Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc tạo sức hút du khách

ĐBP - Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc gắn với phát triển du lịch là hướng đi được nhiều địa phương trong cả nước quan tâm thực hiện. Tại Điện Biên, với cộng đồng 19 dân tộc anh em, mỗi dân tộc là chủ nhân của những kho tàng văn hóa khác nhau. Đây là nguồn tài nguyên giá trị, dồi dào để Ðiện Biên có sản phẩm du lịch phong Phú, thu hút du khách tham quan, trải nghiệm.

Mỗi phong tục, tập quán của mỗi dân tộc đã làm nên một Điện Biên giàu bản sắc văn hóa.

Mỗi phong tục, tập quán của mỗi dân tộc đã làm nên một Điện Biên giàu bản sắc văn hóa.

Nằm trên cung đèo Pha Đin, khu vực trọng điểm phát triển du lịch của huyện, bản Lồng, xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo có khí hậu quanh năm mát mẻ, cảnh sắc hùng vĩ. Nơi đây, 100% dân cư đồng bào Mông sinh sống với truyền thống, bản sắc văn hóa độc đáo. Khi được huyện định hướng phát triển trở thành bản du lịch văn hóa cộng đồng, người dân bản Lồng có thêm động lực xây dựng bản, thu hút du khách tới khám phá và trải nghiệm.

Ông Mùa A Sùng, Trưởng bản Lồng cho hay: 109/109 hộ dân bản Lồng đã chung sức, đồng lòng mở 500m đường đến các điểm check-in, như: Điểm ngắm bình minh, săn mây, ngắm ruộng bậc thang; đường vào hang Cọp; làm bậc thang vào đá mũi Rồng để thu hút du khách. Một trong 4 hộ tiên phong làm homestay ở bản là gia đình ông Mùa A Dề. Từ nhà ở hiện tại gia đình ông Dề đã mở thêm 4 phòng ngủ với 12 giường cùng hệ thống nhà tắm, vệ sinh, trang bị đầy đủ đồ dùng, đáp ứng nhu cầu của khách lưu trú. Bản đã thành lập đội văn nghệ, đội múa khèn, vận động người dân khôi phục trang phục truyền thống mặc vào dịp tết, lễ hội.

Vận động viên thi đấu môn đánh yến tổ chức tại bản Lồng, xã Tỏa Tình.

Vận động viên thi đấu môn đánh yến tổ chức tại bản Lồng, xã Tỏa Tình.

Những ngày đầu tháng 12 này bản Lồng rộn ràng, sôi động hơn khi được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn là nơi tổ chức thi đấu thực nghiệm bảo tồn các môn thể thao dân tộc truyền thống, trò chơi dân gian dân tộc Mông. Hơn 200 vận động viên đến từ 7 bản của xã Tỏa Tình đã tham gia thi đấu 4 môn thể thao, gồm: Đánh yến, tù lu, ném pa pao và giã bánh giầy.

Được biết, hoạt động trên là một trong những nội dung của Dự án 6 nhằm bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch (Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi). Trong khuôn khổ thi đấu thực nghiệm, ban tổ chức đã trao vật dụng liên quan đến bảo tồn, phục dựng các môn thể thao dân tộc truyền thống, trò chơi dân gian cho nhân dân bản Lồng. Từ đây, các môn thể thao dân tộc truyền thống, trò chơi dân gian dân tộc Mông không chỉ phục vụ bà con trong bản mà còn phục vụ du khách khám phá, trải nghiệm khi đến với bản Lồng.

Với nhiều thắng cảnh nổi tiếng như: Cao nguyên đá cổ Tả Phìn, hệ thống ruộng bậc thang, hội xuân, các di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và một số di tích, hang động, huyện Tủa Chùa đã và đang đẩy mạnh các hoạt động xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng đến du khách. Trong đó, phiên chợ đêm diễn ra vào tối thứ 7 hàng tuần tại thị trấn Tủa Chùa mang nét đặc trưng của huyện miền núi, vùng cao.

Khi những tia nắng cuối ngày dần tắt sau dãy núi cũng là lúc chợ đêm Tủa Chùa khai màn. Chợ phiên hội tụ đủ màu sắc của các dân tộc trên địa bàn, là nơi mua bán, trao đổi đặc sản địa phương, thu hút không ít du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Du khách trải nghiệm múa khèn Mông.

Du khách trải nghiệm múa khèn Mông.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Truyền thanh, Truyền hình huyện Tủa Chùa cho biết: “Ðể phiên chợ thêm phần náo nhiệt, hàng tuần, các xã, thị trấn và trường học sẽ thay nhau lên ý tưởng, tập luyện và biểu diễn chương trình nghệ thuật mang nét độc đáo. Không chỉ vậy, ngay tại vị trí trung tâm của chợ đêm là gian hàng ẩm thực, phục vụ nhiều món ăn truyền thống, đặc sắc phải kể đến như thắng cố, dê núi, rượu ngô thơm nồng… hấp dẫn hàng trăm người dân và du khách thưởng thức. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, chợ đêm Tủa Chùa đã dần trở thành một sản phẩm đặc trưng của huyện, có sức hấp dẫn và thu hút rất lớn không chỉ với người dân địa phương mà cả du khách gần xa”.

Điện Biên hiện có di sản nghệ thuật then Thái và nghệ thuật xòe Thái đã được UNESCO đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại và 14 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhiều lễ hội đã được khôi phục và tổ chức thường niên như: Lễ hội Hoa Ban, Lễ hội thành Bản Phủ, Lễ cúng bản - Gạ ma thú của dân tộc Hà Nhì, Lễ cấp sắc - Tủ cải của người Dao quần chẹt, Tết Hoa của dân tộc Cống, Tết cổ truyền Nào Pê Chầu của dân tộc Mông... Đó chính là không gian để những nét đẹp văn hóa truyền thống được bảo tồn, truyền lại và cũng là điều kiện thuận lợi để tỉnh khai thác phục vụ phát triển du lịch.

Người dân bản Tìa Ló, xã Noong U, huyện Điện Biên Đông chỉnh trang nhà ở thành mô hình homestay đón khách du lịch.

Người dân bản Tìa Ló, xã Noong U, huyện Điện Biên Đông chỉnh trang nhà ở thành mô hình homestay đón khách du lịch.

Thống kê năm 2024, Điện Biên đón khoảng 1,85 triệu lượt khách (vượt 42,3% so với kế hoạch năm). Doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 3.300 tỷ đồng, vượt 50% so với kế hoạch. Những con số cho thấy Điện Biên đã và đang từng bước khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch; xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch về văn hóa, ẩm thực các dân tộc.

Mỗi nếp nhà, mỗi phong tục, tập quán của mỗi dân tộc đã làm nên một Điện Biên giàu bản sắc văn hóa. Tuy nhiên, hiện nay công tác bảo tồn văn hóa, phục vụ du lịch mới chỉ tập trung ở một số dân tộc; nhiều giá trị di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc khác mới dừng lại ở việc rà soát, kiểm kê mà chưa có giải pháp bảo tồn, phát huy hiệu quả. Bởi vậy, nhiều địa phương vẫn thiếu sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc dân tộc bản địa, thiếu sức hút đối với du khách.

Để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch một cách hiệu quả, cùng với giải pháp của các ngành chức năng, chính quyền địa phương, cần hơn nữa là ý thức, trách nhiệm của chính người dân trong giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống. Một khi được quan tâm gìn giữ, bảo tồn đúng mức những giá trị, di sản văn hóa truyền thống ấy sẽ trở thành sản phẩm du lịch thu hút du khách thập phương đến với Điện Biên.

Bài, ảnh: Thu Hằng

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/van-hoa/bao-ton-ban-sac-van-hoa-dan-toc-tao-suc-hut-du-khachuuuu