Bão số 4 (Soulik) đang trên vùng biển ven bờ từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, hồi 11 giờ ngày 19/9, vị trí tâm bão số 4 (tên quốc tế là Soulik) vào khoảng 17.2 độ Vĩ Bắc; 107.3 độ Kinh Đông, trên vùng biển ven bờ từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế.
Sức gió mạnh nhất: Cấp 8-9 (62-88km/h), giật cấp 11. Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 20-25km/h.
Trước đó, Trung tâm đã đưa ra bản tin về bão số 4. Cụ thể, tại Cồn Cỏ (Quảng Trị) đã có gió mạnh cấp 9, giật cấp 10; Hoành Sơn (Hà Tĩnh) gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; Lệ Thủy (Quảng Bình) gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Đêm qua đến sáng nay (19/9) ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to: Hòa Bắc (Đà Nẵng) 166mm; Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) 309mm, Hương Phú (Thừa Thiên Huế) 270mm, ...
Hồi 10 giờ ngày 19/9, vị trí tâm bão số 4 (tên quốc tế là Soulik) ở vào khoảng 17,2 độ Vĩ Bắc; 107,6 độ Kinh Đông, trên vùng biển Quảng Bình-Thừa Thiên Huế. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (62-88km/h), giật cấp 10-11 (89-117km/h); di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ khoảng 25km/h.
Vùng biển từ Nghệ An đến Đà Nẵng (bao gồm cả huyện đảo Cồn Cỏ, Hòn Ngư) có gió mạnh cấp 6-7 (39-61km/h), sóng biển cao 2,0-4,0m, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9 (62-88km/h), giật cấp 10-11 (89-117km/h), sóng biển cao 3,0-5,0m, biển động mạnh.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, ở khu vực biển từ Bình Định đến Cà Mau, phía Nam của khu vực Giữa Biển Đông và khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, sóng biển cao từ 3,0-5,0m. Biển động mạnh. Khu vực phía Bắc vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8. Sóng cao từ 2-3m. Biển động.
Ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh tới Thừa Thiên Huế cần đề phòng nước dâng do bão cao từ 0,3-0,5m, kết hợp với triều cao và sóng lớn gây sạt lở đê, kè biển, ngập úng tại khu vực trũng, thấp vào chiều tối ngày 19/9.
Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn, triều cao và nước dâng do bão.
Vùng đất liền ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10-11; sâu trong đất liền có gió giật mạnh cấp 6-7.
Đề phòng xuất hiện các ổ mây dông mạnh phía trước hoàn lưu bão. Trong điều kiện thời tiết xảy ra mưa dông mạnh, hệ quả đi kèm với nó là cây xanh gãy đổ, các mái tôn, biển hiệu quảng cáo có thể bị thổi bay trong không khí.
Từ ngày 19/9 đến hết ngày 20/9, ở khu vực Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 100-300mm, cục bộ có nơi trên 500mm. Đề phòng mưa cường suất lớn (>150mm/6 giờ) ở khu vực từ Quảng Trị-Đà Nẵng trong ngày 19/9.
Ngày 19/9, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 20-40mm, có nơi trên 70mm.
Mưa lớn dẫn đến tình trạng ngập lụt cho các khu vực đô thị, nơi tập trung đông dân cư do nước không kịp thoát.
Học sinh tại Quảng Bình nghỉ học từ chiều 19/9
Báo Quảng Bình thông tin, ngày 19/9, UBND tỉnh ban hành Công điện số 15/CĐ-UBND về việc khẩn trương ứng phó với bão số 4 và mưa lớn.
Trước những diễn biến mới của cơn bão số 4, Sở Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Quảng Bình vừa có công văn chỉ đạo các đơn vị, cơ sở giáo dục cho học sinh các cấp học nghỉ học từ chiều 19/9/2024 cho đến khi thời tiết bình thường trở lại.
Để bảo đảm an toàn cho học sinh, cơ sở giáo dục, Sở GD-ĐT yêu cầu các các đơn vị phân công trực ban 24/24 tại đơn vị, cơ sở giáo dục với phương châm “4 tại chỗ” nhằm chủ động ứng phó kịp thời với các tình huống xảy ra; sẵn sàng tạo điều kiện cho người dân vào tránh trú tại các trường học nếu bảo đảm điều kiện an toàn.
Các trường học phối hợp chặt chẽ với chính quyền, đoàn thể địa phương tập trung lục lượng tổ chức dọn dẹp vệ sinh trường, lớp khi mưa ngớt, nước rút; rà soát, kiểm tra phương tiện, cơ sở vật chất bảo đảm cho việc dạy, học, có phương án an toàn nguồn điện trước khi đưa vào sử dụng.
Mặt khác, thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thời tiết, giữ liên lạc thông suốt với lãnh đạo sở, lãnh đạo địa phương, kịp thời thông báo tình hình đến phụ huynh học sinh để nhanh chóng xử lý các tình huống, giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất.
Trước đó, ngày chiều ngày18/9, Sở GD-ĐT có công văn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các phòng GD-ĐT, Trung tâm GDNN-GDTX các huyện, thị xã, thành phố về triển khai các nhiệm vụ phòng, chống lụt bão.
Từ 15 giờ ngày 19/9, đóng cửa sân bay Đồng Hới
Trước dự báo cơn bão số 4 có đường đi rất phức tạp, Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) quyết định tạm ngừng tiếp thu, khai thác tàu bay tại Cảng hàng không Đồng Hới từ 15-22 giờ ngày 19/9 (giờ địa phương).
Để bảo đảm an toàn khai thác trong thời gian bão số 4 đổ bộ vào đất liền, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các cơ quan, đơn vị chủ động theo dõi diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão số 4 với tinh thần phòng, chống từ trước, từ xa, đảm bảo sẵn sàng bốn tại chỗ.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, các cảng hàng không nằm trong khu vực ảnh hưởng của bão số 4 gồm: Cảng hàng không Đồng Hới, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, Cảng hàng không Chu Lai và Cảng hàng không Vinh.
Đối với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu ACV chỉ đạo các cảng hàng không nằm trong khu vực ảnh hưởng của bão số 4 chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra hệ thống kết cấu hạ tầng cảng hàng không, hệ thống thông tin liên lạc… để kịp thời phát hiện và xử lý các hư hỏng (nếu có) nhằm bảo đảm an toàn cho các công trình, đài trạm, đảm bảo an toàn cho hoạt động khai thác tại cảng hàng không, sân bay. Đồng thời, các đơn vị bố trí trực 24/24 giờ, chủ động cập nhật thông tin khí tượng để kịp thời đề xuất phương án khai thác phù hợp, an toàn.