Bảo tàng hưởng lợi kép từ ứng dụng công nghệ
Trước sức ép cạnh tranh bởi sự xuất hiện của nhiều loại hình giải trí, thiết chế văn hóa mới, tìm đến ứng dụng công nghệ, đặc biệt công nghệ bảo tàng 3D để tăng khả năng kết nối, tương tác cũng như cung cấp thông tin về kho tư liệu, hiện vật quý đang là hướng đi đúng để tăng nhận biết giá trị lịch sử, văn hóa của các bảo tàng đối với du khách.
Cơ hội chiêm ngưỡng những báu vật
Các bảo tàng là nơi hội tụ tri thức, giá trị của nhân loại nói chung, của các quốc gia, dân tộc nói riêng qua chiều dài lịch sử. Tuy nhiên, giống như các thiết chế văn hóa khác, hệ thống bảo tàng không tránh khỏi ảnh hưởng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Để phát triển và thu hút những người yêu thích văn hóa, lịch sử, nhiều bảo tàng ứng dụng công nghệ 3D (tương tác thực tế ảo) ra đời và phát triển như một xu hướng mới tích cực.
Giới thiệu cho những người yêu thích văn hóa Việt Nam, trên trang mạng xã hội của mình, ông Đỗ Trường Giang, Trưởng phòng Thông tin-hợp tác quốc tế (Viện Nghiên cứu Kinh thành) viết: “Từ vài tuần nay, do dịch Covid-19, hàng loạt bảo tàng nổi tiếng nhất thế giới đồng loạt mở truy cập xem miễn phí toàn bộ các bộ sưu tập. Người dân có cơ hội "lượn lờ" trong bảo tàng Louvre, Orsay (Pháp), National Gallery of Art (Anh)... vắng tanh, tha hồ ngắm nghía, phóng to-thu nhỏ, soi từng chi tiết cả giờ đồng hồ không phiền ai”. Lời giới thiệu hấp dẫn này khiến nhiều người yêu văn hóa, lịch sử rất vui, bởi để tham quan các bảo tàng nổi tiếng của thế giới lâu nay chỉ là ước mơ của hàng triệu người. Giờ đây, chỉ cần chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính, bất kỳ ai cũng có thể tham quan và tự do khám phá bảo tàng như người nắm giữ bảo tàng thực sự. Các bảo tàng trên thế giới quả rất biết tranh thủ để quảng bá mình, biến khó khăn thời dịch bệnh thành cơ hội thu hút sự chú ý và tìm kiếm của công chúng.
Theo các chuyên gia, không gian trưng bày, hiện vật của bảo tàng ứng dụng công nghệ 3D bảo đảm tính chân thực, độ chính xác cao, là công cụ hữu hiệu cho du khách ngắm nghía đa chiều các "báu vật" lịch sử. Nếu hệ thống bảo tàng của Việt Nam biết cách tận dụng những ưu thế vượt trội của công nghệ, bảo tàng 3D không chỉ tạo ra cơ hội quảng bá và phát huy các giá trị di sản văn hóa, mà còn thu hút đông đảo công chúng, đặc biệt là giới trẻ quan tâm hơn tới bảo tàng, đến văn hóa và lịch sử dân tộc. Bảo tàng 3D cũng tham gia vào quá trình giải quyết các vấn đề của xã hội, góp phần gắn kết cộng đồng, giải quyết vấn đề bình đẳng xã hội, đặc biệt với vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc, biên giới, hải đảo, người dân chưa có điều kiện đến trực tiếp tham quan bảo tàng hoặc bảo tàng chưa có khả năng đem những hiện vật quý hiếm đi trưng bày, giới thiệu...
Đa dạng cách tiếp cận công chúng
Hiện nay, nhiều bảo tàng, phòng trưng bày của Việt Nam cũng đã sử dụng công nghệ để tiếp cận công chúng. Trên trang mạng xã hội của mình, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam liên tục cập nhật, giới thiệu tới công chúng nhiều bức tranh đẹp kèm theo giới thiệu vắn tắt nhưng khá đầy đủ, phần nào giúp người xem hình dung rõ hơn về “kho báu” của bảo tàng này. Độc giả Congtuoc Nguyen bày tỏ: “Đây là hoạt động lan tỏa nhằm mục đích giới thiệu cho công chúng, cho dù không có điều kiện đến thăm bảo tàng cũng biết được những tác phẩm mỹ thuật nước nhà qua từng thời kỳ; đây cũng là hình thức giới thiệu điểm tham quan du lịch hữu ích của Thủ đô Hà Nội”.
Nói đến hệ thống bảo tàng của Việt Nam, không thể không nói đến Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Với khoảng hơn 200.000 tài liệu, hiện vật... được lưu giữ, bảo tàng này còn được mệnh danh là "ngân hàng dữ liệu" về lịch sử, văn hóa Việt Nam; là cầu nối hợp tác giới thiệu di sản văn hóa của các bảo tàng trong và ngoài nước. Bảo tàng Lịch sử quốc gia là bảo tàng đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng công nghệ tương tác điện tử 3D từ năm 2013. Những trưng bày ứng dụng công nghệ 3D của bảo tàng đã nhận được phản hồi tích cực từ phía công chúng và đồng nghiệp. Thăm một vòng các hiện vật của bảo tàng được trưng bày bằng công nghệ 3D, anh Nguyễn Tiến Đạt (Nam Định) cho rằng: “Phần tương tác, tìm hiểu giá trị trong chuyến tham quan qua ứng dụng 3D cho phép tôi quan sát chi tiết từng hoa văn, nội dung giới thiệu sâu và đầy đủ giúp tôi hiểu kỹ về hiện vật hơn khi thăm bảo tàng thật”.
Cho rằng việc ứng dụng công nghệ góp phần tăng cường hiệu quả trong phát huy giá trị trưng bày hiện vật, tuy nhiên, theo TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia: "Nói vậy nhưng không có nghĩa bảo tàng tương tác ảo 3D có thể thay thế được bảo tàng thực, bởi trên thực tế, chỉ khi được trực quan những hiện vật gốc thì mới có thể mang lại tình cảm, cảm xúc lịch sử thật sự. Đó cũng chính là sự hấp dẫn và lý do mà các bảo tàng tồn tại, phát triển và không ngừng thu hút công chúng trên toàn thế giới”.