Bảo quản nông sản sau thu hoạch - Lĩnh vực còn bỏ ngỏ
Bảo quản nông sản sau thu hoạch là một trong những khâu quan trọng nhằm giảm tổn thất, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Song, công nghệ bảo quản nông sản trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn nhiều hạn chế, dẫn tới giá trị, chất lượng nông sản và hiệu quả kinh tế chưa cao.
Mỗi vụ, gia đình ông Nguyễn Văn Hảo (Tứ Trưng, Vĩnh Tường) cấy gần 1 mẫu lúa, năng suất bình quân đạt khoảng trên 2 tạ/sào. Những năm gần đây, việc nhà nông trở nên nhẹ nhàng, đơn giản hơn nhờ sự hỗ trợ của máy cày, máy bơm nước, máy gặt đập liên hợp…
Tuy nhiên, riêng khâu bảo quản lúa sau thu hoạch đến nay vẫn thực hiện hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, khiến gia đình ông Hảo gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vào vụ Mùa, thời tiết mưa nắng thất thường.
Ông Hảo chia sẻ: “Lúa sau thu hoạch được phơi khô trên sân hoặc ngoài đường nhờ ánh nắng mặt trời. Nếu không may thu hoạch đúng thời điểm mưa lớn, kéo dài nhiều ngày, lúa không được làm khô kịp thời thường dễ bị hấp hơi, mọc mầm, làm cho gạo có nhiều hạt đổi màu, tỷ lệ tấm cao. Khi đó, chất lượng giảm sút, gia đình tôi phải bán với giá rẻ”.
Ông Hà Văn Minh, Phó Trưởng Phòng NN và PTNT huyện Vĩnh Tường cho biết: Ngoài phương pháp bảo quản rau củ quả trong kho lạnh tại HTX Phú Thái (Đại Đồng) và bảo quản bưởi bằng cát tại các vùng trồng bưởi, đến nay, rất ít nông sản trên địa bàn huyện được bảo quản một cách bài bản trước khi gia nhập thị trường, gây ảnh hưởng đến giá trị, chất lượng và giá thành sản phẩm.
Nhằm hạn chế tổn thất sau thu hoạch, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích, hỗ trợ nông dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất và bảo quản nông sản, nhất là với những mặt hàng có sản lượng lớn, thu hoạch rộ trong một thời gian ngắn.
Nhằm góp phần bảo quản hàng nông sản trong thời kỳ chính vụ, giúp giảm tổn hao, hư hỏng, nâng cao chất lượng và giá thành sản phẩm, giai đoạn 2017- 2020, tỉnh đã hỗ trợ 8 kho lạnh bảo quản nông sản gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm với tổng kinh phí trên 1,5 tỷ đồng cho các HTX: HTX Rau an toàn Vân Hội Xanh, xã Vân Hội (Tam Dương); HTX Dịch vụ nông nghiệp kinh doanh hàng nông sản An Hòa, xã An Hòa (Tam Dương); HTX Nông nghiệp Đại Lải, xã Ngọc Thanh (Phúc Yên); HTX Phú Thái, xã Đại Đồng (Vĩnh Tường); HTX Rau an toàn Vĩnh Phúc, xã Kim Long (Tam Dương); HTX Rau an toàn VISA, xã Đại Tự (Yên Lạc); HTX nấm Tam Đảo, thị trấn Hợp Châu (Tam Đảo); HTX chăn nuôi bò sữa Tam Đảo, xã Bồ Lý (Tam Đảo).
Có kinh nghiệm nhiều năm trong sản xuất và kinh doanh rau sạch, anh Đỗ Văn Dũng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp kinh doanh hàng nông sản An Hòa (Tam Dương) cho biết: Kể từ khi được đầu tư nhà sơ chế và kho lạnh để đóng gói và bảo quản rau củ quả, việc kinh doanh của HTX thuận lợi hơn rất nhiều, chất lượng nông sản được nâng lên, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của các bếp ăn tập thể, siêu thị lớn. Nhờ đó, HTX có thể hỗ trợ thu mua nông sản cho các thành viên với tổng diện tích liên kết gần 20ha, kể cả lúc vào mùa thu hoạch rộ.
Vĩnh Phúc có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp, chủng loại sản phẩm nông sản khá đa dạng như rau củ quả các loại, lợn thịt, gà thịt, trứng gia cầm, sữa bò, thủy sản…, song, sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng do người dân sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, chưa xây dựng được nền nông nghiệp quy mô lớn với quy trình kỹ thuật chung, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, mẫu mã sản phẩm để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Việc tiêu thụ sản phẩm thường không ổn định do người sản xuất chưa xác định được thị trường, mục tiêu cụ thể, phụ thuộc vào thương lái. Việc liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị còn chưa được người dân quan tâm...
Để tránh khỏi vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá”, tiến tới cơ giới hóa hoàn toàn trong sản xuất nông nghiệp, giảm sức lao động và tăng thu nhập cho nông dân, việc đầu tư cho công nghệ bảo quản sau thu hoạch nông sản là rất cần thiết.
Tuy nhiên, những năm qua, các chính sách của tỉnh chủ yếu tập trung hỗ trợ khâu sản xuất ban đầu; khâu bảo quản, chế biến chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến lĩnh vực bảo quản chế biến sau thu hoạch chưa được đầu tư, chú trọng, phương pháp bảo quản nông sản lạc hậu. Số lượng tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh được tiếp cận công nghệ bảo quản sau thu hoạch còn rất ít.
Thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục khuyến khích áp dụng tiến bộ KHKT, cơ giới hóa vào sản xuất, nhất là thu hoạch, bảo quản để giảm áp lực lúc thời vụ, hạ giá thành sản phẩm; thu hút các doanh nghiệp có vốn, có công nghệ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để từng bước hiện đại hóa ngành nông nghiệp.