Bão số 1 gây mưa dông cho nước ta như thế nào?

Bắc Bộ từ đêm 27-31/5, khả năng có mưa, mưa vừa và dông, cục bộ có mưa to đến rất to. Từ ngày 01/6 có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to. Mưa gia tăng trong hai ngày 1-2/6 và duy trì đến cuối tuần.

Nhiều khu vực mưa dông dài ngày do ảnh hưởng của bão Pagasa

Trong tin bão mới nhất hồi 2h ngày 27/5, Cục Quản lý Thiên văn, Địa vật lý và Khí quyển Philippines (Pagasa) cho biết, bão Ewiniar lại mạnh lên trên biển Philippines vào sáng sớm cùng ngày, với sức gió duy trì tối đa hiện ở mức 130 km/h, tăng từ 120 km/h. Tuy nhiên, gió giật đã giảm từ 180 km/h xuống 160 km/h.

Vào hồi 2h ngày 27/5, bão Ewiniar cách Baler, Aurora 90 km về phía đông đông nam. Bão di chuyển chậm lại một chút về hướng bắc đông bắc, mỗi giờ đi được từ 10-15 km. Pagasa dự báo, Ewiniar sẽ tiếp tục mạnh lên trong hai ngày tới khi di chuyển ra khỏi đất liền Philippines, nhưng có thể bắt đầu suy yếu vào giữa hoặc cuối ngày 29/5.

Miền Bắc bước vào mưa dông dài ngày từ chiều tối nay (27/5).

Miền Bắc bước vào mưa dông dài ngày từ chiều tối nay (27/5).

Mặc dù cơn bão đang di chuyển nhưng mưa vừa đến mưa lớn vẫn có thể tấn công một số khu vực vào ngày 27/5, đặc biệt là phần phía đông của Isabela, phần phía bắc của Aurora, Quần đảo Polillo, Occidental Mindoro, Quần đảo Calamian, Quần đảo Cuyo, Antique và Aklan. Trước đó, lượng mưa do bão đã đạt mức dữ dội đến xối xả, gây ra lũ lụt.

Đây là cơn bão đầu tiên trong mùa bão 2024 tấn công Philippines. Dù được dự báo là không đi vào Biển Đông song bão Ewiniar có ảnh hưởng đến thời tiết khu vực trong đó có Việt Nam. ThS Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia dự báo khí tượng thủy văn cho biết cơn bão này ít có khả năng đi vào Biển Đông nhưng nó đóng vai trò "hút" gió mùa Tây Nam. Cùng thời điểm này, trên vịnh Bengal cũng có bão, góp phần "đẩy" gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh lên. Điều này khiến giai đoạn từ nay đến đầu tháng 6 gió mùa Tây Nam trên khu vực Nam Bộ hoạt động mạnh lên, gây mưa nhiều hơn và trên diện rộng.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 27/5 đến ngày 2/6, nhiều khu vực trên cả nước có mưa dông diện rộng. Từ đêm 27/05 đến ngày 04/06, cơ quan khí tượng cho biết Bắc Bộ từ đêm 27-31/5, khả năng có mưa, mưa vừa và dông, cục bộ có mưa to đến rất to. Từ ngày 01/6 có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to. Mưa gia tăng trong hai ngày 1-2/6 và duy trì đến cuối tuần. Trung du và miền núi có nguy cơ lũ quét, trượt lở đất đá.

Trung Bộ từ khoảng ngày 28-30/5 có khả năng xảy ra nắng nóng diện rộng. Từ chiều tối và đêm 28-31/5, khả năng Bắc Trung Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to. Nam Bộ và Tây Nguyên gió mùa tây nam có xu hướng thiết lập trở lại trong hai ngày tới nên có mưa. Từ ngày 29/5, gió mùa tây nam hoạt động ổn định, diện mưa mở rộng, tập trung vào chiều tối. Nhiệt độ ở Tây Nguyên cao nhất 31-33 độ, Nam Bộ 32-34 độ C.

Cơ quan khí tượng dự báo trong một tháng tới nhiệt độ trung bình cả nước phổ biến cao hơn 0,5-1 độ C so với trung bình nhiều năm. Lượng mưa tại Bắc Bộ cao hơn trung bình nhiều năm 5-15%, Bắc và Trung Trung Bộ cao hơn 20-40%.

La Nina khiến mưa dông, lốc sét nhiều hơn

Tại Việt Nam, hiện tượng La Nina sẽ xảy ra vào ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6 năm nay. Cụ thể, khu vực nước ấm dịch chuyển từ phía Đông sang phía Tây Thái Bình Dương tạo nên các cơn mưa phát triển mạnh mẽ. Trong đó có Việt Nam. Tần suất mưa, sấm sét tại các khu vực này cũng tăng mạnh.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến hết tháng 6, hiện tượng El Nino sẽ chuyển sang trạng thái trung tính với xác suất 80 - 85%; từ tháng 7, tháng 8 sẽ chuyển dần sang trạng thái La Nina với xác suất từ 65 - 75%.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đánh giá việc chuyển pha từ nóng sang lạnh của hiện tượng ENSO năm nay thường sẽ gắn liền với hiện tượng mưa nhiều. "Nếu theo đúng như dự báo của chúng tôi, kịch bản năm 2024 sẽ khá tương đồng với những năm thiên tai bất thường, cực đoan trong quá khứ, gần nhất là năm 2020. Cụ thể, hoạt động của áp thấp nhiệt đới sẽ tập trung nhiều vào cuối mùa gắn liền với khu vực Trung bộ", ông Khiêm nói.

Theo ông Khiêm, khu vực Trung bộ có thể xuất hiện các đợt mưa lớn tập trung vào các tháng cuối năm (từ tháng 9 - tháng 11). Ngoài ra, sự thay đổi bất thường từ pha nóng sang pha lạnh và biến đổi khí hậu trong nhiều năm nay có thể gây ra mưa lớn cục bộ. Điều này diễn ra không chỉ trong mùa mưa mà ngay cả trong đầu mùa mưa hoặc mùa khô, gây ra lũ quét, sạt lở đất.

"Chính quyền địa phương và người dân cần hết sức lưu ý mưa lớn cục bộ có thể xảy ra. Trong đó, công tác rà soát các điểm nóng có thể xảy ra lũ quét, sạt lở đất trước khi có bản tin cảnh báo thiên tai để chủ động phòng tránh", ông Khiêm nhấn mạnh.

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cũng vừa đưa ra cảnh báo về một mùa mưa bão mạnh trong năm nay do ảnh hưởng bởi thời tiết La Nina. Theo WMO, cần có những biện pháp dự phòng sớm để ứng phó với thiên tai. WMO nhận định, dựa trên đánh giá năng lượng nhiệt đại dương ở mức cao hơn, cùng với tác động của hiện tượng La Nina, dự kiến sẽ gây ra một mùa bão rất rất mạnh trong năm nay.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bao-so-1-gay-mua-dong-cho-nuoc-ta-nhu-the-nao-169240527100442801.htm