Căng mình lái xe trên đường cao tốc không có làn dừng khẩn cấp
Tài xế, chuyên gia cho rằng đường bộ cao tốc không có làn dừng khẩn cấp hoặc chỉ có hai làn xe hạn chế khiến người điều khiển phương tiện giao thông luôn phải đối mặt với hiểm nguy.
Các tuyến đường bộ cao tốc đưa vào vận hành khai thác giúp người dân di chuyển thuận tiện hơn so với quốc lộ. Tuy nhiên, một số đoạn tuyến chưa đạt chuẩn cao tốc khiến cánh tài xế vẫn nơm nớp lo sợ. “Bởi vì ngày càng nhiều người mãi mãi không trở về với gia đình khi di chuyển trên những cung đường như thế”- TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông nhìn nhận.
Nhiều tình huống tài xế không kịp trở tay
Tham gia lái xe khách đường dài chặng Hà Tĩnh - TP.HCM từ đầu năm nay, anh Nguyễn Nguyên, ngụ ở xã Hương Khê, Hà Tĩnh, cho biết dù được các đàn anh đi trước cảnh báo về những đoạn đường cao tốc không có làn dừng khẩn cấp, tuy nhiên khi trực tiếp điều khiển phương tiện bản thân mới thấy nhiều bất cập.
Chẳng hạn, mặt đường tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn hẹp, chỉ có hai làn xe, dù tốc độ tối thiểu quy định 60 km/h nhưng gặp xe trước đang “bò” trên đường thì các phương tiện khác phải nối đuôi nhau với vận tốc nhiều lúc chỉ 30-40 km/h. Họ phải “bò” như vậy 4-6 km mới có một điểm vượt. Việc di chuyển như vậy gây tâm lý ức chế cho người tham gia giao thông.

Đoạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam chỉ có hai làn xe. Ảnh: N.DO
Với tâm lý như trên nên khi đến điểm cho vượt các xe tranh nhau vượt, nếu không kịp vượt lại phải “bò” tiếp vài km mới có cơ hội tiếp, nhưng cũng không biết đến lúc đó có vượt được hết các xe tải lớn hay lại tiếp tục “bò”.
Còn đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết dù có hai làn xe mỗi bên nhưng không có làn dừng khẩn cấp liên tục nên chỉ cần một vụ va chạm nhỏ cũng làm ùn tắc cả chục km. Song song đó, tài xế luôn phải căng mình để điều khiển xe, bởi chỉ cần phương tiện phía trước gặp sự cố bất chợt là tông vào ngay. “Đi trên những cung đường này tài xế đường dài như chúng tôi rất mệt mỏi và căng thẳng, đặc biệt các dịp lễ, tết”- anh Nguyên chia sẻ.
Thực tế, xe chạy trên đường xảy ra nhiều tình huống bất ngờ, có lúc bản thân đang cố giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước, nhưng được vài giây sau một xe khác liền vượt lên “điền vào chỗ trống”. “Trường hợp như vậy, tôi thường cho xe di chuyển chậm lại để giữ khoảng cách an toàn với xe vừa lên, nhưng nếu xe vừa vượt lên gặp sự cố thì không thể nào tránh khỏi va chạm…”- anh Nguyên dẫn chứng.
Tương tự, anh Trần Lộc, ngụ ở xã Xuân Lộc, Đồng Nai, cho biết thường xuyên điều khiển xe tải đi trên đường cao tốc, với các đoạn không có làn dừng khẩn cấp bản thân luôn phải tập trung cao độ. Tuy nhiên, anh từng suýt gặp tai nạn trên cung đường này.
Sự việc trên diễn ra vào đầu năm nay, khi anh đang di chuyển trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết với vận tốc 80 km/h, lúc này xe phía trước bỗng dưng giảm tốc đột ngột để dừng lại nhưng không bật tín hiệu cảnh báo.
“Do trời tối nên tôi có cảm giác xe này đang chạy, khi lại sát mới phát hiện ra xe đã dừng nên liền đánh lái sang làn bên cạnh. May mắn thời điểm đó không có xe nào chạy cùng chiều làn cạnh bên, nếu không khó tránh được tai nạn”- anh Lộc kể.
Làm làn dừng khẩn cấp và mở rộng cao tốc là chuyện khẩn cấp
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng thời gian qua do hạn chế về ngân sách nên một số đoạn tuyến đường bộ cao tốc chỉ đầu tư hai làn xe hạn chế hoặc bốn làn xe chỉ bố trí các vị trí dừng xe khẩn cấp ngắt quãng, không liên tục tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông trong quá trình khai thác.
Nhìn nhận được bất cập trên, các cấp có thẩm quyền đã chỉ đạo rất sát với thực tế. Trong đó, Chính phủ yêu cầu phương án trước mắt là tăng cường công tác tuần tra xử phạt các xe vi phạm về tốc độ, khoảng cách, thời gian lái xe… Về lâu dài, Bộ Xây dựng cũng đã kiến nghị Chính phủ mở rộng các tuyến cao tốc chưa đạt chuẩn. “Tôi rất ủng hộ đề xuất này”- ông Quyền nói.
Đề xuất tiếp tục dùng ngân sách mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam để có mức phí phù hợp
Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam sẽ được đầu tư bằng vốn ngân sách. Bởi lẽ, các đoạn trên tuyến đa phần do Nhà nước đầu tư, nếu tư nhân tham gia sẽ dẫn đến chồng lấn.
Thêm vào đó, việc Nhà nước tiếp tục bỏ tiền đầu tư sẽ tối ưu hóa hiệu quả kinh tế và khả năng kết nối giao thông. Song song đó, các đoạn dự kiến mở rộng có nhu cầu vận tải chưa cao, hiệu quả kinh tế không khả quan, nếu áp dụng hình thức đối tác công - tư (PPP), thời gian thu phí hoàn vốn trung bình lên đến 27 năm.
Vì vậy, Bộ Xây dựng nhận định cần thiết Nhà nước tiếp tục bỏ tiền vào đầu tư và hoàn thiện tuyến để tiến hành thu phí hoàn trả ngân sách cho nhà nước, đồng thời giữ mức phí hợp lý, không mang tính kinh doanh, đảm bảo lợi ích hài hòa cho Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng làm làn dừng khẩn cấp và mở rộng các tuyến cao tốc hẹp là biện pháp căn cơ để giải quyết bất cập hiện nay, nên cần đẩy nhanh, không thể chậm trễ.
“Bởi lẽ, phương tiện di chuyển trên đường gặp rất nhiều tính huống khác nhau, nếu không có làn dừng khẩn cấp sẽ uy hiếp các phương tiện đang lưu thông cùng chiều, tai nạn vừa mới xảy ra trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết là một ví dụ”- ông Quyền cho hay.

Thời gian qua xảy ra nhiều vụ tai nạn do đường bộ cao tốc hẹp, không có làn dừng khẩn cấp. Ảnh: N.DO
Đồng tình, TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông cho rằng hệ thống giao thông hiện nay được cải thiện rất nhiều so với trước đây, nhiều tuyến đường đầu tư bốn làn xe giúp người dân lưu thông nhanh hơn. Tuy nhiên, một số đoạn tuyến có bất cập là thiếu làn dừng khẩn cấp, chưa đúng chuẩn cao tốc.
Thực tế, lưu lượng phương tiện lưu thông trên mỗi tuyến hiện nay rất cao, điều này đồng nghĩa với việc có nhiều xe sẽ gặp sự cố trên đường, nếu không có vị trí để dừng sửa chữa kịp thời rất nguy hiểm cho các xe đang lưu thông với tốc độ cao.
“Chúng ta không nên đổ tất cả lỗi tai nạn giao thông cho tài xế mà điều trước tiên phải xem lại vấn đề hạ tầng. Chẳng hạn vụ tai nạn giao thông vừa rồi nếu có làn dừng khẩn cấp tài xế xe khách bị nổ lốp sẽ đi vào và tránh được vụ va chạm.
Theo đó, để giảm bớt các vụ tai nạn giao thông đau xót như trên tuyến Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Cam Lộ - La Sơn… thì cần đẩy nhanh việc đầu tư làn dừng khẩn cấp ở các tuyến chưa được bố trí. Chúng ta phải xem đây là dự án khẩn cấp làm càng sớm càng tốt ”- ông Thủy nhìn nhận.
Trong thời gian chờ đợi, ông Thủy cho rằng cần tuyên truyền tài xế chấp hành quy định luật giao thông. Đối với xe giường nằm, ông đề xuất hạn chế chạy ban đêm, vì hầu hết các vụ tai nạn nghiêm trọng đều xảy ra ban đêm.
Chờ Quốc hội chấp thuận chủ trương
Ngày 10-7, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện Bộ Xây dựng cho biết đã nhận diện những cấp cập ở các tuyến đường bộ cao tốc như Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết… Theo đó, bộ đề xuất cấp thẩm quyền mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam, với tổng mức đầu tư 152.135 tỉ đồng.
Ngày 18-6, Bộ Xây dựng đã báo cáo Thủ tướng phương án đầu tư mở rộng tuyến trên theo quy mô cao tốc 6 làn xe hoàn chỉnh. Đây là dự án có quy mô và tổng mức đầu tư lớn nên phải được Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư.
Khi được được cấp có thẩm quyền chấp thuận, Bộ Xây dựng sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai đầu tư mở rộng dự án với quy mô cao tốc hoàn chỉnh, bao gồm làn dừng xe khẩn cấp dọc hai bên tuyến đường theo quy định.
"Để đảm bảo an toàn trong quá trình lưu thông cho các phương tiện, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan điều chỉnh, bổ sung các vị trí dải dừng xe khẩn cấp (tính cả hai bên tuyến) với khoảng cách trung bình giữa các dải dừng xe từ 4 km đến 5 km…”- đại diện Bộ Xây dựng cho hay.