Truyền thông phòng chống thiên tai trong bối cảnh chính quyền địa phương hai cấp

Trong bối cảnh thiên tai diễn biến phức tạp và mô hình chính quyền hai cấp được triển khai, báo chí ngày càng giữ vai trò then chốt trong công tác truyền thông phòng chống thiên tai, từ cảnh báo sớm, hướng dẫn ứng phó đến phản bác tin giả, nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động chủ động trong cộng đồng...

Các nhà báo, phóng viên tham dự chương trình tập huấn.

Các nhà báo, phóng viên tham dự chương trình tập huấn.

Ngày 10-11/7/2025, tại phường Hòa Bình, tỉnh Phú Thọ, Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) tổ chức tập huấn kỹ năng tác nghiệp an toàn trong thiên tai cho đội ngũ phóng viên chuyên trách về phòng, chống thiên tai.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, cho biết hiện nay chúng ta đang triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Chương trình tập huấn nhằm để cùng trao đổi kinh nghiệm về công tác tuyên truyền phòng, chống thiên tai; những nguy cơ và kỹ năng cần thiết trong quá trình tác nghiệp báo chí về thiên tai.

Các chủ tọa buổi tập huấn. Ảnh: Chu Khôi.

Các chủ tọa buổi tập huấn. Ảnh: Chu Khôi.

Theo ông Tiến, qua buổi tập huấn, các nhà báo, phóng viên có thể chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, từ chính quá trình làm nghề của mình, để công tác truyền thông, báo chí về phòng chống thiên tai ngày càng hiệu quả hơn. "Như ý kiến của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm trong dịp kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam đã tổng kết, nhấn mạnh vai trò, đóng góp của báo chí, trong đó có các phóng viên hiện trường đối với công cuộc phòng, chống thiên tai, bảo vệ nhân dân”, ông Tiến bày tỏ.

Ông Nguyễn Văn Tiến: "Chúng ta đang triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp, nên công tác phòng chống thiên tai cần đổi mới cho phù hợp". Ảnh:Chu Khôi.

Ông Nguyễn Văn Tiến: "Chúng ta đang triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp, nên công tác phòng chống thiên tai cần đổi mới cho phù hợp". Ảnh:Chu Khôi.

Chương trình tập huấn diễn ra trong 2 ngày, với nhiều nội dung. Ngày 10/7, chia sẻ vấn đề về: Tổng quan tình hình thiên tai ở Việt Nam, một số vấn đề trọng tâm trong công tác phòng, chống thiên tai khi triển khai mô hình chính quyền 2 cấp; Vai trò của các cơ quan báo chí trong công tác tuyên truyền phòng, chống thiên tai; Trao đổi, chia sẻ kỹ năng tác nghiệp báo chí trong tình huống thiên tai; Kỹ năng sơ cấp cứu trong tình huống khẩn cấp.

Ngày 11/7, các phóng viên có chuyến đi thực địa tại khu tái định cư, ổn định dân cư vùng sạt lở tại xóm Rài, xã Tân Dân, huyện Lạc Sơn, tỉnh Phú Thọ. Trong chuyến đi này, Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, bố trí các địa điểm để các phóng viên, nhà báo tham quan một số công trình liên quan đến phòng, chống thiên tai, đó là các công trình ứng phó thiên tai và các công trình dân sinh hỗ trợ ổn định đời sống sau thiên tai.

TĂNG CƯỜNG PHÂN QUYỀN PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI

Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai, cho hay trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, Việt Nam đang đối mặt với nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như bão mạnh, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất và xâm nhập mặn.

Ông Nguyễn Văn Hải: "Chính quyền cấp xã sẽ đảm nhận toàn bộ 12 nhiệm vụ trong công tác phòng, chống thiên tai và quản lý đê điều". Ảnh: Chu Khôi.

Ông Nguyễn Văn Hải: "Chính quyền cấp xã sẽ đảm nhận toàn bộ 12 nhiệm vụ trong công tác phòng, chống thiên tai và quản lý đê điều". Ảnh: Chu Khôi.

Thống kê cho thấy từ năm 1961 đến 2024, đã có tới 793 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó 454 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Bên cạnh đó, tình trạng mưa lũ bất thường diễn ra ngày càng dày đặc và dữ dội, không chỉ trong mùa mưa mà còn cả mùa khô, gây ra ngập lụt, sạt lở, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân.

"Những trận bão khốc liệt như Linda (1997), Xangsane (2006), hay siêu bão Yagi (2024) đã để lại hậu quả nặng nề cả về người và tài sản".

Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai.

Theo ông Hải, hiện nay, nước ta đã chuyển đổi hệ thống chính quyền địa phương từ 3 cấp thành 2 cấp, không còn cấp huyện nữa. Trước tình hình đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 190/2025/QH15 và các nghị định hướng dẫn phân quyền, phân cấp quản lý cho các địa phương. Đối với phòng chống thiên tai, nhiệm vụ của cấp tỉnh giữ nguyên, nhiệm vụ của cấp huyện sẽ chuyển giao về cho cấp xã.

Theo quy định mới, chính quyền cấp xã sẽ đảm nhận toàn bộ 12 nhiệm vụ trong công tác phòng, chống thiên tai và quản lý đê điều – vốn trước đây thuộc thẩm quyền cấp huyện. Các nhiệm vụ này bao gồm: xây dựng và triển khai kế hoạch ứng phó thiên tai, tổ chức dự trữ nhu yếu phẩm theo phương châm "bốn tại chỗ", bảo vệ công trình đê điều, tổ chức diễn tập ứng phó, và tổng hợp thiệt hại sau thiên tai.

Đặc biệt, cấp xã được giao quyền thành lập đội xung kích phòng, chống thiên tai; tổ chức tuần tra, canh gác đê điều trong mùa mưa lũ; phối hợp huy động lực lượng và vật tư khi xảy ra sự cố đê điều. Chính quyền xã cũng chịu trách nhiệm quản lý, phân phối hàng cứu trợ và triển khai nguồn lực từ Quỹ phòng, chống thiên tai.

“Việc phân quyền mạnh mẽ cho cấp xã không chỉ giúp rút ngắn thời gian phản ứng trước thiên tai mà còn phát huy vai trò chủ động của cộng đồng trong ứng phó và phục hồi sau thiên tai. Tuy nhiên, để chính sách phát huy hiệu quả, cần đi kèm với đào tạo cán bộ, tăng cường năng lực dự báo, đầu tư hạ tầng phòng chống thiên tai và tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân”, ông Hải nhấn mạnh.

ĐỔI MỚI TUYÊN TRUYỀN PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI

Trong bối cảnh thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp do biến đổi khí hậu, công tác tuyên truyền phòng, chống thiên tai đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy sự chủ động của người dân và chính quyền các cấp. Ông Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, cho biết: Văn bản số 65-CV/TW ngày 13/6/2025 của Ban Chấp hành Trung ương đã nhấn mạnh yêu cầu “đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và ý thức chủ động” trong phòng, chống thiên tai.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy hoạt động tuyên truyền tại nhiều cơ quan báo chí còn gặp không ít khó khăn như: nhân lực mỏng, nội dung chưa hấp dẫn, thiếu tính tương tác, ứng dụng công nghệ hạn chế và sự phối hợp giữa các bên chưa thực sự hiệu quả. Trước những thách thức đó, việc đổi mới phương pháp và công cụ tuyên truyền là yêu cầu cấp thiết, đặc biệt trong thời kỳ chuyển đổi số.

Ông Đặng Khắc Lợi: "Chuyển đổi số đang mở ra cơ hội lớn cho báo chí trong tuyên truyền phòng, chống thiên tai". Ảnh: Chu Khôi.

Ông Đặng Khắc Lợi: "Chuyển đổi số đang mở ra cơ hội lớn cho báo chí trong tuyên truyền phòng, chống thiên tai". Ảnh: Chu Khôi.

Theo ông Lợi, chuyển đổi số đang mở ra cơ hội lớn cho báo chí trong tuyên truyền phòng, chống thiên tai. Để khắc phục, các cơ quan báo chí cần đầu tư hạ tầng công nghệ, đào tạo đội ngũ chuyên trách, phát triển nội dung số gần gũi giới trẻ, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp và đảm bảo an toàn thông tin.

Bà Nguyễn Thị Thúy Ái, Phó trưởng phòng Quản lý rủi ro thiên tai cộng đồng và Truyền thông, Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai, cho rằng báo chí giữ vai trò không thể thay thế trong công tác tuyên truyền, truyền thông về phòng, chống thiên tai, đảm bảo thông tin minh bạch, chính xác, kịp thời đến cộng đồng.

Các nhà báo, phóng viên tham dự chương trình tập huấn. Ảnh: Chu Khôi.

Các nhà báo, phóng viên tham dự chương trình tập huấn. Ảnh: Chu Khôi.

“Với vai trò cầu nối giữa cơ quan quản lý và người dân, báo chí góp phần truyền tải thông tin dự báo, cảnh báo sớm từ các nguồn chính thống; hướng dẫn ứng phó, sơ tán, đồng thời phổ biến kiến thức an toàn, pháp luật về phòng chống thiên tai. Báo chí cũng giúp chuyển hóa nhận thức cộng đồng từ bị động sang chủ động phòng ngừa, đồng thời phản bác thông tin sai lệch trong thiên tai, định hướng dư luận đúng đắn”, bà Ái nhấn mạnh.

Theo bà Ái, tùy theo từng giai đoạn, nội dung tuyên truyền cần linh hoạt. Trong giai đoạn phòng ngừa, cần phổ biến các giải pháp cảnh báo sớm, mô hình cộng đồng an toàn, giới thiệu điển hình tiên tiến, và lên án các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều, phòng chống thiên tai.

Trong giai đoạn ứng phó, báo chí tăng cường thông tin diễn biến thiên tai, hướng dẫn ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”, cung cấp thông tin liên lạc khẩn cấp, đặc biệt quan tâm đến các đối tượng dễ bị tổn thương. Sau thiên tai, báo chí cần cập nhật thiệt hại, hướng dẫn khắc phục, phục hồi sinh kế, bảo vệ môi trường và an ninh trật tự địa phương.

“Thời gian tới, báo chí cần tăng cường phản ánh thiên tai dưới góc nhìn rủi ro và phòng ngừa, thay vì chỉ tập trung vào cứu trợ. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền chính sách, mô hình giảm nhẹ rủi ro, chuyển đổi sinh kế thành công và phản bác tin giả”, bà Ái đề nghị.

Chu Khôi

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/truyen-thong-phong-chong-thien-tai-trong-boi-canh-chinh-quyen-dia-phuong-hai-cap.htm