Bảo tàng tri ân đồng đội

Gần 20 năm qua, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày ở xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội đã trở thành địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng cho lớp trẻ.

Ông Lâm Văn Bảng, Giám đốc Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày, cho biết: "Như đồng chí Tố Hữu đã nói, đời cách mạng dấn thân vô là chịu tù đày, là gươm kề cận cổ súng kề vai, không những để cho chúng tôi ghi nhớ mà còn nhắc nhở người dân ở địa phương, mọi đoàn khách đến đây hiểu được những người chiến sỹ cách mạng bị địch bắt và bị tù đày đã đổi xương máu, hy sinh cho cuộc sống ngày hôm nay".

Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày đã được một nhóm các cựu chiến binh do ông Lâm Văn Bảng - thương binh hạng 1/4 khởi xướng, thành lập.

Sau gần 20 năm, đến nay các cựu chiến binh đã sưu tầm hơn 5.000 hiện vật, gần 6.000 cuốn sách, tái hiện sự khốc liệt qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc ta và tinh thần bất khuất, kiên trung của các chiến sĩ cách mạng.

Ông Lâm Văn Bảng cho biết: "Tất cả những bức tượng đều là những con người thật, cả những người còn sống và những người đã hy sinh vì tổ quốc".

Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày ở xã Nam Triều.

Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày ở xã Nam Triều.

Bảo tàng được xây dựng trên tinh thần "tự giác, tự nguyện, tự túc, tự chịu trách nhiệm", với sự tham gia của gần 20 cựu chiến binh. Họ coi bảo tàng như nhà của mình, thấy việc thì làm, mỗi người góp chút công sức như một sự tri ân với đồng đội đã hy sinh.

Ông Nguyễn Đình Quốc, nguyên Thuyền phó tàu 0 số, cho biết: "Chiến sỹ Lâm Văn Bảng đã dành cả cuộc đời để xây dựng bảo tàng, đây là nơi giáo dục truyền thống lý tưởng cách mạng. Tôi cũng tự nguyện tham gia để đóng góp sức mình".

Bà Trương Thị Lưu Sa, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, cho hay: "Những ngày tháng 7 này chúng tôi lại về đây để hát cho đồng đội tôi nghe. Vô cùng xúc động".

Địa chỉ đỏ này đã đón hàng chục triệu lượt khách tham quan; tổ chức hàng trăm buổi giao lưu với các nhân chứng lịch sử ở các trường học.

Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày không chỉ là nơi lưu giữ những kỷ vật, hiện vật của các chiến sĩ cách mạng mà còn giáo dục cho lớp trẻ về lòng tự hào, tự tôn dân tộc và truyền thống yêu nước.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/bao-tang-tri-an-dong-doi-253490.htm