Báo Nhật nêu trở ngại lớn nhất của kinh tế Trung Quốc

Tờ Nikkie Asia (Nhật Bản) đăng tải bài viết đề cập một số thách thức đối với kinh tế Trung Quốc. Cụ thể, theo tờ báo này, sự suy giảm nhân khẩu học sẽ là trở ngại lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong những thập kỷ tới.

Sự suy giảm nhân khẩu học sẽ là trở ngại lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. (Nguồn: China Daily)

Sự suy giảm nhân khẩu học sẽ là trở ngại lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. (Nguồn: China Daily)

Độ tuổi trung bình của dân số Trung Quốc dự kiến sẽ tăng từ 38,4 tuổi năm 2020 lên 45 tuổi vào năm 2035.

Theo dự báo của Liên hợp quốc vào tháng 7/2022, dân số nước này sẽ bắt đầu giảm về quy mô vào đầu năm tới. Vấn đề đối với Trung Quốc không chỉ là sự già hóa của lực lượng lao động, mà còn là nhận thức ngày càng rõ rệt về sự cạn kiệt nguồn nhân tài.

Thời điểm ông Đặng Tiểu Bình khởi động nỗ lực hiện đại hóa nền kinh tế Trung Quốc vào năm 1979, đất nước này đang rất thiếu các nhà kỹ trị, các doanh nhân dám mạo hiểm, các nhà khoa học và kỹ sư hàng đầu, cùng nhiều nhân tài khác.

Để giải quyết thực trạng này, Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu nuôi dưỡng những nhà kỹ trị tài năng thay vì chỉ khích lệ lòng trung thành về chính trị.

Thêm vào đó, tự do hóa kinh tế cũng tạo cơ hội cho các doanh nhân tư nhân. Gần như tất cả các doanh nhân thành công nhất của Trung Quốc đều xây dựng từ doanh nghiệp nhỏ lẻ thành những công ty cạnh tranh toàn cầu.

Để thúc đẩy các sáng kiến khoa học và công nghệ tiên tiến, Bắc Kinh đã nới lỏng các hạn chế trong việc trao đổi học thuật để sinh viên và nhà nghiên cứu có điều kiện đi học ở nước ngoài. Gần 5,2 triệu du học sinh Trung Quốc đã theo học ở nước ngoài từ năm 1978-2017 và gần 3,1 triệu người về nước lập nghiệp.

Đáng lo ngại hơn nữa là tương lai của các doanh nhân năng động. Các chính sách thiếu thân thiện của Bắc Kinh đối với khu vực tư nhân, đặc biệt là việc đàn áp lĩnh vực công nghệ từng phát triển mạnh mẽ của đất nước đã buộc các doanh nhân phải suy nghĩ lại về tương lai của họ.

Gần đây, số lượng người giàu Trung Quốc tìm cách di cư ngày càng tăng lên. Những người ở lại dường như không còn động lực để mạo hiểm tham gia một môi trường hủy diệt những sáng tạo tư bản.

Đơn cử như Jack Ma, người từ chức chủ tịch Alibaba 3 năm trước, đã biến mất trên truyền thông. Trương Nhất Minh (Zhang Yiming), người sáng lập ByteDance TikTok, đã từ chức trong hội đồng quản trị công ty và lựa chọn của Colin Huang, người đồng cấp tại công ty thương mại điện tử Pinduoduo, cũng tương tự.

Theo Nikkie Asia, đội ngũ nhân tài gồm các nhà khoa học và kỹ sư hàng đầu cũng có thể sẽ bị thu hẹp trong những năm tới.

Ở trong nước, sự cô lập ngày càng tăng với thế giới bên ngoài của Bắc Kinh và các chính sách hạn chế trao đổi học thuật với phương Tây, đang xói mòn khả năng cộng tác của các nhà nghiên cứu với các đồng nghiệp quốc tế.

Các hạn chế về thị thực mà Mỹ áp đặt với các sinh viên tốt nghiệp người Trung Quốc trong một số lĩnh vực khoa học nhất định cũng sẽ cản trở quá trình đào tạo thế hệ nhà khoa học tương lai của Trung Quốc.

Số lượng sinh viên trở về nước sau quá trình học tập ở nước nước ngoài có thể sẽ giảm trong những năm tới, do các chính sách thiếu thân thiện với thị trường của chính phủ và căng thẳng địa chính trị làm ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế của Trung Quốc.

Một điểm đáng chú ý trong bối cảnh thiếu hụt nhân tài ngày càng trầm trọng chính là ở chỗ đây thực tế là “sản phẩm” của chính sách thiếu tư vấn và định hướng của chính phủ.

Nikkie Asia nhận định, tất cả những gì Bắc Kinh cần làm để giải quyết vấn đề này là đảo ngược các biện pháp đã dẫn đến thực tế hiện nay.

(theo Nikkei Asia)

Việt An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bao-nhat-neu-tro-ngai-lon-nhat-cua-kinh-te-trung-quoc-196152.html