Bảo tồn các công trình kiến trúc Pháp tại Huế - Bài 1: Những công trình tiêu biểu trong lòng đô thị di sản
Huế là một trong những đô thị di sản đặc sắc của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á với quỹ kiến trúc di sản phong phú từ những công trình kiến trúc cung đình, lăng tẩm, nhà vườn, phủ đệ, kiến trúc phố cổ… Trong đó, những công trình kiến trúc Pháp từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX là mảnh ghép quan trọng trong tổng thể một bức tranh đô thị lớn để Huế được tôn vinh như 'một kiệt tác về thơ kiến trúc đô thị'.
Những công trình kiến trúc Pháp ở Huế tập trung phần lớn ở bờ Nam sông Hương có lịch sử xây dựng lên đến cả trăm năm, tọa lạc ở những vị trí đắc địa và đang được các cơ quan, đơn vị, tổ chức sử dụng. Tuy nhiên, trải qua các giai đoạn phát triển, nhiều công trình đã bị "hạ giải" trong niềm tiếc nuối. Có một số công trình là trụ sở làm việc trước đây đang bị bỏ hoang và sẽ có những công trình tiếp tục dôi dư trong quá trình di dời các đơn vị về khu hành chính tập trung, thực hiện sắp xếp tinh gọn bộ máy. Thực tế này đặt ra cho thành phố yêu cầu về việc cần có đánh giá tổng thể, nhiều mặt về quỹ kiến trúc Pháp hiện có để lựa chọn, bổ sung vào danh mục những công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu, xây dựng hành lang pháp lý để bảo vệ, khai thác, sử dụng hiệu quả. Phóng viên TTXVN giới thiệu chùm 3 bài viết về chủ đề “Bảo tồn các công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu trong không gian đô thị di sản Huế”.

Trường THPT Hai Bà Trưng là một trong những công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu của thành phố Huế. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN
Bài 1: Những công trình tiêu biểu trong lòng đô thị di sản
Hình thành từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, những công trình kiến trúc Pháp ở Huế là điểm nhấn quan trọng trong diện mạo đô thị của thành phố di sản này. Nét độc đáo, hiện đại của mỗi công trình hòa quyện cùng sự cổ kính của Kinh thành Huế, cảnh quan thiên nhiên và văn hóa địa phương, góp phần tạo nên kho tàng di sản văn hóa kiến trúc đặc trưng của xứ Huế.
Quá trình hình thành những công trình kiến trúc Pháp
Cố đô Huế trong thời kỳ Pháp thuộc đã được quy hoạch, xây dựng một cách bài bản và khoa học. Mỗi công trình kiến trúc thuộc địa đều mang phong cách độc đáo, đa dạng về loại hình và nghệ thuật trang trí. Trải qua hơn 100 năm tồn tại, kiến trúc này vẫn đang được sử dụng, trở thành di sản có giá trị về văn hóa, lịch sử và mang tính thẩm mỹ cao.
Theo các nhà nghiên cứu, từ cuối thế kỷ XIX, cùng với sự xác lập quyền lực của thực dân Pháp, diện mạo đô thị Huế đã trải qua nhiều biến đổi quan trọng. Nếu như khu vực bờ Bắc sông Hương, Kinh thành Huế vẫn giữ vai trò trung tâm quyền lực của triều Nguyễn; thì ở bờ Nam sông Hương, một khu đô thị mới dần hình thành, thường được gọi là “Không gian đô thị thời Pháp” hoặc “Khu phố Tây”. Một đô thị mang dấu ấn kiến trúc phương Tây với nhiều công trình công sở, hành chính, thương mại, giáo dục và biệt thự, phản ánh chiến lược quy hoạch và quản lý đô thị của chính quyền thuộc địa.

Hai tòa nhà kiến trúc Pháp số 23-25 đường Lê Lợi nằm ven sông Hương trở thành không gian sách và văn hóa Huế. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN
Ngược dòng lịch sử, căn cứ vào Hòa ước Giáp Tuất ngày 15/3/1874 giữa triều Nguyễn ký với Pháp, triều đình cho xây dựng tòa sứ ở phía Nam sông Hương, công trình này được khởi công xây dựng vào tháng 4/1876 và hoàn thành vào tháng 7/1878. Đây được xem là công trình đầu tiên của người Pháp trên trục phố Lê Lợi - được biết đến như “Khu phố Tây” tại Huế thời bấy giờ. Tòa Khâm sứ Trung kỳ (La Résidence supérieure L'Annam) nằm trong khuôn viên Trường Đại học Sư phạm Huế ngày nay, là thủ phủ của chế độ thực dân ở Trung Kỳ chi phối các hoạt động của nhà nước quân chủ Việt Nam.
Sau Hòa ước Giáp Thân 1884 (hay còn gọi là Hòa ước Patenôtre ký ngày 6/6/1884), đặc biệt sau sự kiện Kinh đô Huế thất thủ (1885), Pháp đã ép triều Nguyễn cho xây dựng thêm công trình đáp ứng các nhu cầu hoạt động. Nhiều công trình đã được hình thành, tập trung các khu vực ở bờ Nam sông Hương từ Đập Đá đến ga Huế, sau đó tiếp tục mở rộng dọc theo sông An Cựu và khu vực phía Nam. Trong khi đó, người Pháp gần như giữ nguyên kiến trúc cung đình và kiến trúc bản địa ở khu vực bờ Bắc sông Hương, điều đó thể hiện sự tôn trọng tổng thể kiến trúc của Kinh đô Huế.
Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố Huế Phan Tiến Dũng nhận xét, khi thiết kế và xây dựng, các kiến trúc sư người Pháp đã đảm bảo tính hài hòa giữa thiên nhiên và kiến trúc, không tạo nên sự đối nghịch với việc thiết lập công viên chạy dọc sông, các con đường, vườn hoa, thảm cỏ tạo nên những khung cảnh xanh mát. Các công trình có thiết kế nền cao, thích ứng với khí hậu thời tiết ở Huế, kết cấu xây dựng vững chãi, có các hành lang đi xung quanh, hệ thống mái vươn ra bên ngoài. Với việc hạn chế chiều cao và thấp dần về phía bờ sông, mật độ xây dựng không dày đặc, cho thấy các nhà quy hoạch và thiết kế đã tôn trọng các giá trị của đô thị cổ kính. Các công trình kiến trúc Pháp đã thể hiện sự độc đáo về kết cấu công trình, phong phú của loại hình kiến trúc, đường nét nghệ thuật trang trí góp phần tạo nên giá trị của đô thị di sản Huế.
Ngoài ra, Huế vào thời điểm này cũng có nhiều biệt thự, nhiều tu viện được xây dựng trên một số đường phố chính, đồng thời các biệt thự cũng được hình thành ở khu nghỉ mát Bạch Mã.
Mảnh ghép kiến trúc Pháp trong bức tranh đô thị di sản

Nhà thờ Phanxico là một trong những công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu của thành phố Huế. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN
Ở Huế, quỹ kiến trúc Pháp thuộc không đồ sộ như các TP Hồ Chí Minh, Hà Nội hay Đà Lạt, nhưng góp phần tạo nên một diện mạo mới cho đô thị Huế đầu thế kỷ XX, là điểm tựa quy hoạch và thẩm mỹ để Huế lan tỏa về phía Nam ở những thời kỳ tiếp theo. Những công trình kiến trúc thời Pháp ở Huế đã làm phong phú đời sống đô thị, là những điểm nhấn quan trọng tạo nên diện mạo của thành phố văn hóa.
Trải qua thời gian, chịu ảnh hưởng của thiên tai và các giai đoạn chiến tranh khốc liệt, nhưng nhiều công trình kiến trúc Pháp ở Huế vẫn may mắn tồn tại đến ngày nay, nhiều công trình trở thành biểu tượng văn hóa, lịch sử của thành phố như: Trường Quốc học Huế, ga Huế, công trình nhà thờ, nhà nguyện Công giáo, khách sạn …
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tùng, Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Khoa học Huế cho biết, các công trình mang phong cách kiến trúc Pháp ở Huế được xây dựng rất bài bản và tuân theo các nguyên tắc kiến trúc trong quy hoạch đô thị. Các công trình Pháp thuộc tại Huế được xây dựng theo 6 phong cách kiến trúc gồm: kiến trúc tiền thuộc địa, cổ điển/tân cổ điển, địa phương Pháp, Art Deco, Đông Dương và phong cách kiến trúc khác. Với sự phong phú về loại hình và phong cách kiến trúc, các công trình này không chỉ phản ánh một giai đoạn lịch sử đô thị đặc trưng dưới thời Pháp thuộc mà còn chứa đựng giá trị văn hóa nghệ thuật quan trọng.

Trụ sở Liên hiệp các Hội văn học Nghệ thuật thành phố Huế trên đường Phan Bội Châu mang đậm kiến trúc Pháp. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN
Theo nhiều nhà nghiên cứu, những công trình cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX được quy hoạch và xây dựng ở phía Nam sông Hương đã thể hiện sự tôn trọng tổng thể kiến trúc của Kinh đô Huế. Đặc biệt là quy hoạch của kiến trúc sư Raoul Desmaretz năm 1933 đã có sự điều chỉnh cả về vị trí, chức năng, thẩm mỹ, điều kiện vệ sinh… của các hệ thống công trình.
“Sự quy hoạch và phân chia sông Hương thành hai phần với những chức năng riêng cũng được cấu trúc giống như con sông Seine của nước Pháp chia Paris thành 2 khu vực, một là nơi tập trung các công trình văn hóa, lịch sử, kiến trúc lâu đời, một bên là khu hành chính, thương mại, buôn bán”, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố Huế Phan Tiến Dũng chia sẻ.
Hai kiến trúc sư Nguyễn Vũ Minh và Nguyễn Văn Thái, Khoa Kiến trúc (Đại học Khoa học Huế) nhận định rằng, các nhà quy hoạch kiến trúc Pháp đã đề cao, tôn trọng yếu tố bản địa đô thị Huế. Cấu trúc không gian đô thị mới dường như không xâm phạm đến khu Kinh thành, hệ thống giao thông Bắc Nam được đẩy lệch sang một bên và đi vòng qua khu vực này. Cấu trúc thành phần không gian mới này cũng thiết lập dựa trên những đặc điểm của địa hình không gian đô thị Huế, mà yếu tố căn bản góp phần tạo nên sự hòa hợp này là sông Hương, được xem là trục chủ đạo chi phối những ứng xử về mặt tạo hình cấu trúc đô thị, tạo sự phù hợp giữa cái cũ và cái mới. Vùng cảnh quan sông Hương cũng là vùng đệm cho sự bảo tồn khu vực Kinh thành, phủ đệ, lăng tẩm, làng truyền thống với sự phát triển đô thị mới trên cơ sở phát triển khu phố Tây. Mảng kiến trúc đô thị thuộc địa Pháp trên đất Huế đã góp phần làm đa dạng hình thái không gian đô thị di sản.