Bảo quản đặc biệt bảo vật quốc gia

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế đang quản lý 8 hiện vật/bộ hiện vật đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia (BVQG). Sự hiện hữu của những báu vật này không những làm tăng sự hấp dẫn cho điểm đến, mà cũng chính là cơ hội để những cổ vật quý giá này 'không ngủ yên' trong cuộc sống đương đại.

Chiêm ngưỡng bảo vật quốc gia Cửu đỉnh

Chiêm ngưỡng bảo vật quốc gia Cửu đỉnh

Bảo quản khoa học

8 hiện vật/bộ hiện vật (với 33 hiện vật đơn lẻ) là BVQG, là những hiện vật đặc biệt quý hiếm, là kết tinh câu chuyện lịch sử đất nước, gồm: Bộ Cửu vị thần công đặt tại cửa Quảng Đức và cửa Thể Nhân; Bộ Cửu đỉnh đặt tại sân Thế Miếu (Đại Nội); Bộ sưu tập vạc đồng gồm: 2 chiếc đặt tại sân trước nền điện Cần Chánh, 4 chiếc đặt tại nền cung Khôn Thái, 1 tại sân trước điện Kiến Trung, 2 đặt trên hiên điện Long An (Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế) và 1 chiếc nữa ở sân trước điện Ngưng Hy (lăng vua Đồng Khánh); Ngai vua Triều Nguyễn đặt tại điện Thái Hòa (hiện trưng bày, bảo quản tại Bảo tàng CVCĐ Huế do điện Thái Hòa đang trùng tu); Áo Tế Giao, lưu giữ tại Kho cổ vật của Bảo tàng CVCĐ Huế; Bia Khiêm Cung Ký (lăng vua Tự Đức); Đại Hồng Chung và Bia “Ngự kiến Thiên Mụ Tự” (chùa Thiên Mụ).

Trong số 8 hiện vật/bộ hiện vật nói trên, chỉ có Áo Tế Giao bảo quản tại kho cổ vật, 32 hiện vật còn lại đều được trưng bày phục vụ du khách. Giám đốc Bảo tàng Cổ vật cung đình (CVCĐ) Huế Ngô Văn Minh chia sẻ, công tác bảo tồn, phát huy giá trị của các bảo vật luôn được ngành văn hóa, Trung tâm Bảo tồn BTDTCĐ Huế, Bảo tàng CVCĐ Huế và các cấp chính quyền quan tâm thực hiện.

Theo Luật Di sản Văn hóa, BVQG cần được bảo quản đặc biệt. “Áo Tế Giao hiện được bảo quản trong tình trạng tốt. Nhưng vì chất liệu bằng vải, trải qua hàng trăm năm, nên việc bảo quản đòi hỏi phải trong điều kiện có độ ẩm, ánh sáng, không khí ở chế độ phù hợp nhất với bảo vật, giảm đến tối thiểu sự tác động, xâm hại của môi trường. Cán bộ kho cổ vật thường xuyên kiểm tra, xem xét tình trạng hiện vật, xử lý ngay nếu có ẩm, mốc. Khi nào có sự kiện thật cần thiết và quan trọng thì mới đưa ra trưng bày trong thời gian ngắn rồi tiếp tục lưu giữ. Với các bảo vật/hiện vật được lưu giữ, chúng tôi bảo quản dựa trên phương pháp khoa học và có sự tham vấn của các chuyên gia”, ông Minh thông tin.

Tuy vậy, theo ông Minh, đa số các BVQG do Trung tâm BTDTCĐ Huế quản lý là những hiện vật có kích thước lớn, trưng bày thường xuyên phục vụ du khách nên dù Trung tâm đã có nhiều phương án bảo vệ, nhưng do một bộ phận du khách thiếu ý thức, thường xuyên viết, vẽ, khắc lên di tích, lên các hiện vật đang trưng bày; tìm cách tiếp cận, sờ mó, ngồi lên ngai vàng Triều Nguyễn... gây nhiều khó khăn cho công tác bảo quản, bảo vệ hiện vật.

Phát huy giá trị bảo vật

Cùng gia đình tham quan Huế trong dịp hè này, du khách Smith đến từ Mỹ bày tỏ, anh rất thích Cố đô Huế. “Tôi đã ngắm, tìm hiểu về Cửu vị thần công và thật sự ấn tượng. Mong rằng các bạn sẽ gìn giữ, bảo tồn thật tốt những bảo vật, vì đó chính là bảo vệ văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam”, anh nói.

Theo Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế Hoàng Việt Trung, tại các điểm trưng bày BVQG, Trung tâm đã đặt biển giới thiệu tại chỗ, gắn mã QR code để du khách có thể truy cập thông tin, tìm hiểu sâu hơn về hiện vật. Đồng thời, toàn bộ các BVQG đều đã được số hóa 3D, tăng cường ứng dụng công nghệ để phục vụ việc quản lý, trưng bày hiện vật và phát huy giá trị.

“Chúng tôi cũng thường xuyên quảng bá hình ảnh hiện vật và BVQG, đẩy mạnh quảng bá sâu rộng về các BVQG trên các phương tiện thông tin, giới thiệu qua các bài viết đăng trên tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước. Phối hợp với các đơn vị truyền thông làm phim truyền hình về các bảo vật, quảng bá, giới thiệu trên kênh truyền thông quốc tế. Đưa thông tin về BVQG vào Chương trình Giáo dục Di sản nhằm giúp các em học sinh, sinh viên hiểu thêm về nguồn gốc lịch sử, giá trị của bảo vật, để các em có ý thức gìn giữ, chung tay vào công tác bảo tồn cũng như phát huy giá trị của di sản, bảo vật”, ông Trung chia sẻ.

Năm 2020, Trung tâm BTDTCĐ Huế đã xuất bản ấn phẩm “Bảo vật quốc gia thời Nguyễn tại Huế”, giới thiệu về các BVQG do đơn vị quản lý; tháng 6/2023, Trung tâm tổ chức triển lãm “Giang sơn Việt Nam trên Cửu đỉnh” tại Hiển Lâm Các (Đại Nội) và hiện vẫn đang diễn ra. Trên không gian số, những hiện vật, BVQG được thể hiện lại bằng những hình thức hiện đại, sống động và hấp dẫn hơn. Những giá trị lịch sử, văn hóa nghệ thuật vô giá của BVQG được bắc những nhịp cầu nối đầy sáng tạo đến với đông đảo công chúng, du khách, nhất là thế hệ trẻ, giúp họ thêm hiểu, thêm yêu những di sản được bao đời gìn giữ, trao truyền.

Bảo vật quốc gia là những hiện vật đại diện cho các thời đại lịch sử, phần nào phản ánh diện mạo về đời sống, văn hóa trong từng thời kỳ của dân tộc Việt Nam, được Nhà nước Việt Nam bảo vệ và bảo quản theo chế độ riêng biệt.

Liên Minh

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/van-hoa-nghe-thuat/bao-quan-dac-biet-bao-vat-quoc-gia-145543.html