Báo quốc tế gợi ý những cơ hội đầu tư quản lý chất thải ở Việt Nam
Theo trang Vietnam Briefing, cùng với sự phát triển kinh tế nhanh của Việt Nam, lượng rác thải phát sinh hàng ngày tại quốc gia Đông Nam Á này đang tăng lên đáng kể.
Điều này đặt ra một số thách thức về quản lý chất thải cho đất nước nhưng cũng tạo ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp phát triển bền vững.
Quá trình đô thị hóa và tăng trưởng công nghiệp nhanh chóng của Việt Nam đã đặt ra thách thức đáng kể trong việc quản lý và xử lý số lượng chất thải hàng ngày. Tuy nhiên, thách thức này cũng mang đến cơ hội vàng cho các nhà đầu tư muốn tạo ra tác động tích cực đến môi trường trong khi khai thác để xây dựng và phát triển lĩnh vực này.
Với nhu cầu ngày càng tăng về các giải pháp quản lý chất thải bền vững, Việt Nam mang đến một bối cảnh đầy hứa hẹn cho việc đầu tư xử lý chất thải.
Hiện trạng quản lý vấn đề xử lý chất thải ở Việt Nam
Hiện trạng quản lý chất thải ở Việt Nam đang gặp phải những thách thức đáng kể do lượng chất thải phát sinh hàng ngày rất lớn. Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường (MoNRE), Việt Nam thải ra khoảng 60.000 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày. Đáng chú ý, riêng khu vực thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh chiếm tỷ trọng đáng kể, mỗi khu vực phát sinh từ 7.000 đến 9.000 tấn rác. Số lượng này dự kiến sẽ tăng 10%-16% vào năm 2025.
Bất chấp khối lượng rác thải phát sinh đáng kinh ngạc, việc xử lý rác thải ở Việt Nam cũng được cho là vẫn chưa hiệu quả. Theo Báo cáo hiện trạng môi trường Quốc gia năm 2021 của Bộ Tài Nguyên và Môi trường, hầu hết rác thải được đưa đến bãi chôn lấp nhưng chỉ có 20% trong số đó đáp ứng yêu cầu vệ sinh quốc gia.
Mặc dù việc chôn lấp rác thải có thể là một phương pháp đơn giản và dễ làm nhưng lại rất tốn kém và lỗi thời. Hơn nữa, nếu không được quản lý đúng cách, quá trình phân hủy rác tại các bãi chôn lấp có thể dẫn đến ô nhiễm đất, không khí và nguồn nước ngầm, làm trầm trọng thêm những lo ngại về môi trường.
Hậu quả của việc phát sinh rác thải đáng kể và phương pháp xử lý không phù hợp thể hiện rõ ở môi trường xung quanh các bãi chôn lấp bị ô nhiễm, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hàng ngày của người dân.
Cơ hội quản lý chất thải
Việt Nam hiện đang trải qua quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh chóng, dẫn đến lượng rác thải phát sinh tăng đáng kể. Theo báo cáo của Mordor Intelligence, thị trường quản lý chất thải ở Việt Nam sẽ đạt quy mô 5,12 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến mức tăng trưởng tiếp theo dự kiến sẽ đạt 7,54 tỷ USD vào năm 2028.
Sự phát triển của lĩnh vực sản xuất chất thải mang đến nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư, cung cấp các giải pháp phù hợp cũng như xử lý chất thải hiệu quả nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về dịch vụ quản lý chất thải trên cả nước.
Ông David Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Giải pháp chất thải California Waste Solutions tại Mỹ và Công ty TNHH Xử lý Chất thải Việt Nam bày tỏ lạc quan về tương lai của ngành xử lý rác thải tại Việt Nam cũng như nhận thấy tiềm năng của ngành này.
Ông David Dương đã đầu tư vào xử lý chất thải tại thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2005 và tin tưởng chắc chắn rằng thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung đều có tiềm năng đáng kể trong lĩnh vực này.
Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam đã và đang tạo ra một lượng rác thải đáng kể hàng ngày, điều này nêu bật nhu cầu ngày càng tăng về các giải pháp quản lý chất thải sáng tạo.
"Với quy mô thị trường của ngành quản lý chất thải được dự đoán sẽ tăng trưởng ổn định, cùng với sự chứng thực của các chuyên gia trong ngành như ông David Dương, rõ ràng Việt Nam mang đến một bối cảnh đầy hứa hẹn cho các nhà đầu tư đang tìm cách đóng góp vào các giải pháp quản lý và xử lý chất thải để thúc đẩy phát triển mạnh lĩnh vực này", trang Vietnam Briefing viết.
Do đó, nhu cầu về công nghệ xử lý chất thải hiệu quả, cùng với sự cộng tác và phối hợp giữa các cơ quan chính phủ, chuyên gia và các bên liên quan đã thảo luận trước đó, là rất quan trọng để khai thác tiềm năng của ngành công nghiệp đang phát triển cũng như giải quyết các thách thức quản lý chất thải mà đất nước phải đối mặt.
Sáng kiến chính phủ
Chính phủ Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của việc quản lý chất thải phù hợp và thực hiện các bước nhằm tăng cường và thực thi các chính sách cũng như quy định thúc đẩy các hoạt động xử lý chất thải bền vững. Một số sáng kiến đáng chú ý đã được đưa ra để hỗ trợ những nỗ lực này.
Thứ nhất, Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn theo Quyết định số 2149/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ đã được Phê duyệt để xây dựng với tầm nhìn dài hạn đến năm 2050. Chiến lược này nhằm đảm bảo tất cả các loại chất thải rắn đều được thu gom và tái sử dụng phù hợp với điều kiện và yêu cầu cụ thể của từng địa phương.
Ngoài ra, Chiến lược phát triển kinh tế tuần hoàn cũng được thông qua nhằm thúc đẩy mô hình khép kín, tìm cách giảm thiểu việc tạo ra chất thải trong môi trường. Một khía cạnh quan trọng của phương pháp này liên quan đến việc xem chất thải là nguồn tài nguyên có thể tái tạo. Mục tiêu là Việt Nam đạt được tỷ lệ thu gom và xử lý 100% chất thải rắn đáp ứng các tiêu chuẩn và quy định quốc gia vào năm 2050 đồng thời giảm sự phụ thuộc vào việc chôn lấp chất thải rắn, chất thải hữu cơ và chất thải có thể tái chế.
Để hiện thực hóa những sáng kiến này, Chính phủ Việt Nam đang tích cực nỗ lực tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi hơn và cung cấp ưu đãi cho các dự án quản lý chất thải. Những biện pháp này có thể thu hút và khuyến khích các nhà đầu tư tham gia phát triển và thực hiện các giải pháp xử lý chất thải bền vững.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng thúc đẩy các chính sách khuyến khích hợp tác thông qua Quan hệ đối tác công tư (PPP). Cách tiếp cận này là một hướng đi đầy hứa hẹn đối với sự phát triển quản lý chất thải. PPP cho phép các nhà đầu tư hợp tác với các cơ quan chính phủ hoặc chính quyền địa phương để thiết lập các dự án cơ sở hạ tầng quản lý chất thải.
Bằng cách tham gia vào PPP, các nhà đầu tư có thể hưởng lợi từ các hợp đồng dài hạn mang lại sự ổn định và khả năng dự đoán. Điều này cho phép lập kế hoạch và thực hiện các dự án quản lý chất thải hiệu quả hơn.
Nhìn chung, mặc dù ngành xử lý chất thải ở Việt Nam vẫn phải đối mặt với một số thách thức nhưng cũng sẽ mang đến rất nhiều cơ hội trong thời gian tới. Các nhà đầu tư có thể tận dụng tình hình phát sinh chất thải ngày càng tăng và các chính sách thuận lợi của chính phủ để thành lập những doanh nghiệp xử lý chất thải có lợi nhuận. Hơn nữa, bằng cách đưa ra những quyết định đầu tư đúng đắn, các công ty có thể thấy được nguồn doanh thu bền vững và lâu dài./.