Bảo tàng Báo chí Việt Nam - di sản của những người làm báo

Ngày 28/7/2017, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Nằm trong khuôn viên của tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam, quận Cầu Giấy (Hà Nội), Bảo tàng Báo chí Việt Nam không chỉ là nơi lưu giữ những giá trị lớn lao của lịch sử báo chí mà còn là lịch sử của đất nước, của dân tộc. Đây là điểm đến đầy tự hào, di sản quý báu với những người làm báo.

Đoàn cán bộ Hội Nhà báo tỉnh Hòa Bình tham quan phòng trưng bày của Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Đoàn cán bộ Hội Nhà báo tỉnh Hòa Bình tham quan phòng trưng bày của Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Cùng đoàn công tác của Hội Nhà báo tỉnh Hòa Bình tới thăm Bảo tàng, chúng tôi xúc động, vinh dự khi được nghe, xem những câu chuyện qua từng hiện vật trong suốt chiều dài lịch sử truyền thống của báo chí cách mạng Việt Nam. Phòng trưng bày với diện tích gần 1.500 m2, sau 5 năm thành lập đã sưu tầm trên 35.000 tài liệu, hiện vật có nhiều ý nghĩa, điểm nhấn với từng giai đoạn lịch sử như: Hình tượng bút sen ở gian khánh tiết, bục kim cương ở gian 1865 - 1925, báo chí chiến khu gian 1945 - 1954, làm báo dưới hầm gian 1954 - 1975, khu vực tưởng niệm các nhà báo đã ngã xuống vì Tổ quốc và Nhân dân…

Ngoài các tài liệu, hiện vật quý hiếm như: Tờ Gia Định báo - tờ báo đầu tiên xuất bản bằng chữ quốc ngữ, Báo Thanh Niên - tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam, bảo tàng còn trưng bày nhiều hiện vật quý, trang thiết bị của người làm báo cách mạng qua các thời kỳ. Những hiện vật, bức ảnh, trang báo được trưng bày như đưa chúng tôi sống lại trong từng thời kỳ. Từ khi Báo Thanh Niên - tờ báo cách mạng đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo được ra đời (ngày 21/6/1925), báo chí đã đồng hành với Đảng, dân tộc Việt Nam trong suốt quá trình đấu tranh và xây dựng đất nước. Báo chí luôn ở trên tuyến đầu, ở đâu có khó khăn, gian khổ, hy sinh, ở đó có nhà báo.

Thăm Bảo tàng, chúng tôi không chỉ cảm nhận những thăng trầm của báo chí Việt Nam mà còn thấy được dòng chảy của lịch sử, văn hóa trong quá trình đấu tranh, phát triển đất nước. Sự cống hiến âm thầm của các nhà báo được thể hiện rất rõ trong các hiện vật, như những trang Báo Nhân Dân được biên tập, xuất bản dưới hầm trong điều kiện không quân Mỹ dùng "pháo đài bay” B52 điên cuồng bắn phá Hà Nội 12 ngày đêm (tháng 12/1972) vẫn được xuất bản đều đặn để kịp đến tay đồng bào, chiến sỹ. Khuôn viên bên ngoài tòa nhà cũng được trưng bày những bức tranh kính khổ lớn, thể hiện các giai đoạn của báo chí Việt Nam.

Đưa đoàn thăm phòng trưng bày, bà Trần Thị Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho biết: "Bảo tàng không chỉ là nơi dành cho tham quan, nghiên cứu mà còn đón tiếp nhiều du khách phương xa. Hiện bảo tàng đã trang bị thêm nhiều thiết bị thông minh để khách có thêm trải nghiệm mới như: Hệ thống màn hình tra cứu số hóa, phòng tra cứu hiện vật, tư liệu bản gốc. Để bảo tàng tiếp tục phát triển và có thêm nhiều hiện vật, đội ngũ cán bộ, nhân viên đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên và những người dân đang sở hữu các hiện vật báo chí có giá trị lịch sử tham gia đóng góp. Bên cạnh đó, bảo tàng bảo quản tốt các hiện vật, duy trì quảng bá để phát huy tối đa giá trị lịch sử, làm cho những đơn vị, cá nhân đang sở hữu hiện vật thấy rằng, nếu đặt tại bảo tàng sẽ được công chúng biết đến, đón nhận tích cực, yên tâm hơn khi bàn giao cho bảo tàng. Đến nay, bảo tàng đã tổ chức 20 cuộc trưng bày chuyên đề và tọa đàm khoa học về báo chí, thu hút hơn 18.000 lượt khách tham quan, trong đó có hơn 150 lượt khách nước ngoài”.

Nhân chuyến thăm bảo tàng, đoàn công tác của Hội Nhà báo tỉnh Hòa Bình đã đóng góp một số hiện vật, làm phong phú thêm bộ sưu tập cho phòng trưng bày. Đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Hòa Bình, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh cho biết: "Tôi rất ấn tượng với nhiều hiện vật lịch sử của báo chí Việt Nam như những chiếc máy ảnh các nhà nhiếp ảnh Hội Văn nghệ Việt Nam sử dụng trong những năm kháng chiến chống Pháp; chiếc loa đại, công suất 500W ở bờ Bắc sông Bến Hải, vĩ tuyến 17; máy in Typo sản xuất năm 1966 được dùng để in truyền đơn, tài liệu và in báo Việt Nam Độc lập… Những hiện vật tuy giản dị nhưng chứa đựng biết bao tâm huyết, trách nhiệm của người làm báo. Qua đó tiếp thêm niềm tự hào, truyền cảm hứng, vững niềm tin, khát vọng, sáng tạo không ngừng trong quá trình làm việc để tôi và những người làm báo tiếp tục xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng phát triển”.

Những hình ảnh, hiện vật trưng bày ở Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã thu hút sự quan tâm, tìm hiểu của công chúng, góp phần truyền bá tư tưởng, lịch sử cách mạng, giúp người xem có thêm những trải nghiệm phong phú về cuộc sống, công việc của những người làm báo. Qua đó trở thành di sản quý báu, tiếp thêm lòng nhiệt huyết cho thế hệ trẻ, vun đắp cống hiến, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp cho báo chí cách mạng, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hoàng Anh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/180391/bao-tang-bao-chi-viet-nam-di-san-cua-nhung-nguoi-lam-bao.htm