Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tiếp nhận nhiều hiện vật quý

Ngày 25-7, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã khai mạc trưng bày chuyên đề 'Cổ vật Việt Nam' và khánh thành phòng trưng bày về văn hóa Óc Eo - Phù Nam, đồng thời tiếp nhận hàng trăm hiện vật quý do các tổ chức, cá nhân hiến tặng.

Trong số hiện vật mà Bảo tàng Lịch sử quốc gia tiếp nhận, đáng chú ý có tấm bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” (triều đình nhà Thanh ấn hành năm 1904) do Tiến sĩ Mai Ngọc Hồng, nguyên Trưởng phòng Tư liệu thư viện thuộc Viện Hán Nôm hiến tặng. Đây là tấm bản đồ gốc, cung cấp một số thông tin quan trọng, là minh chứng xác đáng, bác bỏ những tuyên bố của Trung Quốc đối với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Tấm bản đồ này làm dày thêm kho tư liệu hiện vật của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, góp phần khẳng định độc lập chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam.

Tiến sĩ Mai Ngọc Hồng bên bản đồ "Hoàng Triều tỉnh địa dư toàn đồ".

Chuyên đề “Cổ vật Việt Nam” do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với Hội cổ vật Thăng Long - Hà Nội tổ chức, trưng bày hơn 50 cổ vật Việt Nam tiêu biểu được chọn lọc từ các bộ sưu tập của hội viên và của Bảo tàng. Các hiện vật trưng bày có niên đại từ văn hóa Đông Sơn (cách ngày nay 2.500 năm) tới thời nhà Nguyễn (thế kỷ XIX), với nhiều loại hình như trống đồng, ấm, chuông, thạp, chân đèn, bình, tráp, bát, muôi, chóe... Trong đó có một bộ sưu tập đồ trang sức vàng từ thời chúa Nguyễn, gồm: vòng tay bằng vàng cẩn pha lê; trâm hình phượng bằng vàng chạm; trâm vàng, bạc chạm... Số trang sức này được chế tác rất tinh xảo, thể hiện nét tài hoa của người thợ thủ công nước ta thời kỳ đó.

Phòng trưng bày “Óc Eo - Phù Nam” trưng bày hơn 100 cổ vật quý của nền văn hóa Óc Eo - một nền văn hóa cổ hình thành và phát triển trên cơ sở tầng bản địa trong khoảng 10 thế kỷ đầu trước Công nguyên, ở khu vực đồng bằng Nam Bộ. Hiện vật trưng bày được làm từ nhiều chất liệu như: gốm, kim loại quý, gỗ, đá và một số bằng đồng. Vật liệu xây dựng và phù điêu trang trí kiến trúc bằng đất nung được tìm thấy là các di vật chủ yếu trong kiến trúc đền tháp của văn hóa Óc Eo. Các hiện vật trưng bày được tìm thấy trong nhiều di tích ở vùng Nam Bộ.

Với các hiện vật quý giá được trưng bày trong chuyên đề “Cổ vật Việt Nam” đã góp phần giới thiệu tới công chúng trong nước, bạn bè quốc tế những nét tinh hoa, giá trị lịch sử cũng như văn hóa đặc sắc của Việt Nam.

Hoàng Hiền

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/bao-tang-lich-su-quoc-gia-tiep-nhan-nhieu-hien-vat-quy/