Bảo Thắng chú trọng phát triển đàn đại gia súc
Trang trại của gia đình ông Nông Văn Soạn, thôn Làng Gạo, xã Xuân Quang hiện có 40 con trâu, bò. Với phương thức chăn nuôi vỗ béo, ông quan tâm đến việc chọn giống, chăm sóc, chế độ dinh dưỡng, vệ sinh, phòng, trừ dịch bệnh. Ông Soạn cho biết: Nuôi trâu, bò vỗ béo nếu áp dụng tốt kỹ thuật, biết cách phòng bệnh thì đàn gia súc phát triển ổn định, giá trị kinh tế cao. Cứ 3 đến 5 tháng có thể xuất ra thị trường/lứa, trung bình lãi từ 500 nghìn đến 2 triệu đồng/con/tháng. Cách đây mấy ngày, gia đình vừa xuất bán 5 con trâu, thu lãi gần 20 triệu đồng.
Xã Trì Quang có lợi thế phát triển nuôi đại gia súc với diện tích đất vườn, đồi lớn, hiện xã có gần 800 con trâu, bò. Trước đây, việc nuôi trâu, bò tại Trì Quang chỉ để lấy sức kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp, nay các hộ đã chuyển sang nuôi trâu, bò sinh sản, vỗ béo cung cấp cho thị trường. Nhiều hộ vay vốn đầu tư chuồng nuôi nhốt, mua con giống để mở rộng quy mô nuôi; áp dụng biện pháp kỹ thuật như tiêm phòng vắc-xin đầy đủ, thụ tinh nhân tạo; thay đổi thói quen chăn thả sang nuôi nhốt chuồng. Một số hộ tranh thủ các nguồn vốn, chương trình, dự án đầu tư tăng đàn.
Gia đình bà Nguyễn Thị Lanh, thôn Quang Lập, xã Trì Quang là điển hình nuôi bò sinh sản theo quy mô gia trại. Trước đây, gia đình bà cũng nuôi bò, lợn và gia cầm, nhưng quy mô nhỏ. Đầu năm 2019, gia đình bà đầu tư gần 300 triệu đồng xây dựng chuồng trại, mở rộng diện tích trồng cỏ và mua 10 con bò sinh sản về nuôi. Trung bình mỗi con bò sinh sản 1 lứa/năm, sau 6 đến 7 tháng, bê con có thể xuất bán đạt 12 đến 15 triệu đồng/con. Năm 2020, gia đình bà bán 10 con bê, thu hơn 130 triệu đồng. Bà Lanh cho biết: Gia đình bà trồng 8 sào cỏ VA06, 4 mẫu ngô và tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, cây ngô, cây chuối làm thức ăn cho đàn vật nuôi. Bà cũng tiêm phòng vắc-xin đầy đủ và vệ sinh chuồng nuôi thường xuyên.
Ông Trần Xuân Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Trì Quang cho biết: Để duy trì và nâng cao tiêu chí thu nhập, nhất là sau những đợt dịch tả lợn châu Phi, xã khuyến khích người dân chuyển từ nuôi lợn sang nuôi trâu, bò. Theo đó, xã bố trí các nguồn lực hỗ trợ người dân cải tạo, phát triển đàn gia súc. Cán bộ xã luôn theo sát diễn tiến quá trình nuôi. Do đang xảy ra dịch viêm da nổi cục, xã tuyên truyền, vận động người dân tiêm phòng đầy đủ vắc-xin cho trâu, bò; thường xuyên vệ sinh, phun khử trùng, tiêu độc khu vực chuồng nuôi và môi trường xung quanh; kiểm soát tốt việc đưa gia súc không rõ nguồn gốc ra - vào địa bàn.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Thắng, đến nay, toàn huyện có gần 9.000 con đại gia súc, với gần 100 trang trại, gia trại và 2 hợp tác xã nuôi đại gia súc. Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện đã áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi đại gia súc, tạo điều kiện về đất đai để mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng trang trại, phát triển diện tích trồng cỏ voi; có chính sách hỗ trợ người dân vay vốn tín dụng đầu tư sản xuất; tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã bao tiêu sản phẩm, tìm đầu ra ổn định. Huyện bước đầu xác định vùng chăn nuôi chủ lực tập trung tại các xã: Xuân Quang, Trì Quang, Phú Nhuận, Xuân Giao…
Tuy nhiên, tốc độ phát triển đàn trâu, bò của huyện đang bị ảnh hưởng do dịch bệnh, giá cả và thị trường tiêu thụ. Phần lớn đàn trâu, bò giống địa phương, năng suất, sản lượng đạt thấp; tình trạng phối giống chưa theo đúng quy trình kỹ thuật nên thể trạng, tầm vóc thấp còi. Đa số người dân chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa có sự đầu tư vào sản xuất; việc tiêm phòng chưa được quan tâm đúng mức mà chỉ khi có dịch mới tiêm...
Để phát triển đàn đại gia súc bền vững, huyện tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích các hộ chăn nuôi chuyển đổi mạnh từ chăn nuôi phân tán, quy mô nhỏ sang quy mô vừa và lớn; chăn nuôi trâu, bò vỗ béo tại các xã có điều kiện về đất đai, đồng cỏ. Khuyến khích các địa phương chủ động có giải pháp, chính sách thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư nuôi đại gia súc. Chú trọng quy hoạch vùng nuôi tập trung; áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và giải quyết tốt vấn đề môi trường trong chăn nuôi.
Theo ông Vũ Kiều Hưng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Thắng, việc đầu tư phát triển đàn đại gia súc theo hình thức trang trại, hợp tác xã, nhóm hộ liên kết hiện nay là hướng đi có tiềm năng cho nông dân, nhưng để ổn định, Nhà nước cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi về vốn, kỹ thuật, phương pháp xử lý chất thải; kêu gọi liên kết các doanh nghiệp, hợp tác xã trong thu mua, bao tiêu sản phẩm.