồn tin Mali và một nhà ngoại giao Pháp đã xác nhận về cuộc gặp.
"Họ cần Wagner hỗ trợ để nắm giữ quyền lực", ông Nasr chia sẻ với hãng AP và tuyên bố Wagner đang xem xét đề nghị của phía chính quyền quân sự.
Theo đài RT, Wagner và chính phủ Nga chưa bình luận về thông tin của hãng AP.
Ngày 4/8, Điện Kremlin tuyên bố, bất kỳ sự can thiệp nào của bên ngoài vào Niger sẽ không giúp cải thiện tình hình. "Chúng tôi ủng hộ việc nhanh chóng đưa trật tự hiến pháp trở lại ở Niger mà không nguy hiểm tính mạng của con người", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên.
Sau cuộc đảo chính ngày 26/7, ECOWAS, khối kinh tế - chính trị gồm 15 nước ở Tây Phi, đã ra "tối hậu thư" cho chính quyền quân sự đảo chính rằng, trong một tuần phải khôi phục lại chức vụ và trả tự do cho Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum. Hạn cuối của "tối hậu thư" là ngày 6/8 (giờ địa phương). Nếu chính quyền quân sự không đáp ứng, ECOWAS cảnh báo sẽ sử dụng mọi biện pháp, trong đó có cả can thiệp quân sự, để khôi phục trật tự hiến pháp.
Mali và Burkina Faso, 2 nước láng giềng của Niger và thành viên của ECOWAS, phản đối việc can thiệp quân sự vào quốc gia Tây Phi này.
Ông Franklin Nyamsi, Chủ tịch Viện Tự do châu Phi, ngày 3/8 cảnh báo rằng nếu ECOWAS can thiệp quân sự vào Niger, đó sẽ được xem là lời tuyên chiến với Mali và Burkina Faso.
Một cuộc xung đột như vậy có thể leo thang nghiêm trọng khi các bên liên quan yêu cầu sự giúp đỡ của các siêu cường quân sự trên thế giới. "Chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa của một cuộc thế chiến ở châu Phi", ông Nyamsi nói.