Bảo tàng Đắk Lắk - điểm hẹn văn hóa, lịch sử ở Tây Nguyên
Bảo tàng Đắk Lắk, nơi khiến du khách như lạc vào miền ký ức, lịch sử của dân tộc và bạn cũng không khỏi choáng ngợp bởi nét kiến trúc độc đáo mà nơi đây mang lại.
Những người đam mê tìm hiểu lịch sử khi đã có dịp ghé thăm Buôn Ma Thuột thì không thể nào bỏ qua Bảo tàng Đắk Lắk với nhiều giá trị văn hóa độc đáo đã và đang là một di tích lịch sử quan trọng của tỉnh Đắk Lắk.
Vào năm 1926, tòa nhà này được công sứ Paul Giran của Pháp cho xây dựng để làm Tòa công sứ. Cho đến năm 1947, khi vua Bảo Đại về nước và nghỉ ngơi ở đây thì nó được đổi tên thành Biệt Điện Bảo Đại.
Từ năm 1955 đến 1975 thì tòa nhà này trở thành nơi diễn ra các sự kiện quan trọng trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ. Đến năm 1976 thì nơi đây được thiết kế lại thành Bảo tàng các dân tộc Đắk Lắk.
Sau hơn 30 năm hoạt động, vào năm 2008, bảo tàng đã được tỉnh Đắk Lắk đầu tư xây dựng mới và khánh thành lần 2 vào năm 2011. Đặc biệt, bảo tàng Đắk Lắk không chỉ là sản phẩm của sự hợp tác quốc tế giữa Cộng hòa Pháp với Bảo tàng dân tộc học Việt Nam, mà nơi đây còn là bảo tàng đầu tiên của Việt Nam sử dụng đến 4 ngôn ngữ trong trưng bày là Việt, Pháp, Anh và Êđê. Cũng chính vì lẽ đó, bảo tàng Đắk Lắk luôn thu hút được rất nhiều người tới tham quan vào mỗi năm.
Nơi đây được thiết kế theo kiến trúc nhà dài truyền thống của đồng bào dân tộc Ê-đê tại Tây Nguyên, dựng bởi các chất liệu hiện đại như bê tông, kính và hợp kim, cùng các màu sắc tương phản như trắng, đen, nâu... làm cho không gian Bảo tàng vừa sang trọng vừa cổ điển, cuốn hút lòng người dù chỉ đứng từ xa.
Bên cạnh đó, bảo tàng Đắk Lắk thuộc kiểu không gian mở và được xây dựng với chiều dài 130m, rộng 65m trên một mảnh đất 9.200 mét vuông, tạo cho du khách cảm giác thoải mái, dễ chịu nhất trong quá trình đi dạo hay di chuyển quanh bảo tàng.
Bảo tàng Đắk Lắk được bao quanh bởi những thảm cỏ và rất nhiều cây cối xanh mướt nên không hề có cảm giác "lạc tông" mà lại rất hòa hợp với không khí núi rừng Tây Nguyên.
Chị Phạm Thị Thu Thương, Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk cho hay: “Bảo tàng ở đây lưu giữ những giá trị lịch sử văn hóa lâu đời của người dân tộc ở Tây Nguyên. Với kiến trúc xây dựng được lấy cảm hứng từ ngôi nhà truyền thống của người đồng bào thì bất cứ du khách nào đến cũng đều trầm trồ, xuýt xoa và nhanh tay lưu giữ cho bản thân, gia đình và bạn bè những bức ảnh kỷ niệm tuyệt đẹp”.
Từ năm 1977 đến nay số hiện vật mà Bảo tàng Đắk Lắk đã sưu tầm được lên tới hơn 10.000 sản phẩm, trong đó có trên 1.000 vật phẩm đặc trưng và quý giá nhất. Không gian bảo tàng được chia thành 3 khu vực chính gồm: Đa dạng sinh học, Văn hóa dân tộc và Lịch sử.
Khu đa dạng sinh học có diện tích khoảng 350 mét vuông, với hơn 200 hiện vật và các hình ảnh hấp dẫn, mang bạn lạc vào một không gian thu nhỏ của núi rừng Tây nguyên hùng vĩ với hệ sinh thái vô cùng đa dạng và phong phú.
Tại đây có các hiện vật tiêu biểu như: các loại gỗ rừng (thủy tùng, gỗ xưa, cẩm xe, thông lá dẹt, cầm lai, thông năm lá...), các loại thuốc dân gian, các cây công nghiệp, thổ nhưỡng, các động vật quý hiếm được ghi danh vào sách đỏ cùng thắng cảnh đẹp.
Du khách cũng có thể mua các món đồ thủ công mỹ nghệ tinh xảo được chế tác từ các sản phẩm tự nhiên của rừng và các món đặc sản Tây Nguyên về làm quà lưu niệm.
Khu văn hóa dân tộc tại bảo tàng Đắk Lắk bạn chứa đựng không gian văn hóa gần gũi, mộc mạc của các dân tộc trên dải đất hình chữ S, điển hình là của người Ê đê, Mnông và Giarai...
Với diện tích 700 mét vuông cùng hơn 450 hiện vật như: gùi trong nông nghiệp, thuyền độc mộc, thổ cẩm, cồng chiêng, chum rượu, đàn đá, tượng nhà mồ...bạn sẽ có cái nhìn rõ ràng, tổng quan về đời sống hằng ngày cũng như các nét văn hóa độc đáo của người dân bản địa.
Khu lịch sử của Bảo tàng Đắk Lắk với diện tích 700 mét vuông, hơn 400 hiện vật và các ảnh, tư liệu, phim ngắn... sẽ đưa bạn nhìn lại dòng chảy lịch sử huy hoàng của Đắk Lắk từ thời đồ đá cho đến hiện tại.
Điển hình nhất là hình ảnh trống đồng Đông Sơn, cồng chiêng, chén đĩa cổ trong thời tiền sử, tiền và nhà đày Buôn Ma Thuột trong chiến dịch 1930 - 1945, súng và giường cách mạng trong chiến dịch 1945 - 1975,...
Dù Bảo tàng Đắk Lắk được xây dựng từ khá sớm nhưng tòa nhà này vẫn được trưng bày theo phương pháp hiện đại và tiên tiến nhất, với hệ thống thông tin được truyền tải đa dạng, chính xác và sống động.
Bảo tàng Đắk Lắk sử dụng 4 thứ tiếng là Việt, Anh, Pháp, Ê đê để chú thích, đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu của tất cả mọi người, giúp đồng bào dân tộc thiểu số dễ dàng tiếp nhận thông tin.
Không chỉ vậy, không gian trưng bày trong Bảo tàng Đắk Lắk còn dành diện tích cảnh báo về sự suy giảm nghiêm trọng của môi trường do tác động của con người và giáo dục, kêu gọi mọi người cùng chung tay bảo vệ sự đa dạng sinh học.
Anh Mạnh Kiên, du khách đến từ Ninh Thuận chia sẻ: “Là một người trẻ, tôi mong các bạn cùng lứa tuổi và những người trẻ như tôi đến thăm quan, khám phá và tìm hiểu những nơi như bảo tàng Đắk Lắk để vừa có cơ hội trải nghiệm không gian đẹp như thế này, vừa được học thêm, hiểu biết thêm về văn hóa lịch sử dân tộc mình. Đó là nền tảng để chúng ta có thể phát triển hơn trong tương lai”.