Báo Nỗ Lực - cơ quan báo chí 'họ hàng' của Báo Công Thương từ 78 năm trước

Trong quá trình đi tìm những cơ quan báo chí tiền thân của Báo Công Thương, chúng tôi có dịp được gặp lại một 'họ hàng' gần 8 thập kỷ trước.

Trước mắt chúng tôi là các số báo mang tên Nỗ Lực. Báo Nỗ Lực ra số đầu tiên vào ngày 1/8/1946, số 2 ra ngày 13/8/1946, số 3 ra ngày 20/8/1946, số 4 ra ngày 3/9/1946, số 5 ra từ 10 đến 17/9/1946. Không rõ báo duy trì được bao nhiêu số, song cho đến nay, còn giữ được 5 số đầu tiên được xuất bản. Trụ sở của báo lúc đầu được đặt ở phố Hàng Sũ, sau chuyển về phố Hàng Ghế (nay đều thuộc phố Phan Đình Phùng, TP. Nam Định).

Đây là cơ quan của Cơ quan kiến thiết quốc gia và Công Thương Cứu quốc Nam Định. Các số báo Nỗ Lực ra 8 trang, riêng số 3 là số đặc biệt kỷ niệm 1 năm Cách mạng tháng Tám ra 12 trang, mang dáng dấp của một tờ tuần báo.

Tuy báo ra khổ nhỏ (29x23cm), dung lượng trang khiêm tốn song nội dung khá phong phú, đề cập nhiều vấn đề chính trị, kinh tế - xã hội lớn của đất nước lúc bấy giờ cùng các nội dung phân tích, thông tin, quảng cáo thị trường trên địa bàn tỉnh Nam Định, giới thiệu, quảng bá các cơ hội giao thương giữa Nam Định và các địa phương khác.

Trang báo Nỗ Lực, số 3 ra ngày 20/8/1946. Ảnh: TL

Trang báo Nỗ Lực, số 3 ra ngày 20/8/1946. Ảnh: TL

Nét đặc biệt của Báo Nỗ Lực là trong bối cảnh lịch sử rất khó khăn, phức tạp lúc bấy giờ, những người chủ trương tờ báo đã xác định rất rõ ý thức chính trị, định hướng cho tờ báo là nơi cổ động giới Công Thương cả nước nói chung và Công Thương Nam Định nói riêng ra sức ủng hộ các chủ trương cứu quốc và kiến quốc của Chính phủ Hồ Chí Minh, huy động các nguồn lực để xây dựng nền kinh tế mới của đất nước cũng như việc tích cực gia nhập Công Thương Cứu quốc đoàn.

Xin trích lời nói đầu đăng trên số 1: “Báo Nỗ Lực ra đời mang theo nhiệm vụ là cổ động sự đoàn kết đi đến chỗ thiết thực, huy động những phần tử trung lập ra kiến thiết quốc gia… Nỗ lực tranh đấu để biểu dương tinh thần đấu tranh của một dân tộc bốn nghìn năm lịch sử vẻ vang. Nỗ lực để kiến thiết lại tổ quốc sau những ngày bị thống trị. Báo Nỗ Lực sẽ là cơ quan ủng hộ chính thể dân chủ, thẳng tay công kích những việc có hại cho nền dân chủ”.

Trong bối cảnh đó, tờ báo xác định, trên mặt trận chính trị, kinh tế, Công Thương Cứu quốc sẽ gánh một phần trách nhiệm nặng nề mà theo tờ báo đó là: Làm sao phá tan được sự bao vây lũng đoạn của kinh tế ngoại quốc? Làm sao cho công nghệ và thương mại nước nhà ngày một thành đạt? Làm sao xây đắp được nền kinh tế quốc gia? Làm sao luôn luôn sẽ là lực lượng hậu thuẫn mạnh mẽ của Chính phủ?

Báo cho biết một vấn đề thời sự kinh tế lúc bấy giờ là thành lập các hợp tác xã Công Thương theo chủ trương của Công Thương cứu quốc đoàn, một thành viên của Mặt trận Việt Minh. Báo Nỗ Lực nhìn nhận, bối cảnh lúc bấy giờ đòi hỏi sự “chung lưng đấu sức của hết thảy mọi người cho nên việc lập hợp tác xã trong lúc này là một việc rất cần. Đáp lời hiệu triệu của Hồ Chủ tịch và Bộ Quốc dân Kinh tế, hợp tác xã đã thành lập ở nhiều nơi - thành thị cũng như nông thôn, đều lượm được những kết quả tốt đẹp”. Nam Định lúc bấy giờ là nơi đi đầu trong triển khai chủ trương này của Chính phủ.

Báo cho biết: “Hợp tác xã Công Thương Nam Định hoàn toàn không có tính chất công ty trục lợi. Nó vừa là hợp tác xã tiêu thụ lại là một hợp tác xã thương mại và đồng thời nó cũng là nơi sản xuất”.

Sau khi điểm lại những kết quả bước đầu, tờ báo thẳng thắn phê phán một tâm lý chung lúc bấy giờ là chưa dám quả quyết ném hết sức lực, tài sản của mình vào vì còn sợ thất bại hoặc sự lợi dụng của một nhóm người. Lo xa như vậy không phải là không có lý nhưng các nhà Công Thương nên nhận định rõ ràng: Thành bại hay không là ở trong tay mình, lợi dụng hay không cũng ở trong tay mình. Sau khi nhấn mạnh chủ trương quan tâm của Chính phủ, báo viết: “Nếu chúng ta sốt sắng, hăng hái chú ý một cách đặc biệt thì lo gì chúng ta không đạt được kết quả mỹ mãn”.

Có thể nói, sự xuất hiện của Báo Nỗ Lực trong vai trò của tiếng nói tập hợp giới Công Thương ủng hộ Chính phủ ở một địa phương có nhiều tiềm năng kinh tế như Nam Định trong bối cảnh lúc bấy giờ là một hiện tượng hết sức độc đáo của làng báo Việt Nam. Những vấn đề mà Báo Nỗ Lực đề cập như đã nêu trên cũng chính là những vấn đề thời sự của kinh tế Việt Nam hiện nay cũng như khẳng định vai trò quan trọng của các lĩnh vực thuộc ngành Công Thương với phát triển kinh tế đất nước.

Bởi vậy, hoàn toàn có thể coi Báo Nỗ Lực như một người “họ hàng”, một “tiền bối” của Báo Công Thương hiện nay.

Ông Nguyễn Phi Dũng - người hiện đang sở hữu các số báo này - chia sẻ, theo như ông được biết, trong số các thư tịch báo chí được xuất bản đến nay từ sau ngày Quốc khánh 2/9/1945 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chưa thấy liệt kê tờ Nỗ Lực.

Ông Nguyễn Phi Dũng bên kho sưu tầm báo chí của mình. Ảnh: NVCC

Ông Nguyễn Phi Dũng bên kho sưu tầm báo chí của mình. Ảnh: NVCC

Giới sưu tầm báo chí cả nước đều biết đến ông Nguyễn Phi Dũng như một trong các nhà sưu tầm báo chí hàng đầu Việt Nam hiện nay. Năm nay 64 tuổi, khởi đầu với 9 tấn báo in bố để lại, đến nay, kho sưu tầm của ông Nguyễn Phi Dũng lên đến 20 tấn báo in, tương đương 400 nghìn tờ báo.

Hàng nghìn tờ báo được ông Nguyễn Phi Dũng xếp gọn gàng chồng lên nhau trên chiếc giá cao quá đầu trong căn phòng rộng chừng 50 m² của gia đình tại TP. Nam Định. Ông luôn dày công tìm nhiều cách để bảo quản, lắp đặt điều hòa, thiết bị hút ẩm, thường xuyên duy trì nhiệt độ phòng ở 20-22℃ để tránh mối mọt. Công việc sưu tầm, giao lưu vẫn được ông tiến hành.

Nhà sưu tầm Nguyễn Phi Dũng tâm sự, ông mong muốn không chỉ lưu giữ những ấn phẩm của cha ông mà còn giúp thế hệ sau hiểu hơn về giá trị của báo giấy. “Mong muốn lớn nhất của tôi là hàng trăm năm sau con cháu chúng ta nhìn lại, biết được ông cha ta đã sống, chiến đấu và lao động như thế nào” - ông Nguyễn Phi Dũng nói.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bao-no-luc-co-quan-bao-chi-ho-hang-cua-bao-cong-thuong-tu-78-nam-truoc-327404.html