Bão số 8 đang hoạt động rất mạnh

Bão số 8 (bão Kompasu) là một cơn bão mạnh, di chuyển nhanh và hoàn lưu mây bão lớn, gió mạnh cấp 6 trở lên trải dài tới 500-600km.

Đường đi của bão số 8

Đường đi của bão số 8

Bão số 8 hoàn lưu rộng, gió mạnh cấp 6 trở lên trải dài 600km

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, 7 giờ sáng 12.10, vị trí tâm bão ở cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 850km về phía Đông Đông Bắc.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-120km/h), giật cấp 13.

Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 220km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 25-30km và có khả năng mạnh thêm. Đến 7 giờ ngày 13.10, vị trí tâm bão ở cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 320km về phía Bắc Đông Bắc.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-120km/h), giật cấp 14.

Trong 24-48 giờ tiếp theo, bão di chuyển nhanh chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 25-30km và có khả năng suy yếu dần về cường độ. Đến 7 giờ ngày 14.10, vị trí tâm bão ở trên vùng biển từ Thanh Hóa đến Quảng Bình.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/h), giật cấp 10.

"Bão Kompasu là một cơn bão mạnh, di chuyển nhanh và hoàn lưu mây bão lớn. Gió mạnh cấp 6 trở lên, trải dài tới 500-600km. Bão số 8 sẽ ảnh hưởng tới vùng ven biển và đất liền nước ta trong 24-48 giờ tới", Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định.

Từ đêm mai 13.10 đến ngày 14.10, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình dự báo có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Khu vực bão đi qua có khả năng có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10.

Từ chiều ngày mai đến ngày 14.10, ở khu vực Bắc Bộ và Quảng Trị có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 100-150mm/đợt, có nơi trên 200mm/đợt; khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 150-250mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt.

Từ ngày 15.10, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ có khả năng xảy ra mưa to đến rất to.

Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, quyết liệt ứng phó với bão

Sáng 12.10, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã có báo cáo nhanh công tác phòng chống thiên tai ngày 11.10.

Báo cáo cho biết, triển khai các biện pháp ứng phó bão số 8, mưa lũ, đến 6 giờ ngày 12.10, đã kiểm đếm, hướng dẫn: 53.944 tàu/233.335 người biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.

Các tỉnh: Quảng Ninh, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế duy trì việc cấm biển. Các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nam Định, Hà Tĩnh và từ Đà Nẵng đến Phú Yên kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền (chỉ đánh bắt ven bờ và hoạt động ở các khu vực ngoài vùng dự kiến ảnh hưởng của bão số 8).

Về đê điều, hệ thống đê biển, đê cửa sông từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh có tổng chiều dài 950 km (436 km đê biển, 514 km đê sông). Trong đó, 33 trọng điểm, vị trí xung yếu và 07 công trình đê, kè biển, cửa sông đang thi công.

Cần đặc biệt quan tâm đến những tuyến đê, kè trực diện biển hoặc đang thi công như: đê biển Hải Hậu, tỉnh Nam Định; đê biển Bình Minh 4, tỉnh Ninh Bình; đê biển Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa; đê cửa sông tả Thái, tỉnh Nghệ An.

Về thiệt hại, theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Hà Nội, Ninh Bình và Bình Thuận, Lâm Đồng, tính đến 6 giờ ngày 12.10, mưa lũ đã làm 2 người chết tại Yên Bái; 353 ha lúa và hoa màu bị ngập úng, thiệt hại (Lào Cai 14,4ha; Bình Thuận 17,4ha; Ninh Bình 321,2ha);…

Về giao thông, có 19 điểm đường giao thông bị sạt lở (trong đó: 01 điểm quốc lộ tại Lào Cai; 03 điểm tỉnh lộ (Lào Cai: 02, Hòa Bình: 01); 13 điểm liên xã (Lào Cai 3, Yên Bái 1, Hòa Bình 9); 02 điểm đường liên thôn tại Lâm Đồng.

Đến 20 giờ ngày 11.10, các điểm sạt lở cơ bản đã được khắc phục để thông tuyến.

Một điểm sạt lở trên quốc lộ 4D qua thị xã Sa Pa, Lào Cai.

Một điểm sạt lở trên quốc lộ 4D qua thị xã Sa Pa, Lào Cai.

Sẵn sàng ứng cứu, xử lý sự cố khi có yêu cầu

Trước diễn biến của mưa lũ do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, gió mùa Đông Bắc và bão KOMPASU vào biển Đông, nguy cơ xảy ra tình huống thiên tai nguy hiểm (bão chồng bão, lũ chồng lũ) trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 phức tạp, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai yêu cầu lực lượng phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn các bộ ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm nội dung Công điện số 1323/CĐ-TTg ngày 10.10.2021 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung các công việc sau:

Thứ nhất, theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa lũ, thường xuyên cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo để các cơ quan liên quan và người dân biết, chủ động ứng phó.

Thứ hai, tổ chức quản lý chặt chẽ, thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn tàu thuyền bảo đảm an toàn.

Thứ ba, tổ chức thu hoạch lúa, hoa màu, thủy hải sản ven biển đã đến kỳ thu hoạch và sẵn sàng phương án bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

Thứ tư, kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án bảo vệ các vị trí đê điều, hồ đập xung yếu, đang thi công, vận hành hồ chứa bảo đảm an toàn công trình và hạ du.

Thứ năm, tăng cường thông tin, truyền thông đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động ứng phó bão và dịch COVID-19

Thứ sáu, duy trì lực lượng cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu, xử lý khi có yêu cầu.

Tăng cường lực lượng, tổ chức trực ban phòng chống thiên tai 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống xảy ra.

PV (Tổng hợp)

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/xa-hoi/bao-so-8-dang-hoat-dong-rat-manh-182917