Báo Ninh Bình trước thách thức chuyển đổi số báo chí

Là một trong những cơ quan báo chí của tỉnh Ninh Bình, Báo Ninh Bình hiện có 2 loại hình báo chí là báo in và báo điện tử.

Phóng viên Báo Ninh Bình tác nghiệp tại Tuần Du lịch Ninh Bình năm 2024. Ảnh: Trường Giang

Phóng viên Báo Ninh Bình tác nghiệp tại Tuần Du lịch Ninh Bình năm 2024. Ảnh: Trường Giang

Báo in xuất bản 6 kỳ/tuần; số lượng phát hành khoảng hơn 13.500 tờ/kỳ. Báo điện tử có nhiều chuyên mục, thông tin toàn diện các vấn đề, sự kiện một cách nhanh chóng, chính xác; tốc độ truy cập nhanh; số lượng người truy cập và xem trang ngày càng tăng.

Đến nay, Báo Ninh Bình điện tử nằm trong nhóm 20 báo Đảng địa phương có lượng người truy cập cao (tính riêng trong tháng 11/2023, lần đầu tiên Báo Ninh Bình vươn lên vị trí thứ 14/63 báo Đảng địa phương). Đặc biệt, Báo Ninh Bình đã lan tỏa thông tin trên các mạng xã hội như: Zalo, Facebook, Youtube, một số nền tảng số Google Podcast, Apple Podcast, Spotify. Chất lượng thông tin và tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, viên chức ngày càng được nâng lên.

Trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, Báo Ninh Bình đã vinh dự được nhận các giải thưởng báo chí là: 1 giải C (giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại); 1 giải Khuyến khích, 1 giải C (giải Búa liềm vàng); 1 giải Khuyến khích (Cuộc thi viết các tác phẩm điện tử về chủ đề: "Bảo đảm ANTT ở cơ sở" của Bộ Công an).

Chuyển đổi số báo chí là một xu thế tất yếu của tất cả các cơ quan báo chí trong giai đoạn hiện nay và Báo Ninh Bình cũng không thể đứng ngoài cuộc. Chuyển đổi số báo chí là quá trình áp dụng công nghệ số và các nền tảng truyền thông kỹ thuật số để thay đổi, cải tiến và tối ưu hóa hoạt động của cơ quan báo chí. Ngày 6/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 348/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo quyết định trên, mục tiêu chuyển đổi số báo chí nhằm xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin, tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.

Đối với Báo Ninh Bình, thực hiện chiến lược chuyển đổi số báo chí có thuận lợi cơ bản là được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện nhiều mặt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Thời gian qua, Báo Ninh Bình đã có sự thay đổi đáng kể trong chuyển đổi số báo chí như: phát triển báo điện tử; có nhiều tác phẩm đa phương tiện; từng bước hoàn thiện hệ thống tòa soạn hội tụ; đưa thông tin lên một số mạng xã hội, có sự tương tác với công chúng...

Tuy vậy, Báo Ninh Bình cũng đang gặp phải những thách thức lớn, nhất là hạ tầng công nghệ, thiếu trang thiết bị đồng bộ, hiện đại, nguồn nhân lực làm báo nhiều mặt chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, dữ liệu chưa được số hóa để phục vụ sản xuất nội dung. Mạng xã hội đang tạo ra áp lực rất lớn với các cơ quan báo chí về cạnh tranh thông tin và kinh tế báo chí; tình trạng vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.

Để nâng cao năng lực sản xuất thông tin, thu hút được đông lượng người xem, người theo dõi, cần phải có hạ tầng kỹ thuật với công nghệ mới, hiện đại. Điều đó đòi hỏi phải có nguồn lực tài chính để đầu tư bổ sung cả về hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp phần mềm và các phương tiện tác nghiệp để tối ưu hóa hoạt động báo chí.

Những năm qua, đội ngũ Nhà báo của Báo Ninh Bình luôn giữ vững phẩm chất, đạo đức người làm báo, có năng lực chuyên môn khá. Tuy vậy, những nhà báo tích lũy được nhiều kinh nghiệm lại hoạt động chủ yếu ở loại hình báo in, nay phải làm báo điện tử với nhiều yêu cầu, kỹ năng mới như: báo chí đa phương tiện, tòa soạn hội tụ... phải sáng tạo các tác phẩm báo chí theo xu hướng báo chí số; đưa nội dung lên nền tảng số, mạng xã hội... Thực tế còn có một số phóng viên chưa theo kịp việc tiếp nhận, sử dụng công nghệ thông tin vào quy trình làm báo đa phương tiện. Trong khi đó, số lượng biên chế viên chức của Báo Ninh Bình ngày càng giảm theo lộ trình.

Để Báo Ninh Bình thực hiện thành công chuyển đổi số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, giải pháp quan trọng nhất là phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trước mắt, Báo Ninh Bình đang tập trung đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, cộng tác viên hiện có, đồng thời đề nghị tỉnh quan tâm có chính sách cho Báo Ninh Bình được ký hợp đồng lao động làm phóng viên, biên tập viên, thiết kế đồ họa, công nghệ thông tin, quay phim... theo mức độ tự chủ tài chính để bổ sung nguồn nhân lực bảo đảm phục vụ nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.

Quan tâm tạo điều kiện hơn nữa về nguồn lực cho Báo Ninh Bình đầu tư các trang thiết bị hạ tầng kỹ thuật để sản xuất các chương trình, sản phẩm báo chí đa phương tiện, nhất là đối với loại hình báo điện tử và xây dựng tòa soạn hội tụ, phục vụ nhiệm vụ làm báo theo tiến trình chuyển đổi số báo chí.

Nguyễn Đông

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/bao-ninh-binh-truoc-thach-thuc-chuyen-doi-so-bao-chi/d20240614094431448.htm